Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hé lộ ước mơ tuổi 18 và khát vọng hiện tại

Mai Châm

(Dân trí) - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn, cởi mở giải đáp các thắc mắc của đoàn viên, thanh niên gửi tới cho anh, thậm chí không ngại trả lời cả những câu hỏi mang tính cá nhân.

Chiều ngày 25/3, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước.

Đây là cuộc đối thoại đặc biệt với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên", kéo dài 2h30', thu hút hơn 9,5 triệu lượt tương tác qua livestream trên mạng xã hội và hơn 3.000 câu hỏi đã được gửi tới Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Tại buổi đối thoại, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn thẳng thắn, cởi mở giải đáp các thắc mắc của đoàn viên, thanh niên gửi tới cho anh, thậm chí không ngại trả lời với cả những câu hỏi mang tính cá nhân.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hé lộ ước mơ tuổi 18 và khát vọng hiện tại - 1

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước.

Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý tại buổi đối thoại:

Có khát vọng cống hiến thì dù ở đâu cũng có thể cống hiến

Bạn Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore đặt câu hỏi qua hình thức trực tuyến rằng làm thế nào để có thể cổ vũ tinh thần và khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài một cách mãnh mẽ hơn nữa, hiệu quả, thực chất hơn nữa. Ngoài ra T.Ư Đoàn làm cách nào để ngày càng có nhiều bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc?

Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn trả lời: "Cách đây 12 năm trong chương trình đối thoại của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có một câu hỏi tương tự như thế này. Khi đó đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết, Đảng, Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên về nước làm việc để cống hiến trực tiếp nhiều hơn cho Tổ quốc.

Theo tôi, khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện T.Ư Đoàn có tới 21 tổ chức đoàn tại nước ngoài, mạng lưới tri thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10.000 người.

Đây là những cơ chế quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức đoàn trong nước.

Đặc biệt, từ năm 2018, T.Ư Đoàn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thường niên Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu; đồng thời đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ Việt Nam chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.

Chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về: khoa học vũ trụ, y sinh, chuyển đổi số, khoa học con người. Đây là những lĩnh vực mũi nhọn cần sự đóng góp của tất cả các bạn đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước. Hiện tại, việc quản lý diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu đã được giao cho các bạn trẻ và đạt được rất nhiều thành tựu.

Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích các bạn đóng góp cho quốc gia dù là ở trong và ngoài nước, không chỉ những bạn du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam.

Tôi hứa sẽ xây dựng những cơ chế, những sân chơi cho các bạn trẻ để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc.

Tôi cũng đã từng du học, tôi thấy rằng không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách mới về nước làm việc mà hãy lên nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, để xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bản thân, hay có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp cho các cơ quan trong nước.

Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao tham mưu với Chính phủ về các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hóa các quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 về chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, chính sách đối với thanh niên có tài năng ở trong và ngoài nước; nghiên cứu đề xuất cổng thông tin dữ liệu về việc làm dành cho thanh niên Việt Nam ở ngoài nước có nhu cầu trở về nước công tác, làm việc; đồng thời hỗ trợ các bạn trong việc kết nối, cung cấp các thông tin cần thiết cho các bạn sinh viên ngoài nước có nhu cầu được trở về nước và cống hiến, đóng góp sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Gen Z có cái tôi cá nhân, có bản sắc là chuyện mừng

Bạn Trường Chinh ở Bạc Liêu đặt vấn đề, thế hệ Gen Z lớn lên trong sự bùng nổ kỹ thuật số, toàn cầu hóa. Thế hệ này có đặc tính là đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân, yêu thích sự tự chủ cả trong cuộc sống lẫn tài chính. Đôi lúc thế hệ này xao lãng trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội. Vậy xin Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn cho biết phương thức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao lý tưởng cách mạng cho thế hệ này để họ cống hiến tài năng, làm giàu cho Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hé lộ ước mơ tuổi 18 và khát vọng hiện tại - 2

Trường quay buổi đối thoại trực tuyến của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên, thanh niên.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn trả lời: "Chúng ta đã bước sang giai đoạn mới, xã hội ngày càng cởi mở hơn, đề cao cá tính cá nhân của mỗi người, nhất là các bạn thanh niên. Tôi cho rằng, các bạn thế hệ Gen Z có cái tôi cá nhân, có bản sắc là chuyện mừng. Còn nếu các bạn không có bản sắc, không mong muốn khẳng định cái tôi của mình thì mới là đáng lo. Các bạn muốn khẳng định cái tôi của mình để đóng góp cho đất nước, cho cộng đồng thì đó là điều quan trọng.

Trên thực tế, có rất nhiều bạn Gen Z đã xin phép gia đình, thậm chí đã trốn bố mẹ để tham gia hỗ trợ F0, tham gia công tác chống dịch. Rõ ràng khi xã hội cần, Tổ quốc cần, các bạn Gen Z này cũng đã sẵn sàng đặt cái tôi vào dòng chảy chung của đất nước, đã đóng góp rất nhiều.

Đoàn phải có trách nhiệm tạo ra môi trường, tạo được dòng chảy để các bạn Gen Z như những giọt nước hòa chung vào dòng chảy ấy. Thiết kế phong trào cách mạng như thế nào để thu hút các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z là việc mà Ban Bí thư Trung ương Đoàn đang suy nghĩ rất nhiều và có những hành động cụ thể để làm điều này".

Quốc gia hùng cường không chỉ đo bằng kinh tế mà còn đo bằng sức lan tỏa văn hóa

Bạn Đồng Văn Hùng - chủ kênh fanpage, YouTube "Ẩm thực mẹ làm" (YouTube 998.000 lượt đăng ký) hỏi: "Xin anh cho biết, hiện nay Đoàn đang triển khai những nội dung gì nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, quảng bá giá trị văn hóa, tâm hồn, bản sắc của người Việt Nam đối với quốc tế, nhất là trong kỷ nguyên số?"

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hé lộ ước mơ tuổi 18 và khát vọng hiện tại - 3

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trò chuyện với Đồng Văn Hùng.

Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn trả lời: "Trong 35 năm đổi mới vừa qua, sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nhiều nơi văn hóa còn bị xem nhẹ.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc nhưng vẫn tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại làm sao để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi cho rằng, trong vấn đề này, vai trò của thanh niên là hết sức quan trọng.

Để đánh giá một quốc gia hùng cường không chỉ đo bằng kinh tế, đo bằng GDP mà còn được đo bằng sức lan tỏa của văn hóa. Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm và đã được đề cập đến trong định hướng giai đoạn 2015-2030.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tổ chức Đoàn đã có nhiều giải pháp để phát huy phát huy vai trò của thanh niên trong gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc thông qua một trong ba chương trình lớn, đó là "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần". Dự thảo văn kiện dự kiến tiếp tục duy trì chương trình này trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động để phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển văn hóa.

Những phần việc mà T.Ư Đoàn sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới:

- Xây dựng văn hóa trong Đoàn: tác phong lề lối, tác phong làm việc, những tác phong, nề nếp văn hóa cần có trong các hoạt động. Tổ chức phải là tổ chức văn hóa. Chúng tôi đang thực hiện và quyết tâm thực hiện vấn đề này.

- Tổ chức các diễn đàn để những người trẻ đang trăn trở về văn hóa như bạn Hùng có nơi để đóng góp ý kiến, xây dựng văn hóa đất nước như diễn đàn "Chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số". Hiện T.Ư Đoàn đang có kế hoạch tổ chức nhiều diễn đàn và một cuộc thi về phát triển văn hóa trong thời gian tới.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế xã hội, các tấm gương khởi nghiệp về văn hóa để tạo nên một cộng đồng từ đó tạo nên một lối sống về văn hóa, định hình tốt hơn về văn hóa cho giới trẻ. Từ những cá nhân văn hóa tạo nên một đất nước văn hóa, một bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Ước mơ của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn

Trong buổi đối thoại này, người dẫn chương trình đặt câu hỏi với Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn về ước mơ của anh năm 18 tuổi và hiện tại.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn hé lộ ước mơ tuổi 18 và khát vọng hiện tại - 4

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể về ước mơ thuở 18 tuổi.

Anh Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ: "Tôi xuất phát từ "dân" chuyên Vật lý. Hồi 18 tuổi, tôi rất quan tâm tới khoa học vũ trụ, ước mơ học về học ngành Vật lý địa cầu. Cuốn sách mà tôi đọc nhiều lần nhất cho tới bây giờ là "Lỗ đen và vũ trụ" của Stephen Hawking.

Nhưng khi định hướng lựa chọn nghề nghiệp, gia đình tôi muốn con thi vào Đại học Sư phạm, làm thầy giáo Vật lý. Còn muốn học ngành Vật lý địa cầu, song ngành này ở nước ta khi ấy có điều kiện nghiên cứu cực kỳ hạn chế. Tôi lại là một học sinh tỉnh lẻ, khi ấy điều kiện ngoại ngữ cũng không đủ để đi học ở nước ngoài ngay được.

Do vậy, cuối cùng tôi chọn một phương án khác là học ngành Ngân hàng - Tài chính của Đại học Kinh tế quốc dân. Ước mơ của tôi khi ấy nhỏ và lãng mạn như vậy thôi".

Sau đó, anh Nguyễn Anh Tuấn làm thầy giáo một thời gian ở ĐH KTQD, rồi về công tác ở T.Ư Đoàn. "Hiện tại, khát vọng của tôi nằm trong dòng chảy chung khát vọng của thanh niên Việt Nam. Đó là khát vọng được đóng góp sức lực, cống hiến ở cương vị của mình.

Tôi tâm niệm là cố gắng để ngày hôm nay làm tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Chỉ cần mỗi ngày mình luôn đau đáu để làm tốt hơn từng ngày thì đã là cách để thể hiện khát vọng của bản thân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường vào năm 2045.

Mỗi bạn trẻ ở từng cương vị công tác của mình đều có thể đóng góp cho khát vọng chung của đất nước là xây dựng Việt Nam hùng cường", Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm