Tại nơi làm việc, sự độc hại "ẩn nấp" trong những lời khen ngợi

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Môi trường làm việc thân thiện quá mức có thể khiến mọi người thụt lùi, bỏ lỡ cơ hội phát triển sự nghiệp.

Văn hóa nơi làm việc độc hại là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng hàng loạt công nhân bỏ việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp hậu đại dịch Covid-19.

Văn hóa nơi làm việc độc hại được điều chỉnh thân thiện, phù hợp hơn ở các công ty. Tuy nhiên, lối văn hóa thân thiện lại đang dần phát triển theo hướng tiêu cực.

Tessa West - giáo sư tâm lý học tại Đại học New York, Mỹ - nói với CNBC: "Tử tế, đồng cảm và quan tâm - đó rõ ràng là những đặc điểm tốt cần có trong văn hóa công ty. Nhưng chúng ta đang nhầm giữa sự thân thiện trong giao tiếp và sự tranh luận, góp ý ngay cả khi cần thiết".

Mọi người thường nghĩ, những câu nói nhận xét mang yếu tố tiêu cực là độc hại, còn các cuộc đối thoại khen ngợi, lấy lòng mới là tử tế và thân thiện. Thực tế, sự tử tế đó chỉ là hành động tránh né, thể hiện tính vô trách nhiệm.

Đối với phương Tây, việc quá thân thiện với toàn lời khen cũng là dấu hiệu nhận biết môi trường làm việc độc hại.

Giáo sư West cho rằng, câu nói "Bạn rất giỏi, thật tuyệt khi chúng ta có cơ hội hợp tác với nhau" không chân thật. Nhiều người không cảm thấy thoải mái để chia sẻ suy nghĩ thật lòng.

Tại nơi làm việc, sự độc hại ẩn nấp trong những lời khen ngợi - 1
Nhiều người lo lắng vì không nắm bắt được suy nghĩ thực sự của đồng nghiệp (Ảnh: Pexels).

"Mọi người luôn có tư duy phải thể hiện thái độ tích cực trong mọi tình huống nên thường ngại đưa ra nhận xét, đánh giá thật về người khác. Từ đó, chính họ cũng không phát triển, tiến bộ hơn vì khó nhận ra những thiếu sót của mình", West nhận định.

Khi các sếp ngại đánh giá và góp ý, việc quản lý, kiểm soát cấp dưới càng trở nên khó hơn. Nhân viên cũng không nhận ra khuyết điểm của chính họ để khắc phục. Như vậy, sự tích cực không đúng nghĩa này khiến các công ty kém phát triển hơn.

Theo West, dấu hiệu nhận biết văn hóa công ty độc hại tiềm ẩn là những cuộc đối thoại thảo mai.

Không chỉ bao gồm sự thiếu tôn trọng, lạm dụng hay vấn đề phi đạo đức của nhân viên, những nơi thiếu cuộc trò chuyện, bàn luận chân thật cũng là dấu hiệu của môi trường làm việc không lành mạnh.

"Trớ trêu thay, cách tinh vi để hủy hoại một người là thông qua văn hóa thân thiện, tử tế. Nó có thể biểu hiện dưới hình thức hung hăng thụ động, nơi ý định xấu được che đậy bằng nụ cười", cô nói thêm.

Nhà tâm lý học Wharton Adam Grant cho biết: "Vì quá lo lắng trong việc phải hòa hợp với người khác, nhiều người coi trọng các mối quan hệ hơn kết quả công việc. Từ đó, họ trở thành người vô trách nhiệm và dần đánh mất sự nghiệp".

Đặc biệt, khi quá quen với các câu khen ngợi, việc lắng nghe nhận xét, đánh giá tiêu cực từ cấp trên có thể khiến nhân viên càng thêm hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý làm việc.

Nếu muốn thoát khỏi sự thân thiện quá mức, West cho rằng, bạn có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu phản hồi trung thực, mang tính xây dựng cho chính mình.

"Hãy bắt đầu thay đổi với các câu hỏi nhỏ, sau đó tiến dần đến vấn đề khác quan trọng hơn", West gợi ý.