Tai nạn và kỹ năng sinh tồn của sinh viên tình nguyện

(Dân trí) - Hoạt động tình nguyện mang lại rất nhiều niềm vui, kỷ niệm tốt đẹp nhưng nhiều sinh viên vẫn không tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn, đa phần do các bạn trẻ còn thiếu kỹ năng.

Những sự cố trên hành trình tình nguyện

 

Phạm Huỳnh Thanh Tuyên (ĐH Duy Tân) từng tham gia 4 “Mùa hè xanh” cho biết: “Được sinh hoạt, làm việc với mọi người trong nhóm thực sự mình rất vui, đặc biệt khi đi làm đường cho, cùng phát nương rẫy, hay dạy cho mấy nhóc học, …

 

Nhưng đây cũng là môi trường sinh viên chúng mình dễ gặp phải các rủi ro. Ngày trước, vì tò mò và không để ý tới các thành viên khác trong đội, mình đã từng bị lạc một mình trong rừng, trong người không có thức ăn, quần áo chỉ có một bộ đang mặc trên người. Lúc đấy mình rất hoảng loạn”.

 

Nguyễn Văn Tú (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) từng bị ngộ độc khi vào trong rừng hái, ăn nhầm trái cây có độc. Tú liên tục nôn nửa, bị “Tào Tháo rượt”, nguyên một đêm không ngủ được.

 

Tú cho biết: “Mặc dù mình bị nhưng các bạn khác mặt mũi xanh lè vì không ai biết cách khắc phục cả. Nếu không có người dân địa phương cho Tú uống thuốc thì cũng không biết làm sao”.
 
Việc hạn chế tắm sông, suối là điều cần thiết trong mùa mưa lũ.
Việc hạn chế tắm sông, suối là điều cần thiết trong mùa mưa lũ.

 

Còn Nguyễn Tuấn (trường ĐH Tài nguyên và môi trường) vẫn còn nhớ rõ tâm trạng hoảng hốt của mình khi bị tụt đoàn đạp xe xuyên Việt. Xe bị thủng xăm nhưng Tuấn không biết nên cứ thế, tốc độ giảm dần so với hành trình của đội. Rất may khi bạn được hỗ trợ kịp thời nếu không sẽ bị “bỏ rơi” giữa đường.

 

“Tai nạn” mà các tình nguyện viên gặp phải không dừng lại ở đó mà còn thương tâm hơn rất nhiều khi có những trường hợp tử vong. Vào ngày 8/7/2007, M.T.L.H (ĐH Kinh tế Quốc dân) sau khi giúp bà con ở một xã của Phú Thọ, bị trượt chân ngã xuống dòng nước và cuốn trôi khi mới xuống tắm.

 

B.K.N (ĐH Cần Thơ) cũng chết đuối khi đang tham gia hoạt động tình nguyện tại xã Mỹ Khánh (Cần Thơ). Ngày 10/7/2007, N.T.T.L (HV Báo chí và tuyên truyền), thành viên của đội Sinh viên tình nguyện tại Bắc Giang đã bị trượt chân xuống một khe suối trên đường làm nhiệm vụ.

 

Những năm qua, khi phong trào tình nguyện trở nên rầm rộ, gần như năm nào cũng có sinh viên hy sinh khi đang trong quá trình hoạt động theo đoàn. Vào ngày 1/6 vừa qua, cái chết của 4 sinh viên tình nguyện tại Thái Nguyên lại khiến cho nhiều người phải xót xa, đau lòng. Mọi người vì băng qua sông suối chảy xiết bị cuốn trôi đi...

 
Hãy chăm sóc chiếc xe để có hành trình xuyên Việt thuận lợi.
Hãy chăm sóc chiếc xe để có hành trình xuyên Việt thuận lợi.
 

Trang bị kỹ năng sinh tồn

 

Để có thể an toàn, các bạn hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất có thể thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Đặc biệt với những chương trình có tính phiêu lưu, trải nghiệm cao.

 

Nguyễn Quang Dương (Phó BTC chương trình Đạp xe xuyên Việt – Hành trình kết nối yêu thương) chia sẻ: “Trước khi chương trình diễn ra, Ban tổ chức đã có các buổi tập thể lực và đào tạo về kỹ năng đi đường cho các thành viên.

 

Hành trình rất dài, mỗi ngày các bạn đều cố gắng đi được 100km, gần như đi qua một tỉnh thành. Thời tiết lại thay đổi thất thường từ Bắc vào Nam nên sinh viên khi tham gia đều phải tập luyện thể dục 30 phút trước khi bắt đầu chuyến đi.
 
Hãy chăm sóc chiếc xe để có hành trình xuyên Việt thuận lợi.
Mọi sự chuẩn bị kỹ từ thể lực tới những kỹ năng trong tình huống khẩn cấp càng giúp chuyến đi của bạn bớt rủi ro.

 

Chiếc xe đạp là người đồng hành thân thiết với bạn trong cả chuyến đi. Đồng thời, trong khoảng thời gian ấy, nó luôn hoạt động với cường độ cao (trung bình 100km/ngày) nên việc hỏng hóc là rất thường tình.

 

Bạn hãy luôn luôn quan tâm, chú ý đến người bạn đồng hành đó. Hàng ngày, khi kết thúc hành trình, bạn nên kiểm tra xe. Theo đoàn có một ban kỹ thuật nên cứ sau vài ngày, bạn phải đem xe đến cho họ bảo dưỡng. Đặc biệt là bạn nên tra dầu cho các bộ phận sau khi đi mưa để xe đi được dễ dàng hơn.

 

Trước mỗi đoạn đường dốc cao, chỗ gập ghềnh, hiểm trở, bạn phải có sự chuẩn bị. Với những con dốc dài, bạn lấy đà trước, đạp thật nhanh và lao thẳng qua đèo. Bạn cũng phải luôn giữ khoảng cách an toàn với những thành viên khác tránh va chạm nhau.

 

Đối với trường hợp khi tụt đoàn vì yếu sức, luôn có đội An ninh tập hợp phụ trách giúp đỡ các bạn theo đoàn. Đội Chốt đoàn thì luôn đi ở cuối để kiểm soát được tình hình. Điều lưu ý đặc biệt đối với các bạn tham gia đó là không được đi song song, sát vào nhau hay tranh thủ nói chuyện lúc đang trên đường. Bởi vì như vậy rất dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc”.

 
Sự chủ quan nơi sông suối ở khu vực miền núi có thể khiến bạn trả giá đắt.
Sự chủ quan nơi sông suối ở khu vực miền núi có thể khiến bạn trả giá đắt.
 

Bên cạnh việc rèn luyện các kỹ năng sống sót và an toàn khi trải qua một chặng đường dài đằng đẵng, các bạn sinh viên khi tham gia những chiến dịch tình nguyện khác cũng phải chú ý và học được kỹ năng sinh tồn ngoài thiên nhiên.

 

Đã từng lạc và thoát thân ở trong rừng, Thanh Tuyên chia sẻ về kỹ năng sinh tồn ngoài thiên nhiên của mình: “Đầu tiên phải tạo cho mình một loại vũ khí để tự vệ. Bạn hãy tìm một cành cây có thể cầm vừa tay nhằm đối phó thú dữ và dò đường.

 

Tiếp theo là bạn hãy xác định phương hướng. Nếu là ban ngày mà không mưa thì xem hướng mặt trời, nếu mưa thì bạn xác định hướng mưa và hướng dòng nước chảy. Là buổi tối không mưa, bạn hãy nhìn sao, có mưa thì hãy cố gắng cảm nhận được hướng mưa.

 

Khi đã xác định được hướng đi rồi, bạn hãy cố gắng đi theo đó để thoát ra khỏi rừng. Nếu đói thì bắt thú rừng ăn, tìm những hòn đá lửa để nướng thịt. Trong rừng rất nhiều củi khô nên vấn đề này bạn hoàn toàn có thể làm được.

 

Quần áo rách thì bạn đừng ngại ngần, hãy tìm lá cây kết lại. Đó là những cách đơn giản nhất cho những ai không may lạc vào rừng. Mình đã từng lạc vài lần và thoát thân bằng cách đấy”.
 
Chuẩn bị kỹ cho cá nhân là giúp cho toàn nhóm thêm thuận lợi.
Chuẩn bị kỹ cho cá nhân là giúp cho toàn nhóm thêm thuận lợi.

 

Lê Đình Oanh – Chủ tịch BLL Hội đồng hương Thanh Hóa chia sẻ: “Thứ nhất là các bạn khi tham gia, vì sự an toàn của chính mình, hãy tuân thủ nội quy của chương trình.

 

Thứ 2 là tự mỗi người đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh. Trong nhóm của mình từng có người bị ngộ độc trái cây rừng. Khi đó chỉ còn cách nhờ người dân địa phương giúp đỡ. Các bạn không phân biệt được các loại trái cây nên tốt nhất đừng ăn khi không biết rõ về nó.

 

Còn khi băng qua những đoạn sông suối nước chảy siết, các bạn không nên tranh thủ chụp ảnh hay nói chuyện, cười đùa với nhau. Lúc đó, hãy thật cẩn thận khi băng qua những hòn đá.

 

Mỗi người hãy cầm một cái gậy để chống và dò nước, dò đường. Các bạn cũng đừng ham tắm ở đó, cho dù biết bơi, đặc biệt là đi một mình. Như vậy đội sẽ không dễ dàng ứng cứu nếu trường hợp xấu xảy ra”.

 

Hy vọng rằng với những lời chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng ấy, các bạn có được một chuyến tình nguyện an toàn, ý nghĩa!

 
Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm