“Thắp lửa” đam mê với các chiến dịch tình nguyện Hè

(Dân trí) – Sau tiếp sức mùa thi, đây là thời điểm nhiều chương trình tình nguyện sục sôi trên khắp cả nước. Rất nhiều bạn sinh viên đã và đang “cháy hết mình” với các chiến dịch tình nguyện rất thú vị như: mùa hè xanh, đạp xe xuyên Việt, …

Mùa hè xanh - Đến hẹn lại lên

 

Đây là mùa hè thứ ba Lê Đình Oanh (ĐH Giao thông vận tải) tham gia Mùa hè xanh trong Hội đồng hương Thanh Hóa. Năm nay, Oanh cùng bạn bè về một xã nghèo của huyện Thạch Thành, thuộc xứ Thanh.
 
Các bạn trẻ cùng nhau sửa chữa đường nông thôn.
Các bạn trẻ cùng nhau sửa chữa đường nông thôn.

 

Oanh chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của mình về địa điểm thực hiện tình nguyện là những khó khăn, vất vả mà bà con gánh chịu. Ở đó có những con đường lầy lội, những chiếc nhà sàn xiêu vẹo, ...

 

Đã là lần thứ 3 tham gia Mùa hè xanh nhưng cảm giác vẫn y nguyên lần đầu tiên. Sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần đồng hương trong mình vẫn sục sôi như thế. Mình nghĩ rằng tuổi trẻ là những chuyến đi xa, là sự cống hiến.

 

Tuổi trẻ không phải chỉ vùi đầu trên những trang sách mà còn những hoạt động hướng tới cộng đồng. Bởi vậy, Oanh tạm xếp thời gian nghỉ hè để khoác ba lô lên đường”.

 

Oanh ấn tượng nhất trong chiến dịch Mùa hè xanh chính là những bữa cơm đạm bạc nhưng thắm tình đồng đội. Mọi người trò chuyện, hỏi han nhau sau mỗi buổi làm việc vất vả.

 

Oanh bùi ngùi thổ lộ: “Mình kết thúc Mùa hè xanh bằng “làn da cháy nắng”, tình anh em đồng chí, những kỉ niệm khó quên và sự lưu luyến khi chia tay với bà con, thanh niên địa phương. Hành trình chỉ 10 ngày nhưng mình và các bạn khác được bà con quý như con cháu trong nhà”.

 
Các bạn trẻ cùng nhau sửa chữa đường nông thôn.
 

Lê Tuấn (trường ĐH Thương mại) cho biết đây là lần đầu tiên tham gia chương trình mùa hè xanh. Tuấn chia sẻ: “Mình thấy hồi hộp, không khỏi bỡ ngỡ và có rất nhiều câu hỏi tự đặt ra cho bản thân.

 

Được cùng làm để san sẻ phần nào những khó khăn với người dân địa phương, Tuấn thấy học hỏi được rất nhiều điều. Đó là sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh khó khăn của những người dân nghèo khó, là tình cảm tương thân, tương ái của những người bạn và hơn hết đó là trách nhiệm.

 

Mình không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn có trách nhiệm với những người khác nữa. Bên cạnh đó, sự thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách của bà con như tiếp thêm sức lực cho mình”.

 

Đạp xe xuyên Việt - Trải nghiệm sâu sắc

 

Thu Phượng (Cao đẳng phát thanh truyền hình) tham gia chương trình Đạp xe xuyên Việt với hành trình 25 ngày đêm từ Hà Nội đến đất Côn Đảo, dài 1850km.

 
Kinh nghiệm, kiến thức từ những chuyến đi thế này khó tìm thấy trong sách vở.
Kinh nghiệm, kiến thức từ những chuyến đi thế này khó tìm thấy trong sách vở.
 

Phượng chia sẻ: “Chuyến đi khiến mình cảm nhận được rất nhiều ý nghĩa, có cảm giác tinh thần đồng đội. Mặc dù sau chương trình, dưới trời nắng nóng bỏng rát và khói bụi trên đường, Phượng sẽ đen hơn nhưng bù lại, mình có sức khỏe tốt, cơ thể dẻo dai.

 

Đây cũng là cơ hội để Phượng thử thách mình, học được cách kiên trì, không bỏ cuộc, dù là lúc mệt mỏi vì nắng nóng bỏng rát hay sự mệt nhọc do đạp xe liên tục”.

 

Bạn cho biết mình trải qua những kỷ niệm rất ý nghĩa bên những thành viên khác như: đợi nhau tắm, cùng nhau ăn cơm, tối ngủ muỗi vo ve nhưng vì mệt nên vẫn ngủ ngon lành, …

 
Đạp xe xuyên Việt trong Hành trình kết nối yêu thương.
Đạp xe xuyên Việt trong "Hành trình kết nối yêu thương".
 

Nguyễn Đạt (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng đạp xe xuyên Việt cho chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” từ Hà Nội đến Cà Mau. Đã tham gia các buổi tập huấn, Đạt bắt đầu hành trình của mình trong vòng 25 ngày.

 

Khi đến được các tỉnh thành có trong điểm dừng hành trình, Đạt cùng mọi người tham gia vào các hoạt động vận động tài chính, vật phẩm ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn và các trung tâm bảo trợ xã hội đồng thời tổ chức các chương trình văn nghệ, … nên bạn thấy rất ý nghĩa.

 

Hành trình Đỏ - Thắp lửa đam mê cùng chương trình hiến máu khắp cả nước

 

Nguyễn Thùy Trang (HV Báo chí và Tuyên truyền) tham gia “Hành trình đỏ” từ những ngày đầu với vai trò là một thành viên trong ban Truyền thông. Hành trình của Trang kéo dài 22 ngày, đi qua 35 tỉnh, thành phố, dừng chân, tuyên truyền, vận động, từ Hà Nội đến Mũi Cà Mau.

 
Đạp xe xuyên Việt trong Hành trình kết nối yêu thương.
 

Trang chia sẻ rằng cô bạn đã cảm thấy vô cùng xúc động khi chứng kiến những bệnh nhân mắc các căn bệnh về máu đang đau đớn từng ngày trong Việt huyết học và truyền máu Trung ương. Trang rất thương và muốn cùng góp sức với hành trình để có được nguồn máu nhiều hơn, giúp đỡ được phần nào cho các bệnh nhân.

 

Đi xuyên suốt hành trình, Trang cho biết mình học hỏi rất nhiều thứ. Bạn bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên Trang được đi xuyên Việt nên cảm giác khám phá những tỉnh thành khác chưa từng đặt chân tới thật thú vị, mới mẻ”.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, Trang cần tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến máu nên hiểu biết của mình về lĩnh vực này cũng được mở rộng hơn rất nhiều.

 

Trang theo học ngành báo chí, giờ được làm việc trong ban Truyền thông của “Hành trình đỏ” với nhiệm vụ viết bài và giới thiệu hình ảnh của hành trình đến với mọi người. Đây là công việc rất phù hợp, giúp mình có cơ hội được thực hành và bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng, phục vụ cho công việc sau này”.

 
Đạp xe xuyên Việt trong Hành trình kết nối yêu thương.
 

Hoàng Huyền Nga (HV Ngoại giao) Thi học kỳ vừa kết thúc, Nga đã vội vã chuẩn bị mọi thứ cho chuyến vận động hiến máu xuyên Việt mang tên “Hành trình đỏ”. Nhiệm vụ của Nga là tuyên truyền và vận động mọi người hiến máu ở mỗi chặng mà hành trình dừng lại. Bên cạnh đó, Nga cũng tìm hiểu rất kỹ trước về bệnh tan máu bẩm sinh để giải thích cho mọi người.

 

Cảm xúc của Nga khi tham gia chiến dịch tình nguyện này rất đặc biệt: “Mình rất  vui khi được hòa mình vào một hoạt động ý nghĩa như vậy. Nga thấy các bạn trong hành trình giỏi, tài năng, nhiệt huyết. Còn những người dân, những đối tượng mình vận động cũng rất thân thiện, nhiệt tình.

 

Trước khi tham gia hành trình, Nga cùng mọi người có một tuần tập huấn về tất cả các kĩ năng cần thiết ở trung tâm thanh thiếu niên miền Nam. Việc tham gia “Hành trình đỏ” trong gần một tháng hè chính là thời gian để mình trải nghiệm. Nhờ đó, Nga trưởng thành và cơ hội được quen biết nhiều người, đặc biệt là có cơ hội đi nhiều nơi”.

 

Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm