Mang cơm đi làm: Tiết kiệm nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp?

Mai Trang

(Dân trí) - Nhiều nhân viên công sở có thói quen mang cơm đi làm. Cũng chính vì thói quen này đã tạo nên cuộc tranh luận về việc "mang cơm đi làm là không hòa đồng với đồng nghiệp".

Do chi phí sinh hoạt tăng so với mức thu nhập, nhiều bạn trẻ làm việc ở văn phòng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn, mang đi làm giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cũng chính thói quen này tạo ra khá nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười" tại chốn công sở.

Thói quen tốt cho sức khỏe và tiết kiệm chi phí sinh hoạt

Thay vì gọi đồ ở ngoài để ăn thì nhiều người trẻ chọn cách mang theo hộp cơm của mình.

Ban đầu, việc mỗi buổi sáng dậy sớm để chuẩn bị cơm sẽ khiến bạn trẻ cảm thấy vất vả nhưng rồi khi trở thành một thói quen thì điều này lại rất tốt.

Mang cơm đi làm: Tiết kiệm nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp? - 1

Thường xuyên mang cơm đi làm là cách tiết kiệm chi phí của Thành (Ảnh: NVCC).

Anh Sa Thành (Đống Đa, Hà Nội) vừa mới ra trường và đi làm được hơn một năm chia sẻ, bản thân từ sau đợt dịch đã thường xuyên mang cơm đi làm để tiết kiệm chi phí. Thay vì buổi trưa cùng đồng nghiệp đi ăn thì anh ăn phần cơm được bản thân chuẩn bị từ sáng sớm .

"Từ khi có thói quen nấu cơm ở nhà, mình cũng đã tiết kiệm được kha khá chi phí cho bản thân. Vì là con trai nên cũng chỉ chuẩn bị đơn giản nhất có thể nhưng vẫn đủ dinh dưỡng.

Mình thấy thói quen này cũng khá tốt, tránh đi ăn ở ngoài không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên đôi khi, mình cũng rủ đồng nghiệp đi ăn ở ngoài vì buổi sáng hôm đó không có đủ thời gian để chuẩn bị. Mình cho rằng, nấu cơm ở nhà hay đi ăn ở ngoài cũng đều là do quyết định của mỗi người", Thành nói.

Đồng quan điểm với Thành, chị Hương Giang, một nhân viên văn phòng cũng tạo cho mình thói quen là mang cơm đi làm.

Mang cơm đi làm: Tiết kiệm nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp? - 2

Ăn cơm tự nấu cũng là cách yêu bản thân (Ảnh: NVCC).

Chị Giang nói: "Mình thấy việc mang cơm đi làm là rất tốt. Không chỉ an toàn vệ sinh mà còn có thể làm những món ăn mà mình thực sự yêu thích. Hiện nay có nhiều người bị bệnh về đường ruột nên mình khá để ý đến bữa cơm hàng ngày".

Chị Giang cho biết thỉnh thoảng cũng tự cho bản thân lười một chút để có thể có thời gian đi ăn cùng đồng nghiệp. Vì nhiều khi mình mang cơm đi làm lại có thể bị hiểu nhầm thành mình không thân thiện với đồng nghiệp.

Mặc dù vậy, chị tin rằng đồ ăn do chính mình chuẩn bị chắc chắn sẽ bảo đảm an toàn hơn so với việc đi ăn ở ngoài.

Mang cơm đi làm hay ăn ở ngoài là lựa chọn của mỗi người

Trong một văn phòng có lẽ không phải ai cũng đều có thể sắp xếp để nấu nướng mang cơm đi làm. Và cũng không thể tránh được những trường hợp muốn rủ đồng nghiệp đi ăn cơm để thắt chặt mối quan hệ thân tình thì đồng nghiệp lại có cơm mang đi rồi.

Chính vì những điều như vậy đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng việc mang cơm đi làm là không hòa đồng với đồng nghiệp.

Mang cơm đi làm: Tiết kiệm nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp? - 3

Mang cơm đi làm là lựa chọn của mỗi người (Ảnh: NVCC).

Chị Lê Thanh Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân mình là người bận rộn nên mình thường không nấu cơm mang đi làm, thay vào đó mình sẽ dành thời gian nấu cơm để nghỉ ngơi và giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng".

Công việc khá bận rộn nên việc đi ăn ở ngoài cũng là lựa chọn tốt nhất với chị Huyền.

Chị Huyền cũng cho biết: "Đôi khi mình cũng muốn rủ đồng nghiệp đi ăn cùng nhưng mà lại thấy mọi người đã chuẩn bị đồ ăn từ trước nên cũng thấy hơi buồn. Nhưng mỗi người sẽ có một hoàn cảnh và sở thích khác nhau nên không thể đánh giá là hòa đồng hay không hòa đồng nếu chỉ thông qua việc nấu cơm mang đi làm".

Anh Hoàng Huy Toàn (Hà Đông, Hà Nội) cũng là một người khá bận rộn với công việc. Việc gọi đồ và ăn cùng đồng nghiệp không chỉ là lựa chọn mà còn là sự bắt buộc phải làm vậy.

Mang cơm đi làm: Tiết kiệm nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp? - 4

Công việc bận rộn nên nấu ăn là điều không thể với Huy Toàn (Ảnh: NVCC).

"Bản thân mình thực sự cũng rất muốn nấu cơm để mang đi làm nhưng do công việc quá bận nên mình đã dành thời gian đó để nghỉ ngơi. Mình thấy mọi người nấu ăn mang đi làm cũng khá hợp lý nhưng để tăng tình cảm đồng nghiệp thì đôi lúc đi ăn cùng nhau cũng không phải là quá tốn kém", Toàn nói.

Đôi khi việc mang cơm đi làm cũng trở thành một vấn đề khiến dân công sở khá đau đầu. Có khi họ còn cảm thấy bị cô lập giữa những người bận rộn chọn cách ăn ở ngoài.

Tuy nhiên, tùy vào khả năng của mỗi người mà bữa ăn trưa sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tham gia vào một số bữa ăn chung để có thể củng cố mối quan hệ với những đồng nghiệp của mình.