Sau đại dịch, nhiều người trẻ không còn lựa chọn sống tiết kiệm

Đức Chung

(Dân trí) - Theo tờ New York Times, tiết kiệm không còn là phong cách sống tối ưu đối với nhiều người trẻ. Thay vào đó, họ tập trung chi tiêu cho những bữa ăn bên ngoài, mua chung cư, và sở thích của bản thân...

Sau đại dịch, nhiều người trẻ không còn lựa chọn sống tiết kiệm - 1

(Ảnh: Getty).

Trải qua hai cuộc suy thoái kinh tế cùng với đại dịch chưa từng có trong lịch sử, những thanh niên trẻ tuổi nước Mỹ đang phải hứng chịu rất nhiều xáo trộn về kinh tế. Chính vì vậy, họ dường như đã thấu hiểu rằng việc tiết kiệm chẳng có lợi ích gì khi tương lai của họ không chắc chắn. Thế hệ Millennials và Gen Z đang chi tiền cho những thứ có ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

Thực tế, một cuộc khảo sát về kế hoạch nghỉ hưu của Fidelity cho thấy 45% những người từ 18 đến 35 tuổi chỉ bắt đầu tiết kiệm khi họ cảm thấy cuộc sống trở nên ổn định hơn.

Một triển vọng kinh tế tăm tối

Đối với nhiều Gen Z, "ổn định" chỉ là điều mà họ nghe qua, chứ chưa từng trực tiếp trải qua nó. Thật vậy, chỉ có một số nhỏ Gen Z đã có trải nghiệm về giáo dục cao học và cuộc sống công việc trước khi đại dịch xảy đến.

Đối với thế hệ Millennials ở Mỹ vào năm 2019, họ đã phải đối mặt với tình trạng nợ sinh viên cao ngất ngưởng, sức mua giảm, giá nhà cao, chi phí chăm sóc sức khỏe và trẻ em tăng vọt. Mặc cho vị trí công việc của họ có cao thế nào đi chăng nữa, thì mức tiết kiệm của họ cũng không quá cao.

Khi năm 2020 đến, Gen Z bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Trường học, cuộc sống, công việc, hẹn hò đều bị ngưng trệ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sức khỏe tinh thần suy sút. Còn với thế hệ Millennials, đại dịch lại là một cuộc khủng hoảng kinh tế khác mà họ gặp trong đời.

Khủng hoảng như vậy đã khiến cho nhiều người trẻ từ bỏ việc tiết kiệm để tận hưởng trọn cuộc sống. Nhiều người thì tiêu tiền cho những bữa ăn tại nhà hàng với bạn bè, cho các lễ hội âm nhạc, hay cho những sở thích khiến họ hạnh phúc. Nhiều người khác thì lại dùng tiền tiết kiệm để tái định cư ở những nơi yên bình hơn. Nếu họ không được cấp phép quyền sở hữu đất, thì ít nhất họ cũng dùng số tiền tiết kiệm để thuê nhà tại thành phố trong mơ của mình.

Mặc dù tình hình phục hồi công việc đang phục hồi mạnh mẽ, điều đó cũng không thể xóa đi vết sẹo Đại suy thoái của những người thuộc thế hệ Millennials.

Khủng hoảng khí hậu toàn cầu

Bên cạnh lo âu về kinh tế, thế hệ Millennials và gen Z đều là những người quan tâm đến hiện sinh của nhân loại.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu vẫn có thể bị đảo ngược trong vòng 10 năm tới. Nhưng để thực hiện được điều này, cần có những hành động chính trị quyết liệt và hỗ trợ kinh phí dồi dào. Nếu không khẩn trương hành động thì nhiệt độ tăng cao có thể tàn phá cuộc sống của 3,6 tỉ người.

Tình trạng nguy cấp này luôn là vấn đề nhức nhối đối với thế hệ trẻ. Hơn 30% người trẻ được khảo sát đã khẳng định: "mọi cặp đôi nên xem xét đến tình trạng biến đổi khí hậu trước khi dự định sinh nở." Trong khi đó, những người lớn tuổi hơn lại lo âu thấp thỏm về tình trạng lạm phát có thể làm suy giảm số tiền tiết kiệm mà họ tích góp được.