Người trẻ "sống mòn" trong đại dịch

Kiều Phương

(Dân trí) - "Tôi tự trách bản thân kém cỏi, vô dụng hơn các bạn đồng trang lứa. Sự mặc cảm bao trùm khiến tôi òa khóc. Nỗi sợ bị tụt lại phía sau còn theo tôi trong cả giấc mơ…"

"Bóng đen trùm lấy tôi trong khoảng thời gian dịch bệnh"

2021 đáng lẽ là một năm đầy hy vọng với Đ.K.M. (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhưng Covid-19 đã khiến mọi thứ lỡ dở. 

Chuyến du lịch Hà Giang bị hủy, thẻ gym bị bỏ xó, công việc bán thời gian tại một công ty truyền thông cũng mất do quyết định cắt giảm nhân sự trước ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch. 

Lo sợ dịch Covid-19 phức tạp, từ đầu tháng 6, bố mẹ yêu cầu K.M. về quê. Trong căn nhà nhỏ ở vùng quê Thái Bình, cô gái 21 tuổi cảm thấy cuộc sống bị đảo lộn; bản thân cô cũng không thể suy nghĩ và đưa ra bất cứ dự tính nào, dù trước đây tự nhận mình là người năng động và nguyên tắc.

"Từ tháng 8, tôi bước vào năm học mới theo hình thức online. Ngoài những buổi sáng học trực tuyến, khoảng thời gian còn lại, tôi chỉ biết cơm nước, giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn.

Cả ngày quẩn quanh, những suy nghĩ tiêu cực tìm đến. Nghĩ đến "cú sốc" mất việc trước đó, tôi không thể ngủ yên. Những đêm mất ngủ, tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn, miên man trong suy nghĩ phải làm thế nào để có thu nhập. Về quê nhưng tôi vẫn phải trả tiền nhà đều đặn 2 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện tưởng chừng vặt vãnh, nhỏ bé với nhiều người, nhưng với tôi, nó lại gây ra áp lực khủng khiếp".

Không có bạn thân, cũng tự nhủ không thể đem nỗi lo đổ lên vai cha mẹ, nên những áp lực trong K.M. ngày càng dồn nén. 

Từ một người vui vẻ, năng động, K.M. trở nên nhạy cảm, dễ kích động. Đôi khi, cô nổi cáu, to tiếng với bố mẹ do một vài vấn đề nhỏ nhặt phát sinh. Thậm chí, một người hàng xóm trêu vui: "Sinh viên mà sướng thế, toàn được ở nhà bố mẹ nuôi" cũng khiến nữ sinh bực dọc và triền miên suy nghĩ.

Sự lo âu, nhạy cảm lớn đến mức, chỉ cần nhìn thấy một vài vật sắc nhọn như dao, dĩa… cô lại thấy gai gai, ớn ớn như thể những thứ đó đang đâm vào lòng bàn chân.

"Tôi cảm nhận có một bóng đen trùm lấy mình trong khoảng thời gian nghỉ dịch này, thế nhưng tôi không biết thoát khỏi ra sao", cô tâm sự.

K.M. không phải trường hợp duy nhất gặp vấn đề tâm lý mùa dịch.  

Người trẻ sống mòn trong đại dịch - 1

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều bạn trẻ gặp vấn đề tâm lý (Minh họa: The Havard Gazette).

Trước khi dịch Covid-19 xảy đến, một ngày của Lan Anh (sinh viên Đại học Ngoại thương) rất bận rộn. Do trường vào học rất sớm (6h45) nên cô thường thức dậy từ lúc 5h30 để sửa soạn, ăn sáng, đến lớp và đầu giờ chiều bắt đầu công việc làm thêm. Tuy nhiên, dịch bệnh đã đảo lộn hoàn toàn nhịp sinh hoạt của cô gái trẻ. 

"Dịch bệnh nên tôi về quê. Ở nhà, bố mẹ nuông chiều nên tôi không phải làm gì. Ngày nào cũng vậy, cứ sát giờ học online tôi mới dậy, thậm chí nhiều hôm còn trễ điểm danh, ngủ quên trong lúc học.

Công việc làm thêm chuyển từ trực tiếp sang online cũng khiến tôi hình thành nhiều thói quen xấu. Tôi thu mình cả ngày trong phòng, dán mắt vào điện thoại, máy tính. Tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh khiến tôi mệt mỏi, hay ngáp vặt và làm việc không đạt hiệu quả như trước.

Tôi bỗng nhớ bạn bè điên cuồng, thèm được trò chuyện cùng họ. Nhìn thấy con người cô độc của mình trong gương, tôi thấy sợ hãi và khó đối diện".

Nhưng đó không phải là tất cả. Những ngày giãn cách, nữ sinh Đại học Ngoại thương phải sống trong sự lo âu mà "áp lực đồng trang lứa" đem lại.

Không được ra ngoài, Lan Anh dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn. Nhìn thấy bạn bè chia sẻ nhiều bài viết "Làm thế nào để đậu học bổng?", "Tôi đã được nhận vào Big4"... hay vòng bạn bè (story) khoe những thành tựu mà các bạn đạt được trong thời đại dịch: được giải các cuộc thi chuyên môn, lấy bằng lái ô tô, thậm chí lập gia đình… cô gái này lập tức bị kích động và lo lắng.

"Tôi tự trách bản thân kém cỏi, vô dụng hơn các bạn đồng trang lứa. Sự mặc cảm bao trùm khiến tôi òa khóc. Ngày qua ngày, những nỗi lo cứ lớn và bám theo tôi một cách dai dẳng. Tôi sợ đại dịch cứ kéo dài, tôi không thể ra trường hay xin việc. Cứ nghĩ đến, chân tay tôi lại đổ mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc…"

Trầm cảm vì nỗi lo "chỉ biết ở nhà ăn bám" 

Với những người trẻ đã lập gia đình, đại dịch Covid-19 càng dễ khiến họ gặp khủng hoảng về tâm lý.

Năm 20 tuổi, do mang thai ngoài ý muốn, K.L. (22 tuổi, sống tại Hải Phòng) đã trở thành người vợ, người mẹ khi còn chưa tốt nghiệp đại học. Cuộc sống bình thường vốn đã khó khăn, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến người mẹ trẻ này càng chịu thêm nhiều áp lực, lo lắng.

Không tìm được việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, một ngày của K.L. chỉ xoay quanh con cái, bỉm sữa và cơm nước. Nỗi lo thất nghiệp, áp lực kinh tế, không nhận được sự sẻ chia của người thân, kể cả chồng, khiến cô nảy sinh tâm lý mặc cảm, luôn nghĩ mình vô dụng khi chỉ biết ở nhà ăn bám. Sự tủi thân khi nghĩ bản thân đã tự đánh mất cơ hội học hành khiến nỗi buồn càng gia tăng.

"Tôi thường xuyên bị căng thẳng mệt mỏi, đôi lúc cãi nhau mất kiềm chế, hay suy nghĩ lung tung, buồn rồi lại khóc. Tôi còn vô lý đến nỗi hay tìm cách trút giận, đánh vào mông con, thấy con khóc thì đột nhiên thấy lòng mình như được giải tỏa.

Tình trạng đã kéo dài 6 tháng qua. Một người bạn cho tôi số điện thoại của chuyên gia tâm lý, nhưng tôi vẫn chưa dám gọi điện hay thăm khám vì có rất nhiều nỗi sợ giằng xé, ngăn cản tôi tìm đến sự trợ giúp".

Đại dịch làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở người trẻ

Đứng trước vấn đề này, chuyên gia tâm lý Steven Nguyễn (Tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, Đại học Jacobs Bremen, Đức) cho biết, theo số liệu thống kê, trên thế giới, triệu chứng rối loạn lo âu dao động từ 6-51%; trầm cảm chiếm từ 15-45%, tâm lý đau buồn không cụ thể dao động trong khoảng 34-38%.  

Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ trầm cảm gia tăng 31,4%; rối loạn lo âu tăng 31,9%, rối loạn giấc ngủ tăng 37,9%. Các con số này cho thấy, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, mà còn tác động trực tiếp đến vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần của con người.

Chuyên gia cho biết, bên cạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người trẻ, thanh thiếu niên cũng dễ rơi vào khủng hoảng do tuổi còn nhỏ, chưa có đủ trải nghiệm và nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát.

Khi khó khăn liên quan đến học hành (ví dụ như phải chuyển đổi từ học trực tiếp sang học online) hay cuộc sống cá nhân ập đến, đối tượng này rất khó để cân bằng, thích nghi, từ đó dễ xảy ra tâm lý âu lo, căng thẳng, thậm chí bị ám ảnh và trầm cảm.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động ngoài trời bị hạn chế, giới trẻ vì thế cũng dành nhiều thời gian cho thế giới ảo. Điều này gây ảnh hưởng tới nhịp sống, sự kết nối và tâm lý của thanh thiếu niên.

"Chưa hết, đại dịch còn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế - đây có thể được xem là nguyên nhân lớn gây ra sự tiêu cực trong cảm xúc của người trẻ. Do đại dịch, rất nhiều bạn trẻ bị thất nghiệp, áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai nhưng họ không thể sẻ chia; từ đây gây ra rối loạn lo âu, trầm cảm".

Theo chuyên gia, bản thân người bệnh sẽ rất khó để họ tự cảm nhận bản thân mình đang có dấu hiệu về tâm lý, mà chủ yếu những người thân, gia đình của người bệnh mới nhìn nhận ra được.

"Dấu hiệu thứ nhất là người bệnh thường có cảm giác buồn bã, lo lắng, sợ hãi, hoặc là thất vọng về một yếu tố nào đó một cách thất thường. Họ dễ bị tức giận, dễ khóc, tự cô lập bản thân. Nhiều người bị mất ngủ, khó ngủ, một số trường hợp đặc biệt thì ngủ nhiều hơn so với mức thông thường.

Thứ hai là sự thay đổi về cảm giác ăn uống. Khi mắc các bệnh về tâm lý, người bệnh thường có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn; hoặc một số người lại chán ăn, nhìn thấy đồ ăn thì buồn nôn, và trường hợp chán ăn này thường chiếm phần lớn, lên tới 80%.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn có dấu hiệu cảm thấy không còn năng lượng, không hứng thú với những hoạt động mà trước kia họ đã từng rất yêu thích. Người bệnh cũng cảm thấy khó tập trung khi đưa ra một quyết định nào đó, người ta chỉ miên man, bơ phờ như "cái xác không hồn". 

Một dấu hiệu nữa là nhiều người giảm cân không rõ lý do, mặc dù vẫn ăn uống bình thường. Đây chính là dấu hiệu của lo âu, trầm cảm. Rồi có những trường hợp sử dụng chất kích thích như bia, rượu, nặng hơn là ma túy… để quên đi những cảm xúc tiêu cực".

Để phòng rối loạn cảm xúc, dẫn đến trầm cảm, chuyên gia Steven Nguyễn khuyên những người trẻ cần duy trì cho bản thân lối sống tích cực. Theo đó, cần hình thành thói quen tập thể dục mỗi ngày, có thể ngồi thiền, tập yoga; đồng thời hạn chế sử dụng đồ uống có cafein như: trà, cà phê…

"Bởi đơn giản, những đồ uống này có thể gây mất ngủ. Nếu về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà khi sức khỏe không tốt thì yếu tố tâm thần cũng bị ảnh hưởng", chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần tránh sử dụng tivi, máy tính hay điện thoại một cách quá mức. Ngoài những giờ làm việc với yêu cầu bắt buộc sử dụng thiết bị điện tử, trong khoảng thời gian rảnh rỗi, người trẻ cần tăng các hoạt động thể chất, thay vì "giam" mình trong phòng tiếp xúc với ánh sáng xanh.

"Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế xem những tin tức về Covid-19. Nghe có vẻ đối nghịch, nhưng nếu cứ theo dõi quá nhiều, ta sẽ rất dễ bị ám ảnh bởi dịch bệnh. 

Quan trọng nhất, những người trẻ hãy đặt ra cho mình những mục tiêu riêng để theo đuổi. Những mục tiêu này cần phù hợp với khả năng bản thân và điều kiện thực tế.

Người trẻ hãy suy nghĩ tích cực hơn, vì mọi vấn đề xã hội đều có hai mặt. Kể cả đang thất nghiệp, các bạn cũng đừng lo lắng quá bởi mỗi người sẽ có khả năng riêng, chỉ là ta chưa phát hiện ra. 

Nếu có dấu hiệu căng thẳng lâu dài, cô độc hay lạc lõng, tôi khuyên các bạn hãy liên hệ tới chuyên gia tâm lý để có được những lời giải, phương hướng đi dành riêng cho bản thân mình.

Đừng để bản thân có dấu hiệu tâm lý nặng rồi mới đi thăm khám, bởi nếu tình trạng stress chuyển sang trầm cảm, thì việc chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm