Ghép 2 thế hệ sống chung ở Mỹ: Người trẻ tiết kiệm, người già vui

Dịch vụ này cho phép người trẻ và người già xa lạ có thể sống chung trong một căn nhà, giúp người trẻ tiết kiệm chi phí, đồng thời mang lại niềm vui cho người già.

Nadia Abdullah, 25 tuổi, đi tìm một căn hộ giá cả phải chăng ở khu vực Boston (Mỹ) vài tháng trước khi cô tốt nghiệp đại học. Khi đó, cô đang ở trong ký túc xá của trường cùng với 4 sinh viên khác. "Tôi đã hơi bực bội vì không tìm được căn nhà trong ngân sách của mình".

Cùng lúc đó, bà Judith Allonby, 64 tuổi, đang phân vân về việc có nên chuyển ra khỏi ngôi nhà cũ của gia đình ở Malden, Mass hay không. Sau khi cha mẹ bà qua đời, ngôi nhà 2 tầng có vẻ quá rộng với một người.

Sau đó, bà và Nadia phát hiện ra một giải pháp thay thế: Họ có thể ở chung và điều đó sẽ có lợi cho cả hai.

Ghép 2 thế hệ sống chung ở Mỹ: Người trẻ tiết kiệm, người già vui - 1

Nadia Abdullah, 25 tuổi và bà Judith Allonby, 64 tuổi, đang ôm chú mèo Mango. Họ sống chung nhà ở Malden, Mass kể từ tháng 5/2019.

Nesterly, một công ty chia sẻ nhà trực tuyến đã làm cầu nối cho những người thuê nhà trẻ tuổi với khả năng tài chính hạn hẹp và những người già đang tìm cách có thêm thu nhập. Họ cùng nhau chia sẻ không gian chung trong một ngôi nhà.

Nadia và bà Allonby đều phải vượt qua vòng kiểm tra lý lịch của công ty, sau đó họ được kết nối để phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhau.

Bà Allonby sẽ cho Nadia thuê tầng đầu tiên của ngôi nhà với giá 700 USD một tháng và sẽ được cô giúp đỡ chút việc nhà, làm vườn và thỉnh thoảng là mua một chút đồ tạp hóa. Còn Nadia sẽ có một nơi an toàn và rộng rãi để sống chỉ cách Boston 10 km và cách nơi làm việc của cô ở Beverly, Massachusetts chỉ 30 phút lái xe.

Nadia, người đã chuyển đến nhà bà Allonby vào cuối tháng 5/2019 và hiện vẫn sống ở đó cho biết: "Thật là hoàn hảo. Bà Allonby giống như gia đình của tôi. Bà thậm chí còn cho phép tôi nhận nuôi một con mèo. Bây giờ bà cũng yêu Mango nhiều như tôi vậy".

Bà Allonby cho biết bà cũng rất ngạc nhiên về mức độ hợp nhau của họ.

"Thật tuyệt khi có người khác ở bên. Nadia mang đến một bầu không khí và năng lượng khác so với những gì tôi từng có với người mẹ 88 tuổi của mình", bà nói. "Nadia chắc chắn không nghe Frank Sinatra" (một ca sĩ nổi tiếng thế kỷ 20).

Khoảng 18% người Mỹ sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ, theo một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố năm 2022. Theo nghiên cứu này, mô hình gia đình này đã tăng gấp 4 lần ở Mỹ kể từ những năm 1970, với khoảng 60 triệu cư dân Mỹ hiện sống với những người trưởng thành thuộc thế hệ khác.

Donna Butts, giám đốc điều hành của Generations United - một tổ chức tập trung vào chương trình và chính sách kết nối các thế hệ - cho biết, góp phần vào xu hướng đó là ngày càng có nhiều người trẻ gặp khó khăn khi mua nhà, đồng thời nhiều người cao tuổi muốn kết nối với thế hệ trẻ hơn.

Bà Butts cho biết: "Đôi khi, chỉ cần có người dắt chó đi dạo cùng và ăn chung bữa một vài lần mỗi tuần là có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với người cao tuổi".

Tại Mỹ, một số trường đại học cũng có chính sách ủng hộ việc này, bao gồm Đại học Bang Winona ở Minnesota, Đại học Quinnipiac ở Connecticut và Đại học California ở Berkeley. Những trường này đều có chương trình nhà ở giữa các thế hệ bắt đầu từ năm 1986.

Tại Đại học Drake ở Des Moines, sinh viên âm nhạc có cơ hội sống miễn phí tại một trung tâm sinh hoạt dành cho người cao tuổi ở địa phương để đổi lấy việc biểu diễn vài lần một tháng cho người dân.

Molly McDonough, một sinh viên chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc 22 tuổi, gần đây đã chuyển đến Wesley Acres, một cộng đồng dân cư cao cấp. McDonough cho biết điều này rất hữu ích vì cô đang tìm cách tiết kiệm tiền. Hiện cô biểu diễn các vở opera như "La Bohème" cho người cao tuổi vài lần mỗi tháng.

"Tôi sẽ nộp đơn để học cao học vào mùa thu này, vì vậy điều này rất có ý nghĩa".

Ghép 2 thế hệ sống chung ở Mỹ: Người trẻ tiết kiệm, người già vui - 2

Bà Arlene DeVries (trái) và Molly McDonough đã trở thành những người bạn tốt tại khu dân cư cao cấp Wesley Acres ở Des Moines.

Cô cho biết rất vui khi tìm thấy căn hộ một phòng ngủ vừa ý vào tháng trước, trên tầng 4 của trung tâm. "Nó được trang bị đầy đủ tiện nghi, với khăn tắm, bát đĩa và bất cứ thứ gì khác mà tôi cần", McDonough nói. "Họ cũng cho phép tôi mang theo 2 con mèo".

Giờ đây McDonough thường ăn với những người cao tuổi trong phòng ăn chung. Cô thích nghe những câu chuyện cuộc đời họ. "Họ đã sống một cuộc đời trọn vẹn và có rất nhiều điều mà tôi có thể học hỏi. Tất cả đều rất ngọt ngào và chu đáo".

Ở Canada, sinh viên đại học và những người lớn tuổi cũng đang chuyển đến sống cùng nhau.

Michael Wortis, 85 tuổi, một giáo sư vật lý đã nghỉ hưu ở Burnaby, BC, gần Vancouver, cho biết ông rất hào hứng khi nhận được một email vào năm ngoái từ Đại học Simon Fraser, nơi ông đã giảng dạy suốt 15 năm.

Gần đây, trường đại học đã bắt đầu một chương trình nhà ở giữa các thế hệ có tên Canada HomeShare. Ông Wortis, người có vợ qua đời vì bệnh Alzheimer vào năm 2015, đã quyết định rằng ông có thể giúp đỡ những người trẻ này một chút, đồng thời ông cũng sẽ có người để trò chuyện.

Ông được giới thiệu Siobhan Ennis, 27 tuổi, một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học sức khỏe, người đang sống với 3 người bạn cùng phòng và đang tìm kiếm một không gian học tập yên tĩnh.

Chỉ phải trả 400 đô la một tháng để thuê căn phòng ở tầng dưới cùng của ông Wortis, Ennis sẽ giúp cắt cỏ và dọn dẹp xung quanh nhà. Cô và Wortis dùng bữa cùng nhau vài lần một tuần. Họ cũng làm vườn cùng nhau và có những buổi xem phim chung.

"Tôi không còn khỏe như trước nữa, và thật vui khi biết rằng nếu tôi ngã cầu thang, sẽ có ai đó biết. Ennis thường nấu những món ăn ngon và cô cũng giỏi tìm ra các vấn đề với thiết bị công nghệ cao", Wortis nói.

Ghép 2 thế hệ sống chung ở Mỹ: Người trẻ tiết kiệm, người già vui - 3

Michael Wortis (trái) và ông Siobhan Ennis sống chung nhà ở Burnaby, British Columbia, Canada.

Ennis cho biết cô tin rằng mình thực sự được hưởng lợi nhiều từ sự sắp xếp này. 

"Michael là một người tuyệt vời - tôi thích có ông ấy là bạn cùng nhà", cô nói. "Luôn có những câu chuyện để chia sẻ cùng nhau. Ông ấy luôn sẵn sàng và chu đáo".

Nadia Abdullah cho biết cô cũng cảm thấy như vậy. "Bây giờ tôi đã đính hôn và ông Allonby đã cho phép vị hôn phu của tôi chuyển đến ở cùng. 

Ngay cả khi chúng tôi chuyển ra ngoài sống riêng, mối quan hệ mà chúng tôi có với ông sẽ vẫn được duy trì".

Theo vietnamnet.vn