Người trẻ không tiết kiệm nổi vì các đám cưới và sự kiện liên tục

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Việc tổ chức đám cưới đương nhiên là tốn kém, nhưng ngay cả việc đi dự đám cưới của bạn bè, người thân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của giới trẻ.

Theo khảo sát mới đây của công ty bảo hiểm Prudential, 46% Gen Y (sinh năm 1981-1996) và 48% Gen Z (sinh năm 1997-2012) cho rằng việc chi tiêu cho đám cưới của bạn bè hoặc người thân, lễ thôi nôi và một số dịp kỷ niệm khác đang ảnh hưởng đến việc tích cóp của họ.

So với các thế hệ trước, như Gen X (sinh năm 1965-1980) và Baby Boomer (sinh năm 1946-1964), chi tiêu cho các dịp lễ của người trẻ hiện nay lớn hơn rất nhiều, gây ảnh hưởng tới các mục tiêu tài chính cá nhân như mua nhà hay sinh con.

Một vài yếu tố khách quan khiến người trẻ khó kiểm soát được tình hình tài chính, nhưng nhiều người đã thử các phương pháp khác nhau để tránh áp lực tiền bạc.

Tuổi tác cũng là một tác động không nhỏ

Độ tuổi của Gen Y hiện nay - từ 26 đến 40 tuổi - có thể là một trong những lý do khiến cho việc chi tiêu vào các đám cưới trở thành một gánh nặng, bởi phần lớn họ đang trong "độ tuổi vàng" để kết hôn.

Người trẻ không tiết kiệm nổi vì các đám cưới và sự kiện liên tục - 1

Việc tham dự các lễ cưới khiến người trẻ tốn khá nhiều tiền (Ảnh: Pixabay).

Những sự kiện diễn ra thường xuyên chắc chắn ảnh hưởng đến Gen Y, nhưng những người trẻ hơn cũng khó tiết kiệm vì họ chưa đi làm lâu như Gen Y. Tình hình suy thoái kinh tế do đại dịch cũng khiến Gen Y chịu nhiều tổn thất hơn so với các thế hệ khác.

Ngay cả những người trẻ đã có một khoản tiền tiết kiệm cũng cho biết họ thường xuyên phải dùng đến số tiền đó nhiều hơn các thế hệ còn lại.

Theo khảo sát của Prudential, khoảng 1/4 Gen Y buộc phải dùng đến tiền tiết kiệm ít nhất 1 lần/tháng, và 23% trong số đó làm vậy để mua quà tặng hoặc tham dự các sự kiện trọng đại của bạn bè, người thân.

Brandon Goldstein, nhà hoạch định tài chính tại Prudential, cũng là một Gen Y và đã tham dự 10 đám cưới trong năm nay, chia sẻ: "Tôi nghĩ tình trạng này là kết quả của tất cả mọi thứ xảy đến với chúng ta khi đại dịch ập đến, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây. Điều đó cũng giải thích cho việc nhiều người trẻ thường xuyên sử dụng tiền tiết kiệm cho các dịp lễ hơn các thế hệ khác".

Cũng theo khảo sát trên, khoảng 39% Gen Y cho biết họ không chuẩn bị tiền cho những tình huống khẩn cấp. Một nửa trong số đó thường xuyên rơi vào tình trạng hết sạch tiền và phải phụ thuộc vào thẻ tín dụng hoặc hỗ trợ từ gia đình.

Người trẻ không tiết kiệm nổi vì các đám cưới và sự kiện liên tục - 2
Nhiều người trẻ thường xuyên phải dùng đến thẻ tín dụng khi hết tiền (Ảnh: Pixabay).

"Đau đầu" vì tiền nhưng vẫn không thể sống tiết kiệm hơn

Tiền bạc không chỉ là vấn đề mỗi khi mùa cưới đến. Một nửa Gen Y cho biết họ "đau đầu" tiền, nhưng đến 70% người trong số đó vẫn không lập kế hoạch cụ thể để quản lý chi tiêu.

Goldstein cho biết, anh luôn yêu cầu các khách hàng lập bảng chi tiêu trước khi tư vấn cho họ cách quản lý tài chính. Theo Goldstein, việc sắp xếp các khoản chi là một bước vô cùng quan trọng nhưng rất ít người thực hiện được.

"Tôi nghĩ nhiều người sẽ sốc khi biết con số chính xác", anh chia sẻ. Một khi những con số được viết ra "giấy trắng mực đen", nó gần như chắc chắn sẽ trở thành sự thật. Dù sự thật chẳng dễ dàng để chấp nhận, nhưng khi đã được liệt kê cụ thể trên giấy, nó sẽ giúp chúng ta "sáng mắt hơn", tỉnh táo hơn để quản lý mức chi của mình.

Người trẻ không tiết kiệm nổi vì các đám cưới và sự kiện liên tục - 3

Việc ghi chép rõ ràng các khoản thu chi sẽ giúp quản lý tiền dễ hơn (Ảnh: Pixabay).

Thật chẳng dễ chịu chút nào khi phải ngồi xuống và tính toán xem chúng ta đã chi bao nhiêu tiền cho Uber, đặt và mua bao nhiêu món đồ đắt tiền. Nhưng đó là điều bắt buộc phải làm - cần biết xem tiền của mình rồi sẽ ở đâu, từ đó bạn sẽ biết cách chi tiêu thế nào cho hợp lý, nên tiêu bao nhiêu cho các đám cưới và các bữa tiệc", Goldstein chia sẻ.

"Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính toán và quyết định xem những đám cưới, bữa tiệc nào là cần thiết phải tham dự, cái nào không. Sau đó lên một kế hoạch chi tiết, dành ra một khoản tiền để có thể tham gia các bữa tiệc đó, hạn chế tối đa việc vay nợ. Sau khi đã chia đủ số tiền cho các sự kiện mà mình sẽ tham gia, hãy kiểm tra lại thật kỹ lưỡng".

"Bạn cũng cần xem xét lại các mức chi tiêu của mình và sắp xếp cho phù hợp, hạn chế những khoản tiền không cần thiết. Chẳng hạn như để thay vì đi du lịch, chúng ra có thể để số tiền đó để tham dự các đám cưới, dịp lễ quan trọng", Goldstein đưa ra lời khuyên.

Điều chỉnh ngân sách không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là một bước quan trọng để giúp chúng ta quản lý tài chính và sống quy củ, nguyên tắc hơn.

Theo www.cnbc.com