Bài tham dự diễn đàn “Tình và nghĩa trong cuộc sống hiện đại”:

Nỗi đau da cam

(Dân trí) - Ông Thân ngồi lặng một mình với điếu thuốc trên tay, nhũng làn khói quấn lấy nhau bay dần lên trên trời vào màn đêm tối đen. Thỉnh thoảng ông lại nhấp một ngụm nước chè đặc quánh. Ông nhìn người phụ nữ và đứa con tật nguyền đang nằm ngủ trên chiếc giường một chăn chiếu cũ mèm.

Ông lan man nhớ lại lúc gặp họ lang thang ngoài chợ, người phụ nữ bế đứa con tật nguyền đi lại khó nhọc, thỉnh thoảng ai đó động lòng dúi cho một vài ngìn bạc rồi vội vã quay đi, dường như họ cũng chẳng cảm tình gì với cái hình hài trên tay người phụ nữ, họ vội vã về với cuộc sống bình yên của họ.

 

Người phụ nữ ấy là vợ một người thương binh giải ngũ đã lâu. Chất độc màu da cam thấm vào cơ thể người lính ấy qua ngày qua tháng tưởng chừng cũng bị mòn dần ai ngờ bó lại trở lại đau xót quá đớn đau quá, gieo bất hạnh lên cái gia đình vốn đã nhiều khổ đau của ông.

 

Người phụ nữ ấy suýt ngất đi khi nhìn thấy đứa con dị tật, người thương binh thì vật vờ trong cơn say đau khổ khi nhìn lại đứa con. Không lâu sau ông cũng ngã bệnh phần vì thương tích chiến tranh phần lớn hơn là do nỗi đau tinh thần giày vò.

 

Hòn tên mũi đạn không quật ngã nổi được ông những lúc gian nguy nhất thế mà chính trong cái hạnh phúc lớn lao ông và các bạn ông đổ xương máu giành lấy lại mang đến cho ông sự giày vò tinh thần qua lớn, ông đổ xuống khi không thể chống lại được với cuộc đời nghiệt ngã.

 

Vết tích chiến tranh tồn tại ở đứa con tội nghiệp bây giờ người vợ của ông phải mang. Ngôi nhà của họ đã bán đi lấy tiền chạy chữa cho hai bố con, không người thân không nhà cửa đất đai, người phụ nữ bế đứa con đi qua ngày tháng. Dù gì nó cũng là con của hai vợ chồng họ, nó phải được sống.

 

Ông Thân dừng cái nhìn lại ở đứa bé tật nguyền, nó đang ngủ ngon lành như bao đứa trẻ khác, nếu như nó nói được chắc nó sẽ gọi tên bố mẹ nó, chỉ thế thôi biết đâu cuộc đời đã khác với họ không phải bơ vơ bên dìa cuộc sống.

 

Nghĩ ngợi mãi thế nào ông lại trở về chính cuộc đời của mình, đã có lúc ông không muốn nhắc lại nó nhưng nó vẫn trở về những đêm vết thương chiến tranh trở lại. Ông không lấy vợ, cuộc sống một mình sẽ tốt hơn với ông vì chính ông cũng đang mang trong mình nỗi đau da cam, ông biết điều gì sẽ xảy ra nếu ông có vợ con, thà rằng khổ đau ông chịu một mình còn hơn để cho người khác khổ lây theo mình.

 

Người phụ nữ và đứa con tật nguyền kia phải chăng là một trường hợp nào đó ông đã mường tượng ra. Nhìn thấy họ, ông thấy nỗi đau như cứa vào tim mình, xót xa đến chảy máu.

 

Người thương binh kia đã một thời là đồng đội của ông, ông có khi không biết mặt anh ta nhưng ai đã cùng chung một thời bom đạn khói lửa thì thấm thía lắm những khát vọng hoà bình êm ấm, một mái nhà nho nhỏ chứa đựng hạnh phúc đơn sơ. Người ấy chết đi trong chính khao khát của mình không thể nào được thực hiện, ông phải giúp họ chí ít là cho họ một mái che đoạn ngày đoạn tháng.

 

Biết rằng ở cái thời này nhiều người sẽ cho ông là khùng điên khi đang đâu rước khổ về cho mình, cái nghề lái xe ôm chắc cũng tạm nuôi sống ông và đứa trẻ, còn mọi người chắc chắn họ không bỏ ông. Những người bạn những đồng đội của ông dù đã mất hay còn sống cũng đều đồng ý với ông chăm nom cho đứa trẻ lớn lên như nó đáng ra phải được hưởng. Ông thấy lòng mình nhẹ đi, trời đêm dịu lại.

 

Ông trèo vào chiếc võng, ngày mai ông còn lên phường đăng kí tạm trú cho mẹ con họ, ông phải lợp lại cái mái nhà, mua thêm vật dụng. Những ngày tới chắc ông sẽ bận rộn.

 

Đinh Hiếu Minh

(Đại Học Hà Nội)