Những việc cần lưu ý để tạo ấn tượng tốt trong ngày đầu tiên đi làm
(Dân trí) - Bất kể đó là công việc đầu tiên hay công việc thứ 10 của bạn, làm từ xa hay tại công ty thì việc bắt đầu một vai trò mới tại nơi làm mới chính là một thách thức.
Trên thực tế, ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra có thể "ấn định" một số ý kiến, góc nhìn của đồng nghiệp về bạn trong suốt khoảng thời gian bạn đi làm ở đó. Vì vậy, hãy cân nhắc một số cách tạo ấn tượng tốt ngay trong ngày đầu tiên đi làm.
Đến đúng giờ
Ngủ một giấc thật ngon trước ngày đầu tiên đi làm để đảm bảo rằng bạn cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo. Bất kì ai cũng sẽ ấn tượng xấu với một người trông có vẻ lờ đờ, mệt mỏi, hoặc thậm chí đi làm muộn.
Việc đến đúng giờ cho thấy bạn là người có tổ chức, coi trọng công việc của mình và quan tâm đến thời gian của công ty, đồng nghiệp.
Hãy coi ngày đầu tiên và tuần đầu tiên đi làm giống như lúc bạn phỏng vấn xin việc. Nhiệt tình là điều quan trọng khi bắt đầu một công việc mới, và đừng quên thể hiện sự tự tin. Cố gắng chứng minh với sếp mới của bạn rằng, họ đã đưa ra quyết định đúng đắn khi chọn bạn - một người chuyên nghiệp, nhiệt tình và hiểu biết.
Chuẩn bị trang phục lịch sự, phù hợp
Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc ăn mặc phù hợp vào ngày đầu tiên đi làm. Cách bạn ăn mặc có thể tác động đáng kể đến ấn tượng đầu tiên.
Cho dù bạn có thích hay không, thực tế là mọi người sẽ đánh giá bạn qua vẻ ngoài của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, công việc không phải là nơi để thể hiện những khuynh hướng thời trang độc lạ, nổi loạn, phá cách. Để thể hiện sự đáng tin cậy, có tổ chức, hãy ăn mặc thật phù hợp.
Ngày nay, quy định về trang phục sẽ khác nhau tùy theo nơi làm việc. Cách tốt nhất để quyết định bạn nên mặc gì là hỏi và quan sát những người xung quanh. Nếu quy định về trang phục đi làm của bạn thoải mái hơn, bạn cũng có thể thoải mái hơn, nhưng hãy làm như vậy sau khi mọi người đã biết về bạn.
Có thái độ tích cực
Trong ngày đầu đi làm, hãy giữ sự thân thiện, vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người. Hãy hoàn thành công việc được giao với thái độ nhiệt tình, niềm nở và tuyệt đối không phàn nàn về bất kỳ công việc, nhiệm vụ, hoặc đồng nghiệp của bạn. Có thái độ tích cực là một trong những cách tốt nhất để tạo ấn tượng đầu tiên và lâu dài.
Ghi chú lại những điều cần nhớ
Vào ngày đầu tiên đi làm, bạn có thể sẽ bị dồn dập bởi hàng tấn thông tin khó có thể "hấp thụ" hết cùng một lúc; chẳng hạn như cách thức hoạt động của các thiết bị và hệ thống khác nhau trong văn phòng, những quy tắc đặc biệt cần phải tuân theo. Để dễ nhớ hơn, hãy viết chúng ra giấy và sau đó bạn có thể tham khảo lại các ghi chú của mình khi cần thiết.
Việc ghi chép lại cho thấy bạn là người chỉn chu, cẩn thận trong công việc dù chỉ là những việc nhỏ nhất. Chính điều này cũng sẽ giúp bạn tránh khỏi những rắc rối, phiền toái hoặc bị khiển trách khi vô tình lãng quên những điều đã được dặn dò, nhắc nhở.
Yêu cầu sự giúp đỡ bằng sự chân thành
Là một nhân viên mới của công ty, bạn không nhất thiết phải biết tất cả mọi thứ. Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần trợ giúp về một công việc nào đó thì đừng ngại hỏi. Bằng sự chân thành của bạn, chắc chắn rằng mọi người sẽ rất sẵn lòng trợ giúp. Giống như cuốn "Thuật nói chuyện hằng ngày" của Hoàng Xuân Việt - học giả chuyên khoa hùng biện, có viết: "Trong khi tiếp chuyện, nếu thấy ai vẻ mặt, cái nhìn, cử chỉ, hay nghe lời nói nào đó tính chất giả dối, dù họ dùng đủ cách nói để gây thiện cảm, song bao nhiêu tình cảm, uy tín họ đều thành mây khói". Như vậy, dù là nói chuyện hay nhờ vả, sự thành thật chính là mấu chốt.
Hơn nữa, việc "làm phiền" này lại có thể cải thiện mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp. Tuy nhiên, hãy bày tỏ sự chân thành và nên nhớ giữ chừng mực.
Tránh thị phi, tin đồn nơi làm việc
Thị phi, nói xấu hoặc lan truyền tin đồn được coi là hành vi tiêu cực có tác động gây chia rẽ tại nơi làm việc. Vì vậy, để tập trung làm việc và có được hảo cảm từ người khác, cần phải tránh xa những kẻ tung tin đồn thất thiệt và tránh giao thiệp với những người tung tin đồn nhảm.
Dùng bữa cùng đồng nghiệp
Thay vì đợi đồng nghiệp mời bạn, hãy chủ động mời họ đi ăn, chẳng hạn như một bữa trưa nhẹ nhàng. Ăn trưa với đồng nghiệp sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ với họ, đồng thời giúp bạn nhanh chóng hiểu được văn hóa công ty.
Trong bữa trưa, mọi người có thể thoải mái chia sẻ những câu chuyện thú vị, tâm sự nhiều những điều ngoài giờ làm. Đây chính là khoảng thời gian lý tưởng giúp bạn kết nối gần hơn với những người đồng nghiệp.
Tuy nhiên, bạn cùng cần giữ chừng mực và cẩn trọng trong lời nói, hành động và tránh đi sâu vào những chủ đề riêng tư, nhạy cảm nếu không muốn bị coi là một kẻ tò mò, nhiều chuyện. Vì vậy, hãy để cho cuộc trò chuyện xoay quanh những chủ đề hàng ngày, về công ty hay môi trường làm việc.
Chủ động nhận lỗi khi làm sai
Giống như việc bạn có khả năng đạt được thành công, bạn cũng có thể khó tránh được những sai sót trong những ngày đầu tiên đi làm. Khi ấy, hãy chủ động nhận sai, bày tỏ sự chân thành và sự cầu tiến của bản thân.
Hầu hết, mọi người có thể bỏ qua những lỗi sai về chuyên môn nhưng sẽ rất khó có thể chấp nhận được thái độ không tốt, kém chuyên nghiệp.