7 mẹo giao tiếp giúp bạn được lòng đồng nghiệp chốn công sở

Mỹ Hạnh

(Dân trí) - Trong giao tiếp với đồng nghiệp, việc hỏi một câu chung chung như "Dạo này cậu thế nào?" sẽ thể hiện rằng bạn không thực sự muốn trò chuyện với người đối diện, và như vậy, họ cũng sẽ chỉ trả lời qua loa.

Việc giao tiếp kém hấp dẫn có thể khiến người trẻ mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống và trong công việc. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ), cách đặt ra những câu hỏi nhỏ và cụ thể hơn cho đối phương là chìa khóa để có một cuộc trò chuyện thành công.

Sau khi phân tích hơn 300 cuộc trò chuyện trực tuyến, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người đặt ra câu hỏi cụ thể và sâu sắc thường được cho là hấp dẫn hơn trong mắt người đang đối thoại cùng.

"Khi mọi người được hướng dẫn để đặt nhiều câu hỏi hơn, họ có khả năng được phản hồi cao hơn, hình thành một sự liên kết giữa người hỏi và người trả lời, gia tăng sự lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm giữa họ", các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo.

Dưới đây chính là 7 mẹo giúp bạn trở thành một người giao tiếp lôi cuốn và thú vị hơn.

1. Sử dụng vài thủ thuật để bắt đầu cuộc trò chuyện

Trong hầu hết cuộc họp, bạn không thể tránh khỏi việc phải giao tiếp và bắt chuyện với mọi người. Khi đó, hãy bắt đầu với những câu hỏi chứa các yếu tố dưới đây.

Đầu tiên, hãy thể hiện bạn thực sự hứng thú và muốn bắt đầu nói chuyện với đối phương. Tiếp theo, bạn nên hỏi họ những câu hỏi có thể liên hệ với người đối diện, chẳng hạn như "Bạn mong chờ điều gì trong tuần tới sau khi kết thúc cuộc họp này?".

Cuối cùng, hãy cố gắng đặt những câu hỏi khiến họ cảm nhận được sự gần gũi và hài hước, ví dụ như "Bạn khiến mình nhớ đến một người nổi tiếng nào đó mà mình không nhớ ra, gia đình bạn có ai làm người nổi tiếng không?".

7 mẹo giao tiếp giúp bạn được lòng đồng nghiệp chốn công sở - 1
Đầu tiên, hãy thể hiện bạn thực sự hứng thú và muốn bắt đầu nói chuyện với đối phương (Nguồn ảnh: Freepik)

2. Tránh những chủ đề hàng ngày

Nhiều người hay mắc phải lỗi sai khi tìm những chủ đề được cập nhật hàng giờ để trò chuyện. Đó là những câu hỏi liên quan đến giao thông, thể thao, thời tiết... Tất nhiên, đây không phải một cách hay để phá vỡ bầu không khí yên lặng.

Trừ khi cả bạn và người đối diện đều quan tâm đến cùng một chủ đề, hãy cố gắng tránh những chủ đề sáo rỗng và tập trung vào những chủ đề mang tính cá nhân hơn.

3. Chú ý đến thời điểm và quan sát môi trường xung quanh

Khi bắt đầu một cuộc hội thoại với mọi người, hãy chú ý đến không gian và những sự vật xung quanh, điều này có thể nói lên rất nhiều về đối tượng bạn đang trò chuyện cùng hoặc trở thành một chủ đề hay để hai người cùng bàn luận.

Giả sử khi bạn đang nói chuyện với vị tổng giám đốc của một công ty lớn chuẩn bị nghỉ hưu, và bạn thấy một hàng dài những chiếc hộp rỗng trong phòng. Bạn có thể bắt đầu với câu hỏi: "Chắc anh/chị phải cảm thấy khó khăn lắm khi dừng công việc này?".

Điều này sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận sâu sắc và bộc lộ nhiều cảm xúc hơn và nó sẽ không bao giờ xảy ra nếu bạn không chú ý đến những chiếc hộp đó.

4. Chia sẻ một vài thông tin về bản thân

Nếu muốn người đối diện mở lòng, hãy chia sẻ với họ một vài điều về cuộc sống của bản thân. Đó có thể là việc bạn nhận nuôi một chú cún cưng hoặc mua sắm một vật dụng gì đó mới trong nhà.

Sau những chia sẻ ngắn về bản thân, bạn có thể khiến mọi người cảm thấy dễ mở lòng hơn. Hầu hết mọi người thực sự muốn biết thêm về những người khác, đặc biệt nếu làm việc trong cùng công ty.

7 mẹo giao tiếp giúp bạn được lòng đồng nghiệp chốn công sở - 2

Nếu muốn người đối diện mở lòng, hãy chia sẻ với họ một vài cập nhật trong cuộc sống của mình (Ảnh: Freepik).

5. Chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện

Trong một cuộc họp dù trực tiếp hay trực tuyến, hãy cố gắng trở thành người chủ động trong các cuộc trò chuyện.

Nếu như bạn quyết định chờ đợi, hai trường hợp có thể sẽ xảy ra. Thứ nhất, một đồng nghiệp khác trong buổi họp sẽ nói ra những điều mà bạn muốn nói, đưa ra những ý kiến bạn cũng đang có để bàn luận.

Trường hợp thứ hai, một đồng nghiệp khác nói nhiều hơn của bạn sẽ tiếp nhận những câu hỏi tiếp theo của riêng họ. Bạn sẽ bị lạc trong cuộc nói chuyện và bỏ lỡ cơ hội của mình.

6. Chú ý đến giọng nói và ngôn ngữ cơ thể

Khi giao tiếp, không chỉ những gì bạn nói mà cách bạn truyền tải thông điệp đó cũng quan trọng không kém. Giọng nói, nét mặt và khả năng giao tiếp bằng ánh mắt là những điều bạn cần lưu ý khi trò chuyện với mọi người.

Hãy nhìn vào người đối diện khi bạn nói thay vì nhìn vào mặt bàn bên dưới hay bức tường. Khi nói chuyện qua điện thoại, hãy mỉm cười. Điều này sẽ giúp giọng nói của bạn nghe ấm hơn.

7. Hướng cuộc trò chuyện sang vấn đề chính

Nếu những câu chuyện phiếm trước đó diễn ra thuận lợi, bạn đã sẵn sàng để đặt câu hỏi cho những vấn đề chính. Nhờ câu chuyện đó mà bạn sẽ làm chủ được tình hình, tạo ấn tượng tốt đối với mọi người và khiến mọi người chú ý đến bản thân hơn.

Sau đó, bạn có thể chuyển sang một chủ đề ý nghĩa hơn để thể hiện kiến thức, sự đóng góp của bản thân cho công ty và sự tự tin của chính mình.

7 mẹo giao tiếp giúp bạn được lòng đồng nghiệp chốn công sở - 3

Nếu những câu chuyện phiếm trước đó diễn ra thuận lợi, bạn đã sẵn sàng để đặt câu hỏi cho những vấn đề chính (Ảnh: Freepik).

Cuối cùng, hãy mạnh dạn hơn

Việc trò chuyện đôi khi là một rào cản lớn cho những người hướng nội. Nhưng nếu bạn quá im lặng trong khi diễn ra các buổi họp hay đứng chung cùng đồng nghiệp trên thang máy, bạn có thể sẽ có nguy cơ trở nên vô hình.

Trước những tình huống đó, hãy cho bản thân thời gian để bình tĩnh. Hầu hết mọi người đều gặp phải những áp lực khi giao tiếp với những đồng nghiệp xung quanh.

Không ai đòi hỏi bạn phải trở nên năng nổ hoặc hoạt bát mỗi khi tiếp xúc với mọi người. Hãy cứ là chính mình. Khi bạn nỗ lực để xây dựng được tiếng nói của bản thân trong các cuộc họp, bạn sẽ được lắng nghe và đạt được nhiều thành công hơn trong môi trường công sở.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm