"Cô lập thầm lặng" - xu hướng đáng sợ nơi công sở

Lê Nguyễn Quỳnh Anh

(Dân trí) - "Cô lập thầm lặng" đã trở thành một xu hướng ở nơi làm việc, khi các nhân viên không chia sẻ những kiến thức và thông tin cần thiết cho đồng nghiệp.

Vài tháng trước, "nghỉ việc thầm lặng" (quiet quitting) đã trở thành một trào lưu phổ biến gây bão mạng xã hội. Thuật ngữ này nghĩa là nhân viên chỉ làm việc ở mức cơ bản và không làm thêm giờ. Họ đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của công việc.

Giờ đây, xu hướng mới ở chốn công sở lại xuất hiện, gọi là "cô lập thầm lặng" (quiet constraint) và cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp tại Mỹ.

Cô lập thầm lặng - xu hướng đáng sợ nơi công sở - 1

"Cô lập thầm lặng" là một xu hướng mới ở nơi làm việc (Ảnh: Getty Images).

Falguni Bhuta, phát ngôn viên của Kahoot!, một công ty giáo dục ở San Francisco, chia sẻ với Fox Business: "Cô lập thầm lặng là một xu hướng đang nổi lên, khi mà nhiều nhân viên giàu kinh nghiệm không chịu chia sẻ với đồng nghiệp".

Bhuta cho biết, 58% nhân viên thừa nhận rằng họ nắm rõ những kiến thức và thông tin có thể mang lại lợi ích cho đồng nghiệp nhưng không muốn chia sẻ những thông tin đó. Báo cáo Văn hóa Nơi làm việc của Kahoot! cho biết, GenZ thuộc top đầu không chia sẻ thông tin - tỷ lệ 77%.

Ảnh hưởng đến năng suất 

Theo các chuyên gia, với mô hình làm việc kết hợp ở hàng nghìn công ty, các nhóm nhân viên cần phải làm việc chăm chỉ hơn để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

Cô lập thầm lặng - xu hướng đáng sợ nơi công sở - 2

58% nhân viên thừa nhận không chia sẻ thông tin với đồng nghiệp trong cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Bhuta cho biết: "Nhiều hệ sinh thái doanh nghiệp đang trở nên phức tạp hơn do công nghệ ngày càng phát triển, vì vậy các vị trí công việc cũng chuyên biệt hơn. Cùng với sự gia tăng của sự phân tán lực lượng lao động và mô hình làm việc kết hợp cũng như từ xa trong thời gian dài, các nhóm nhân viên sẽ thiếu đi sự kết nối với nhau".

Theo Bhutan, khi các thành viên trong cùng một nhóm không làm việc với nhau và chia sẻ thông tin, kiến thức, các công ty sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với hiệu quả và năng suất. Điều này không chỉ dẫn đến sự phối hợp kém, thiếu nhất quán mà còn hạn chế tiềm năng sáng tạo và đề xuất ý tưởng mới cũng như khả năng giải quyết vấn đề phát sinh mà chỉ có thể phát sinh từ sự hợp tác hiệu quả.

Nguyên nhân là mô hình làm việc kết hợp?

Các chuyên gia khác tin rằng sự cộng tác và chia sẻ kiến thức dần bị mất đi là do các mô hình làm việc từ xa và kết hợp.

Chris Holter, một chuyên gia về nghề nghiệp và nơi làm việc ở Boca Raton, Florida, chia sẻ với Fox Business: "Với mô hình làm việc kết hợp, nhân viên có xu hướng làm việc tách biệt hơn".

Cô lập thầm lặng - xu hướng đáng sợ nơi công sở - 3

Chuyên gia lo ngại rằng "cô lập thầm lặng" sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc (Ảnh: Getty Images).

Holter là chủ tịch hãng tư vấn Chris Holter. Cô thường hỗ trợ các nhà lãnh đạo trong việc giữ chân những nhân tài hàng đầu và tăng doanh thu cũng như lợi nhuận thông qua khả năng lãnh đạo bẩm sinh.

Cô cho biết: "Mọi người không còn tích cực cộng tác với nhau để học hỏi những kiến thức hữu ích. Vấn đề này một phần xuất phát từ mô hình làm việc kết hợp và chủ yếu đến từ mức độ tương tác thấp ở các công ty nói chung. Hiện tôi đang phải làm việc với rất nhiều người để giải quyết vấn đề này".

Việc "cô lập thầm lặng" của một người có thể ảnh hưởng tới tập thể

Các chuyên gia cho biết, trong một nhóm dự án, nếu có một nhân viên không tích cực trong việc giao tiếp thì năng suất, thời gian và tiền thưởng của dự án có thể bị ảnh hưởng.

Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý ở Marathon, Florida, người dẫn podcast "Tâm trí lành mạnh" chia sẻ với Fox Business: "Một nhóm làm việc sẽ khó để phát triển nếu các thành viên của nhóm đó chỉ quan tâm đến bản thân họ hơn là lợi ích của cả nhóm và công ty, bởi các cá nhân sẽ cạnh tranh thay vì hợp tác, và khi làm việc nhóm mà không chia sẻ ý tưởng và làm việc cùng nhau thì sẽ không có khả năng thành công".

Morin cho biết mọi người đang bị cuốn vào "văn hóa hối hả", bởi trong suốt đại dịch, nhiều người phải làm thêm giờ, vì vậy họ đang trút sự thất vọng và bực bội lên công ty của mình.

Cô ấy còn nói thêm: "Những người phải làm việc từ xa đang cố gắng để nổi bật hơn tại môi trường từ xa. Vì vậy, họ chơi xấu với đồng nghiệp của mình như một cách để khiến bản thân được lợi hơn".

Tổn hại đến danh tiếng và văn hóa của doanh nghiệp

Theo một chuyên gia khác, hành vi "cô lập thầm lặng" có thể làm tổn hại đến danh tiếng công ty, thậm chí có thể được coi là "vô đạo đức" và "độc hại".

John Coleman, một chuyên gia về văn hóa nơi làm việc ở Atlanta và là tác giả của cuốn sách "Trình bày thuyết phục" chia sẻ trên Fox Business: "Nhân viên sẽ rất dễ bị cuốn vào hành vi "cô lập thầm lặng" nếu họ đã làm việc thường xuyên trong môi trường cổ súy những hành vi như thế".

Những điều này có thể dẫn đến một môi trường cạnh tranh giữa các nhân viên với nhau và mọi người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt thay vì sứ mệnh mà công ty đề ra.

Coleman cho biết: "Các công ty nên khen thưởng những người biết chia sẻ thông tin cho mục đích chung và văn hóa tích cực, đồng thời có những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi "cô lập thầm lặng".

Các chuyên gia cho rằng nếu một nhân viên nắm giữ thông tin giúp ích cho đồng nghiệp của họ nhưng lại chọn không chia sẻ thông tin đó thì năng suất của toàn công ty có thể bị ảnh hưởng.

Nhà trị liệu tâm lý Morin ở Florida chia sẻ: "Đồng nghiệp của bạn có thể đã lãng phí rất nhiều thời gian để nghiên cứu một điều gì đó trong khi bạn đã có sẵn câu trả lời, hoặc họ sẽ làm dự án theo hướng sai hoàn toàn vì bạn không cho họ những thông tin và kiến thức cần thiết".

Theo nypost.com