Những kẻ sống "kí sinh" trên cơn sốt cộng đồng mạng
(Dân trí) - Sau mỗi lần giới trẻ "lên cơn sốt" vì các “trai xinh gái đẹp”, clip, hình ảnh ý nghĩa, hoặc dư luận tập trung lên án hiện tượng xấu là những lúc "kí sinh trùng" lại nở rộ như vào mùa.
Nhận diện những “kẻ kí sinh”
Những bạn trẻ vốn đã quen với hoạt động của mạng xã hội chắc hẳn không xa lạ gì với các hội nhóm có tên: “hội những người dành tình yêu cả đời cho…”, “hội những người chết mê vì vẻ đẹp của…” hay “hội những người không thể chịu đựng nổi hành động của...”…
Những hội nhóm này được thành lập ngay sau "cơn sốt" của cộng đồng mạng với một hiện tượng nào đó. Thường thì lượng thành viên của những hội này tăng lên rất nhanh. Ví dụ như hội tiếc thương bác Văn Hiệp trưởng thôn (được lập ra ngay sau khi báo chí đưa tin bác mất), chỉ sau 2 ngày đã có hơn 100.000 người tham gia.
Hầu hết mọi người đều tin rằng những hội nhóm này là do một vài người nào đó quan tâm sâu sắc tới nhân vật được nói tới mà lập ra. Do đó, bạn trẻ không ngại nhấn nút "Like" để tham gia cộng đồng này, chia sẻ suy nghĩ của mình. Nghiễm nhiên, lượng thành viên của fanpage này tăng lên với cấp số nhân.
Chỉ có một số lượng nhỏ fanpage được lập ra thực sự là vì niềm yêu thích, là nơi tụ hội của những người có cùng quan điểm (thường là fanpage của nghệ sĩ). Tuy nhiên, để duy trì fanpage này dài lâu, nghệ sĩ hoặc một Mạnh Thường Quân nào đó cũng phải đứng ra bỏ tiền, thuê các admin ngày đêm đăng bài, nếu không trang này cũng sẽ sớm chìm vào quên lãng.
Không ít trường hợp, fanpage do chính nhân vật được quan tâm điều hành (ví dụ như trang của thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hiện có hơn 200.000 thành viên).
Còn đối với những fan page độc lập, hình thành như nấm sau cơn mưa "phát cuồng", "phẫn nộ" của cư dân mạng, người sáng lập ra nó hầu hết đều có mục đích riêng.
Họ có thể xây dựng trang mạng xã hội này vì tiền, cũng có thể vì mục đích xã hội khác. Một khi lượng thành viên của fan page đã lên tới hàng chục nghìn, họ có thể bán lại trang mạng xã hội của mình với giá tiền triệu.
Đáng lo ngại hơn, một số fanpage còn lợi dụng lượng thành viên lớn "chuyển đổi mục đích sử dụng" thành những trang mạng "bẩn". Điển hình như trang "Chúng tôi phát tởm vì KP..." là một fanpage mượn gió bẻ măng, khi thấy cư dân mạng phẫn nộ với nhân vật này, liền mở ra một trang mạng để tung ra những điều bịa đặt nhằm bôi nhọ nhân phẩm một con người.
Không chỉ dừng lại ở đó, các fanpage sau khi câu kéo được lượng theo dõi như mong muốn còn có thể trở thành web chuyên quảng cáo, bán hàng online hay thậm chí là tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ.
Fanpage anti nhằm lôi kéo người khác bôi xấu một nhân vật nào đó.
Đề cao cảnh giác là cách tốt nhất
Khi mà mỗi cái "Like", mỗi một lượt theo dõi đều có thể quy ra thành tiền hoặc lợi ích khác, cư dân mạng nên tỉnh táo, cảnh giác. Trước hết là để không làm lợi cho những kẻ "kí sinh".
Ngoài ra, việc chúng ta theo dõi, yêu thích những fanpage có nội dung không lành mạnh như vậy có rất nhiều cái hại. Hại đầu tiên là việc bạn bè, đồng nghiệp đánh giá khi thấy ai đó có mặt trong danh sách thành viên của một hội "bẩn".
Tiếp đó, khi trở thành thành viên của những hội nhóm như thế này, chúng ta cũng có nguy cơ bị ăn cắp thông tin, lợi dụng theo nhiều cách khác nhau của tin tặc.
Do đó, điều cần thiết lúc này là bạn trẻ cần hiểu biết rõ mình đang ủng hộ cho ai, những trang "phát cuồng" hay "phát ghét" này có giúp ích được gì cho bạn hay không. Trên tất cả, hãy là những người sử dụng mạng Internet một cách thông minh.
Mai Châm