Nhức nhối ảnh, clip nóng bùng nổ để “câu” like

(Dân trí) - Nút “Like” (Thích) đang gây những cơn “sốt” về con người, sự kiện đồng thời còn mang lại lợi nhuận cho người sở hữu khi bán lại cho doanh nghiệp nào đó. Bởi vậy nhiều cư dân mạng đã dùng rất nhiều cách phản cảm để tăng “like”.

Tung ảnh, clip nóng để “câu” like

 

Để trở nên độc đáo, mới lạ hơn trên Facebook, một bộ phận giới trẻ đang dùng những cách táo bạo để biến nó thành “mốt thời thượng”. Đó là kiểu dùng ảnh hở hang, nhạy cảm mang lại số lượng like lớn, thậm chí có người nổi lên trở thành “hotgirl” với lượng người theo dõi lên đến vài chục nghìn.

 

Muốn trở nên nổi tiếng hơn, được nhiều người biết đến, theo dõi, nhiều cô gái đã đăng những hình ảnh mát mẻ lên trang cá nhân của mình và kêu gọi mọi người like với nội dung như: “Nếu lượng like lớn thì sẽ tung ảnh nude cho mọi người xem" hay tung clip nóng.
 
Cặp đôi gây phản cảm một cách có chủ ý trên facebook khiến dân mạng rào rào ném đá.
Cặp đôi gây phản cảm một cách có chủ ý trên facebook khiến dân mạng rào rào "ném đá".

 

Những ngày gần đây, việc tung các ảnh nóng kèm theo nội dung status (chia sẻ) đầy phản cảm của một số bạn trẻ khiến cư dân mạng “dậy sóng”. Ban đầu là tấm ảnh nóng của nam thanh niên đăng tải chụp cùng bạn gái trong trạng thái cả hai chỉ có tấm khăn tắm trên người và ôm hôn nhau rất thân mật. Đi kèm là một dòng status cực khiêu khích: “Nếu được 30k (30.000) like v c (vợ chồng) mình sẽ đăng clip đc ko (được không) vợ?".

 

Không dừng lại ở đấy, bất chấp sự phản ứng gay gắt của dân mạng, đôi này tiếp tục đăng thêm bức ảnh có cảnh hôn của mình cực phản cảm và khiêu khích người xem. Câu nói đi kèm cũng cực kỳ thô tục, gây nhiều bức xúc cho người đọc.

 

Giữa tháng 4 vừa rồi, những bức ảnh nude của T.X.H. tạo nên một làn sóng trong cộng đồng mạng với hình ảnh đứng trước gương, tự chụp ảnh bản thân trong khi lột dần từng lớp quần áo. Hiện tượng chưa giảm “sốt” thì ngày 9/5 vừa qua, cô nàng tên C.Su đã đăng tải hình ảnh của mình cùng người yêu trong trạng thái bán nude, nằm trên giường.

 

Khi nghe những phản ứng dữ đội từ bạn bè, cô nàng này không hề ngượng ngùng mà còn đối đáp lại rất vui vẻ. Đến ngày 22/5, C.Su lại đăng tiếp 2 bức ảnh chụp cùng người yêu ở tình trạng bán nude và ôm hôn nhau rất nóng bỏng. 
 
Không ít thiếu nữ sẵn sàng khoe thân thể mình chỉ để câu like cho trang cá nhân.
Không ít thiếu nữ sẵn sàng khoe thân thể mình chỉ để câu like cho trang cá nhân.

 

Cách câu “like” này đang phản ánh lối sống thiếu lành mạnh, kệch cỡm của một bộ phận trẻ. Bên cạnh đó, nhiều “anh hùng bàn phím” cũng đang biến hóa cách sử dụng tiếng Việt trong sáng thành lời bình luận khiếm nhã, thô tục không kém gì nội dung bức ảnh.

 

Nghiêm trọng hơn, nhiều cô gái đã trở thành nạn nhân của chính chiêu trò mình tạo ra. Sự kiện gần đây nhất là cuối tháng 4/2013, ảnh bốn cô gái xinh đẹp mặc bikini gợi cảm bên hồ bơi vừa được “khoe” trên FB cá nhân đã bị một số diễn đàn sao chép đồng thời đính kèm những chú thích có phần thô tục. Chủ nhân của các bức ảnh này đã gặp rắc rối và cảm thấy bức xúc vì hình ảnh cá nhân bị người lạ bình phẩm với nội dung thiếu tôn trọng.

 

Ảnh ngồi trên tượng, đầu rùa

 
Đôi bạn ngồi đầu rùa bị dân mạng phản ứng dữ dội vì ý thức và tôn trọng với lịch sử dân tộc.
Đôi bạn ngồi đầu rùa bị dân mạng phản ứng dữ dội vì ý thức và tôn trọng với lịch sử dân tộc.
 

Bắt đầu bằng hình ảnh một thanh niên và đôi nữ giới ngồi đầu rùa từ tháng 7/2012 cho đến nay đã có thêm một loạt vụ việc liên tiếp về sự vô ý thức của một số cá nhân đi ngược lại với truyền thống, đạo đức người Việt Nam.

 

Tháng 1/2013, một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng lại hồn nhiên ngồi trên một ngôi mộ liệt sỹ để chụp ảnh đã gây nên làn sóng mạnh mẽ trên các diễn đàn. Hình ảnh nam thanh niên "hiên ngang" cởi trần ngồi trong ngôi mộ tổ của một dòng họ để tạo dáng chụp ảnh cũng gây bức xúc cho giới trẻ xuất hiện thời điểm cuối tháng 2.

 

Và giữa tháng 3 này, cậu sinh viên tên Lực (trường CĐ Phát thanh – truyền hình Hà Nam) còn ngồi lên tượng đài Lý Thái Tổ, cưỡi voi đá, máy bay Mig trưng bày trong bảo tàng khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ.
 
Một nam sinh ngồi trên tượng đài Lý Thái Tổ cũng phải hứng chịu gạch đá dư luận.
Một nam sinh ngồi trên tượng đài Lý Thái Tổ cũng phải hứng chịu "gạch đá" dư luận.

 

Song vụ việc của Lực chưa kịp lắng xuống thì chỉ vài ngày sau, ngay trên mạng xã hội  Facebook lại xuất hiện thêm hình ảnh của một thanh niên ngồi mộ tổ ra dấu "number one" và tươi cười vẻ đắc thắng.

 

Mọi người khi nhìn thấy những bức hình này đều rất tức giận vì suy nghĩ và lối hành xử vô ý thức. Nguyễn Thành Nam (trường CĐ Phát thanh – Truyền hình Hà Nam) bày tỏ: “Mình thấy phản cảm trước hành động thiếu văn hóa, băng hoại về đạo đức của những cá nhân này.

 

Là con người phải biết tự hào và tôn trọng tiền nhân, những giá trị lịch sử và văn hóa. Vì thế, mình nghĩ cần lên án và phê phán hành động này để tránh những trào lưu xấu tồn tại trong đời sống giới trẻ”.

 

Tổ chức các cuộc thi “ảo”

 

Hiện nay, để tăng like với mục đích thương mại, phổ biến nhất là các cuộc thi ảnh của các trung tâm, của một tổ chức, đơn vị nào đó. Với chi phí cuộc thi khá rẻ, tầm 2 – 3 triệu là đã có thể thu được số lượng like như mong muốn. Những cuộc thi như vậy đánh vào tâm lý của giới trẻ, thích được phần thưởng lại không tốn công sức quá nhiều.

 

Những cư dân mạng tham gia các cuộc thi như vậy sẽ vận động bạn bè like ảnh cho trang chủ của tổ chức và chính mình. Nhưng khá nhiều cuộc thi ảo, không hề có xét duyệt, trao thưởng khi đã hết thời hạn cuộc thi như đã hứa trước đó.
 
Một nam sinh ngồi trên tượng đài Lý Thái Tổ cũng phải hứng chịu gạch đá dư luận.
Không ít cuộc thi "hữu danh vô thực" trên mạng tổ chức chỉ nhằm câu like cho cửa hàng, doanh nghiệp.

 

Nguyễn Thị Thủy (trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Mình đã vận động bạn bè ủng hộ với số lượng like khá lớn trong những người dự thi cho shop quần áo. Thế nhưng sau thời hạn cuộc thi, Hồng vẫn không hề nhận được thông báo gì về việc nhận thưởng.

 

Thực sự mình đã tốn khá nhiều thời gian, khi phải nhờ mọi người like ảnh, bỏ công sức để theo dõi liên tục ảnh mình dự thi đăng kí, … Hồng sẽ thận trọng hơn trong việc tham gia các cuộc thi kiểu này trên Facebook”.

 

Sử dụng ảnh thương tâm, những mảnh đời bất hạnh

 

Bên cạnh đó, có không ít cư dân mạng lại sử dụng các “mánh khóe” như những hình ảnh cảm động, những tấm gương nghèo khó… kèm  theo đó là những lời “mời gọi” như “Một Like cho một lời cầu nguyện”, hay “Một Like để giúp đỡ cho cậu bé trong hình ảnh”… Đây là một cách thức “câu Like” đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng Facebook hiện nay.
 
Một nam sinh ngồi trên tượng đài Lý Thái Tổ cũng phải hứng chịu gạch đá dư luận.
Lòng tốt của dân mạng đối với hình ảnh ông lão bán me cuối cùng lại trở thành nạn nhân của sự bịp bợm.

 

Cách đây một thời gian, có một trường hợp tương tự như thế này bị lật tẩy khi tác giả của bức ảnh lên tiếng. Đó là bức ảnh cậu bé khoảng 3 tuổi ôm em gái nhỏ, dáng vẻ bơ vơ tội nghiệp được lan truyền với nội dung đính kèm: “Mẹ nó mất vì ca sinh khó em nó. Bố vất vả làm lụng để nuôi 2 anh em nó. Nhưng không may tai nạn lao động xảy ra, ông cũng qua đời. Còn anh em nó... Biết làm sao đây? Hỡi mảnh đời bất hạnh...”.

 

Trong suốt một thời gian dài, bức ảnh được đăng đi tải lại trên mạng xã hội Facebook và được cộng đồng mạng chia sẻ đến chóng mặt. Mọi người chia sẻ sự thương xót, ngậm ngùi cho số phận kém may mắn của hai em bé. Không dừng lại ở đó, không ít cư dân mạng hảo tâm còn có thiện chí muốn được quyên góp để giúp đỡ các em có cuộc sống tốt hơn.

 

Đầu tháng 5, nhiếp ảnh gia Nason Nguyễn lên tiếng: “Mình post lại tấm này vì tình cờ hôm nay có mấy bạn Việt Nam, mấy bạn Ảrập gửi link cho mình về mấy cái page kiểu "Lặng nhìn cuộc sống" hay giời bụt gì đó và có cả 1 trang tiếng Ảrập.
 
Nút like cho những hình ảnh thương tâm, cảm động không có tác dụng gì.

Nút like cho những hình ảnh thương tâm, cảm động không có tác dụng gì để giúp đỡ hoàn cảnh đó.

 

Mấy trang ở Việt Nam thì thêu dệt chuyện lâm ly bi đát, mẹ nó chết sớm, bố nó bla bla. Trang kia thì nói đây là 2 đứa bé đạo Hồi ở Miến Điện. Các bạn ấy còn định kêu gào quyên góp này nọ… Mình nhắc lại, đây là ảnh 2 anh em người Hmong ở Cán Tỷ, Quản Bạ, Hà Giang.

 

Cậu anh đang dỗ cô em bé tí của mình năm 2007, chả có trẻ em mồ côi gì ở đây cả. Mọi người mà nhìn thấy các page ăn cắp ảnh này và sáng tác truyện lâm li thì làm ơn vào vạch mặt ngay để tránh kẻ xấu lại lợi dụng lòng tốt sến súa của mọi người để quyên góp tiền nong này nọ”.

 

Hay như chuyện ông lão bán me đu từ cành này sang cành nọ vào đầu năm 2013 sau khi lấy đi bao nhiêu sự thương cảm trong lòng cư dân mạng đã bị phơi bày khi số người ủng hộ, giúp đỡ ngày càng nhiều: Ông lão không có bệnh tật gì, thay vào đó, ông có 4 người con thành đạt. Việc ông bán me xuất phát từ việc ông đam mê cờ bạc, hút chích…

 

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo, trong đó lên án hình thức “câu Like” bằng cách sử dụng những nội dung thương tâm liên quan tới trẻ em, cụ già khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, …

 

UNICEF khẳng định việc nhấn “Like” trên Facebook không có tác dụng trong việc cứu sống những đứa trẻ trên khắp thế giới, mà chỉ có tiền bạc mới có thể thực hiện điều này. Bởi vậy, thay vì chỉ nhấn Like hãy hành động một cách thiết thực. Chiến dịch này mỉa mai những tổ chức hay cá nhân đang tìm mọi cách để “câu Like” cho trang Facebook bằng các nội dung thương tâm.

 
(còn tiếp)
 
Hoàng Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm