Những điều Gen Z cần tránh khi viết đơn xin việc

Đức Chung

(Dân trí) - Nhiều Gen Z mới ra trường đã có bề dày kinh nghiệm làm việc bán thời gian, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng có thể viết được đơn xin việc phù hợp cho vị trí ứng tuyển.

Jermaine Jupiter là một cố vấn nghề nghiệp tại Mỹ. Trong 6 năm tư vấn tuyển dụng, anh đã giúp nhiều bạn trẻ tìm được việc trong các công ty lớn như Google, Facebook, và Microsoft.

Jermaine chia sẻ rằng vì bản thân từng rơi vào cảnh thất nghiệp khi mới tốt nghiệp đại học, nên anh đã quyết định chi 650 USD để thuê người viết đơn xin việc (resume) cho mình. Và bản sơ yếu đó dài tận 6 trang, dù anh chỉ có kinh nghiệm làm việc dưới 2 năm.

Khi anh cầm đơn xin việc đến nộp ở một đài thể thao địa phương, lễ tân đã thẳng thừng hỏi ngược lại anh: "Liệu bạn có muốn đọc một bản đơn xin việc dài 6 trang thay vì dành thời gian cho các việc khác không?"

Đêm đó, Jermaine về nhà và tự mình làm lại mọi thứ trong đơn xin việc. Nhờ câu nói đó của lễ tân, anh đã làm chủ được kỹ năng viết đơn xin việc. Không lâu sau đó, bạn bè của Jermaine đều thuê anh để viết đơn xin việc và đều có việc làm.

Một trong những câu hỏi thường gặp nhất của khách hàng khi tìm đến công ty tư vấn nghề nghiệp Jupiter HR của anh là những gì không nên đưa vào đơn xin việc. Dưới đây là lời khuyên của anh về 5 điều cần tránh:

Tóm tắt thông tin cá nhân

Việc tóm tắt thông tin cá nhân trong đơn xin việc thực sự lãng phí bởi nó không chỉ chiếm nhiều chỗ, mà còn thường xuyên kể lại những thông tin mà nhà tuyển dụng đã đọc trong bản sơ yếu lý lịch (CV).

Các nhà tuyển dụng chỉ có xu hướng đọc lướt đơn xin việc. Điều này có nghĩa là nửa đầu luôn có sức ảnh hưởng lớn hơn nửa sau, nên bạn hãy đặt những bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng, kinh nghiệm quan trọng nhất, và ấn tượng nhất lên đầu.

Nhồi nhét từ khóa

Người xin việc thường hiểu lầm rằng Hệ thống tìm kiếm ứng viên (ATS) sẽ tự động loại bỏ những đơn xin việc không có từ khóa phù hợp. Kết quả là họ sẽ nhồi nhét rất nhiều từ khóa liên quan đến công việc vào thư xin việc.

Nhưng thực tế thì không như vậy. Chính các nhà tuyển dụng mới là người làm công việc loại hồ sơ. Vậy nên, hãy chỉ sử dụng các từ khóa liên quan đến công việc ứng tuyển khi những từ khóa đó được dùng với đúng mục đích và phù hợp với kinh nghiệm của bạn.

Kinh nghiệm lỗi thời

Người xin việc rất dễ viết lan man và đưa quá nhiều thông tin cho từng kinh nghiệm làm việc trước đó. Tuy nhiên, điều đó không cần thiết. Ví dụ như ngành công nghệ, kinh nghiệm làm việc của 3 năm trước được coi là lạc hậu.

Bạn chỉ nên tập trung vào một hoặc hai vị trí quan trọng nhất mà bạn từng làm, và chỉ ra những kỹ năng mà bạn đã sử dụng trong công việc đó. Chính điều đó sẽ khiến bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá cho vị trí ứng tuyển.

Hình ảnh

Những điều Gen Z cần tránh khi viết đơn xin việc - 1

Ở giai đoạn hồ sơ, nhà tuyển dụng chú ý tới kỹ năng của ứng viên hơn là hình thức (Ảnh: Getty Images).

Theo kinh nghiệm của Jermaine, không nhà tuyển dụng nào ấn tượng với ngoại hình hay phong cách của ứng viên, mà ngược lại, họ ấn tượng với kỹ năng hơn. Vì thế, người xin việc không nên chèn hình ảnh bản thân hay bất kỳ đồ họa nào mình tự thiết kế.

Kể cả một đồ thị hay biểu đồ đơn giản cũng có thể làm hại ứng viên. Bạn sẽ không bao giờ biết được nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng đồ họa của mình như thế nào. Họ có thể đánh giá bạn quá cao, hoặc họ sẽ đánh giá bạn thấp so với khả năng thực sự của bạn.

Nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí sáng tạo, có nhiều cách để phô diễn tài năng của bạn. 99% các bản sơ yếu lý lịch được xem trên máy tính, nên hãy liên kết chúng với portfolio (tài liệu tổng hợp việc làm của ứng viên), và đặt lên gần tên và địa chỉ liên hệ của bạn

Công việc làm thêm

Mặc dù lỗi này thường xuyên gặp ở những ứng viên xin việc lần đầu, nhưng cũng có nhiều ứng viên có kinh nghiệm lâu năm cũng mắc phải lỗi viết thêm những công việc không liên quan vào thư xin việc.

Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra trình độ của bạn ở vòng phỏng vấn. Nếu bạn có nhiều năm kinh nghiệm thì không cần phải liệt kê mọi công việc từng làm.

Cách tốt nhất để khiến thư xin việc tạo ấn tượng hơn là ngữ cảnh hóa và hỗ trợ các thành tựu của bạn thông qua con số. Những con số này chắc chắn sẽ thể hiện tác động tích cực của bạn đối với môi trường làm việc. Ví dụ như, bạn giúp việc kinh doanh tăng trưởng hơn 50%, hay bạn giúp tỉ lệ tương tác qua email tăng hơn 500%.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm