Nhật Bản hạ độ tuổi trưởng thành xuống 18 từ ngày 1/4/2022
(Dân trí) - Việc hạ độ tuổi trưởng thành sẽ mang đến nhiều thay đổi trong xã hội Nhật Bản, kèm theo đó là những quyền lợi và trách nhiệm lớn hơn của công dân 18 tuổi tại nước này.
Từ ngày 1/4/2022, người 18 và 19 tuổi ở Nhật Bản về mặt pháp lý sẽ được xếp loại là người lớn và sẽ có nhiều quyền tự do hơn trong việc lựa chọn cuộc sống mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.
Những thay đổi
Theo quyết định mới, thanh niên 18 và 19 tuổi - những người cho đến nay vẫn được coi là trẻ vị thành niên một cách hợp pháp tại Nhật Bản - sẽ có thể tham gia hợp đồng mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Các hợp đồng như vậy bao gồm: mua điện thoại di động, vay tiền mua ô tô, ký hợp đồng thuê căn hộ, đăng ký thẻ tín dụng…
Theo luật hiện hành, nam 18 tuổi và nữ 16 tuổi được phép kết hôn với sự đồng ý của người giám hộ. Tuy nhiên, điều khoản về việc kết hôn của trẻ vị thành niên sẽ bị xóa bỏ vào tháng 4/2022. Theo đó, bất kỳ nam nữ nào từ 18 tuổi trở lên đều có thể kết hôn mà không cần sự đồng ý của người giám hộ.
Quyết định mới cũng sẽ hạ thấp ngưỡng tuổi để một người có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ 20 xuống 18.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản độ tuổi hợp pháp để mua rượu và thuốc lá cũng như đánh bạc sẽ vẫn là 20. Tại quốc gia này, theo Bộ luật Hình sự, hầu hết các hành vi cờ bạc đều bị cấm. Có một số hành vi đánh bạc công khai, như đua ngựa hay một số bộ môn đua xe thể thao, được pháp luật cho phép.
Hình phạt nghiêm khắc hơn cho tội phạm trẻ tuổi
Bắt đầu từ tháng 4/2022, người 18 và 19 tuổi sẽ được coi là người chưa thành niên theo quy định của Luật hình sự Nhật Bản. Do đó, đối tượng này có thể được gửi từ các tòa án gia đình, nơi thường xử lý các trường hợp trẻ vị thành niên phạm pháp, đến các công tố viên để xét xử hình sự. Theo quy định hiện hành, chỉ những vụ án liên quan đến trẻ em từ 16 tuổi trở lên có hành vi cố ý dẫn đến cái chết của một người nào đó mới bị đưa ra xét xử hình sự.
Sau các bản sửa đổi, những khuyến nghị về việc tuyên án giam giữ đối với một tội danh nhất định sẽ được đưa ra riêng cho trẻ em từ 17 tuổi trở xuống. Người dưới 17 tuổi trở xuống sẽ phải chịu mức án tù 15 năm trong khi những bản án như vậy đối với bị cáo từ 18 tuổi trở lên có thể kéo dài đến 30 năm.
Theo quy chế hiện hành, giết người là tội danh duy nhất mà trẻ vị thành niên phải chịu truy tố. Luật sửa đổi sẽ mở rộng sang các tội khác bao gồm cướp bóc, hiếp dâm, đốt phá… với mức phạt tù ít nhất một năm, kèm theo khả năng đối mặt với án tử hình đối cho các tội nghiêm trọng.
Chính phủ cũng sẽ xác định lại độ tuổi liên quan đến việc cấm các phương tiện truyền thông tiết lộ ảnh của những người phạm tội và tên thật của họ. Việc tiết lộ những thông tin như vậy sẽ được phép sau khi kẻ phạm tội bị chính thức truy tố, nhưng lệnh cấm sẽ vẫn áp dụng đối với những người dưới 18 tuổi.
Khi Quốc hội Nhật thông qua các sửa đổi vào năm 2018, đây là lần thay đổi đầu tiên sau 142 năm.
Động thái này đánh giá lại độ tuổi trưởng thành được đưa ra trong bối cảnh những lời kêu gọi về Luật vị thành niên cứng rắn hơn, vốn bị châm ngòi bởi một loạt tội ác tàn bạo của tội phạm trẻ thanh thiếu niên. Các nhà làm luật đã phân biệt về việc liệu có nên loại trừ một phần người 18 và 19 tuổi khỏi các chương trình cải huấn có đăng ký bắt buộc theo luật hiện hành hay không vì việc can dự vào việc này có thể làm tăng khả năng tái phạm.