Nhà tuyển dụng "đau đầu" trước tình trạng ứng viên tô vẽ CV quá đà
(Dân trí) - Chị Ly nhận thấy, có nhiều người vì để CV (hồ sơ ứng tuyển) được "mười phân vẹn mười" mà tô vẽ nó quá đà, thổi phồng bản thân không đúng với thực lực.
CV là điểm chạm đầu tiên với nhà tuyển dụng
Chị Nguyễn Khánh Ly, 30 tuổi, hiện đang là giám đốc điều hành tại một công ty truyền thông và đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng. Sau nhiều năm hoạt động trong nghề, chị Ly đã tiếp xúc với nhiều ứng viên có cá tính, năng lực khác nhau, cũng như đọc qua nhiều hồ sơ xin việc từ sơ sài đến chuyên nghiệp.
Chị Ly nhận thấy, CV là điểm chạm đầu tiên với nhà tuyển dụng, quyết định được ấn tượng tốt hay xấu.
"Miếng trầu là đầu câu chuyện, còn CV là khởi đầu sự nghiệp. Để ấn tượng đầu tiên về CV của bạn trong mắt nhà tuyển dụng thật "hoàn hảo" thì nhân sự cần thể hiện nó một cách chỉn chu về mặt hình thức cũng như nội dung.
Phải nói rằng, càng về sau này, các bạn trẻ khi đi xin việc càng làm tốt kỹ năng viết CV. Mình khá là bất ngờ vì có những hồ sơ đẹp đến nỗi chỉ cần đọc thôi là mình muốn tuyển người đó ngay mà không cần phỏng vấn", chị nói.
Tuy nhiên, chị Ly cũng nhận thấy, có nhiều người vì để CV được "mười phân vẹn mười" mà tô vẽ nó quá đà, thổi phồng bản thân không đúng với thực lực.
"Em không trực tiếp làm mà chỉ phối hợp với các phòng ban khác"
Chị Ly chia sẻ với PV Dân trí nguyên tắc cụ thể của việc viết CV là vị trí ứng tuyển, điểm mạnh và điểm yếu. Yêu cầu của công ty tuyển dụng như thế nào thì ứng viên nên nghiêng điểm mạnh của mình về hướng đó nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, ứng viên cũng cần ghi nhớ rằng, CV phải được viết dựa trên cơ sở thực tế, bạn có thể dùng những từ ngữ hoa mỹ để miêu tả bản thân nhưng phải trung thực, không được nói dối.
"Mình từng phỏng vấn một bạn cho vị trí Facebook marketing (tiếp thị trên nền tảng Facebook). Hồ sơ xin việc của bạn ấy khá là đẹp, gây được ấn tượng tốt nên mình tiến hành phỏng vấn, nhưng đây mới thực sự là lúc mình "vỡ mộng" và phải thẳng tay loại ngay sau đó.
Bạn ấy ghi trong hồ sơ là từng có kinh nghiệm vận hành dự án truyền thông nào, đạt được hiệu quả và thành công ra sao. Đến khi mình hỏi cụ thể công việc bạn ấy đảm nhiệm thì nhận được câu trả lời là: "Em không trực tiếp làm mà chỉ phối hợp với các phòng ban khác".
Với vị trí mình tuyển dụng thời điểm đó thì yêu cầu nhân sự cần biết lên kế hoạch nội dung, chạy quảng cáo, nắm được insight (mong muốn, nhu cầu) của khách hàng. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn ấy làm được với vị trí này là viết content (nội dung)", chị Ly tâm sự.
Một câu chuyện khác mà chị Ly từng gặp trong khi tuyển dụng cũng khiến chị có nhiều lo ngại về sự thiếu trung thực của ứng viên. "Có bạn ghi trong CV là từng làm ở một tập đoàn lớn và có tiếng nhưng khi phỏng vấn thì mình lại "ngã ngửa" vì hóa ra bạn ấy chỉ thực tập ở đó, thậm chí là chưa từng có kinh nghiệm đi làm full-time (toàn thời gian)", chị chia sẻ.
Theo chị, đây chỉ nằm trong rất nhiều trường hợp của việc đánh bóng bản thân và tô vẽ quá mức trên hồ sơ ứng tuyển.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chị Ly nhận thấy phần lớn là do ứng viên chưa biết cách sắp xếp kinh nghiệm và điểm mạnh của mình một cách có hệ thống, hoặc là không rõ việc mình từng làm và có giá trị tương ứng như thế nào. Ngoài ra, cũng đến từ một số lý do khác như: áp lực cạnh tranh trong thị trường lao động, không tự tin về năng lực và kinh nghiệm của bản thân...
Làm thế nào để đánh giá năng lực thực sự của ứng viên?
Việc ứng viên "thổi phồng" CV có thể gây khó khăn và mất thời gian cho cả 2 bên trong quá trình tuyển dụng. Để đối phó với vấn đề này, chị Ly đã tiết lộ những cách giúp chị chọn lọc ra ứng viên có tài năng thực sự.
Sử dụng các công cụ và phần mềm kiểm tra CV
Theo chị Ly, sử dụng các công cụ và phần mềm kiểm tra CV có thể giúp phát hiện các từ khóa hay các thông tin được liệt kê trên hồ sơ ứng tuyển. Các công cụ và phần mềm này có thể đánh giá các yếu tố khác nhau trong đó, bao gồm độ dài, tính toàn vẹn, định dạng và sự chính xác của thông tin. Đây là cách mà chị đối phó trước tình trạng ứng viên "thổi phồng" CV.
Phỏng vấn qua điện thoại
Với số lượng lớn đơn xin việc cho một vị trí ứng tuyển, chị Ly thường chọn cách phỏng vấn qua điện thoại để vừa tiết kiệm thời gian, vừa có được đánh giá sơ bộ về ứng viên. Những cuộc phỏng vấn qua điện thoại còn giúp chị xác minh các thông tin về ứng viên, bao gồm kinh nghiệm làm việc, bằng cấp, kỹ năng và thành tựu được liệt kê trên đơn xin việc.
"Khi ứng viên đồng ý trả lời phỏng vấn qua điện thoại, mình sẽ đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Chỉ cần từ 3 đến 5 câu hỏi về chuyên môn, mình có thể đánh giá được mức độ đạt yêu cầu đến đâu. Qua đó cũng có thể đánh giá được tính cách, bao gồm khả năng làm việc trong nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, sự tự tin và kỹ năng giao tiếp", chị giải thích.
Yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra năng lực
Chị Ly cho hay: "Dù là phỏng vấn trực tiếp hay qua điện thoại thì quy trình tiếp theo sẽ là làm bài kiểm tra năng lực. Với vị trí nào cũng vậy, công ty mình sẽ có một bài kiểm tra bao gồm phần test IQ (kiểm tra chỉ số thông minh) và phần câu hỏi giải quyết vấn đề chuyên môn".
Theo quan điểm của chị Ly, bài kiểm tra năng lực có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng của ứng viên trong việc giải quyết các vấn đề thực tế, tư duy phân tích, trình độ kỹ thuật và tốc độ làm việc.
Tuy nhiên, với cương vị là người đứng đầu của một công ty, chị Ly cho rằng, những bài kiểm tra này chỉ là một phần trong quá trình tuyển dụng và không nên được coi là yếu tố quyết định duy nhất. Nhà tuyển dụng cũng cần phải kết hợp nhiều phương pháp đánh giá khác nhau để đảm bảo tính khách quan và đánh giá được toàn diện về năng lực, kinh nghiệm của ứng viên.