Những dấu hiệu cho thấy bạn đang tệ bạc với chính mình
(Dân trí) - Mối quan hệ bạn có với chính mình cũng có thể trở nên độc hại khi các khuôn mẫu và hành vi tiêu cực bắt đầu nảy sinh.
Trong số tất cả các mối quan hệ bạn có trong cuộc sống, mối quan hệ với chính bạn là quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao bạn cần giữ cho mối quan hệ này lành mạnh.
Bạn có thể cảm thấy mình hiểu rõ mình là ai và muốn gì trong cuộc sống nhưng bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình có thể có một số nhận thức hoặc thói quen không tốt cho bản thân hay chưa?
Học cách nhận biết liệu bạn có đang trong mối quan hệ độc hại với chính mình hay không có thể khó khăn, nhưng các chuyên gia nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra chúng để bạn không làm tổn hại bản thân.
Stephanie Moir, cố vấn sức khỏe tâm thần, cho biết: "Khi chúng ta không ưu tiên bản thân, chúng ta bắt đầu bỏ bê bản thân và nhu cầu của mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận, đối xử với chúng ta và cuối cùng dẫn đến hình ảnh tiêu cực về bản thân".
Leah Cohen, nhân viên của một tổ chức dịch vụ xã hội, chia sẻ: "Nếu bạn đang có mối quan hệ độc hại với chính mình, bạn có thể có xu hướng đổ lỗi hoặc cảm thấy tội lỗi trong lòng về cách bạn nhìn nhận hoặc đối xử với bản thân".
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang có mối quan hệ độc hại với chính mình:
Bạn luôn chỉ trích bản thân
Khi bạn mắc một lỗi nhỏ trong công việc hoặc nói điều gì đó đáng xấu hổ, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Khi bạn cười trừ, điều đó có thể cho thấy rằng bạn có một số kỹ năng đối phó lành mạnh, nhưng nếu bạn đang có mối quan hệ độc hại với chính mình, bạn có nhiều khả năng trở nên gay gắt về hành vi của mình.
Stephanie Moir, cố vấn sức khỏe tâm thần, nói: "Khi bạn không thể tha thứ cho sự không hoàn hảo hoặc lỗi lầm của bản thân, bạn có xu hướng mắc kẹt trong sự tiêu cực hoặc cảm giác xấu hổ và tội lỗi.
Nhận trách nhiệm khi bạn làm sai là điều quan trọng, nhưng cứ mãi nghĩ về nó và trừng phạt bản thân thì điều đó có thể dễ dàng trở thành một hành vi độc hại".
Biện minh cho những thói quen không lành mạnh
Khi bạn có mối quan hệ độc hại với chính mình, bạn sẽ dễ dàng sa vào những thói quen và chu kỳ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Maria Inoa, người làm việc trong ngành cải thiện chất lượng đời sống của cá nhân và cộng đồng xã hội, cho biết: "Mối quan hệ độc hại với bản thân là mối quan hệ tập trung vào cốt lõi của sự căm ghét bản thân chưa được chữa lành thay vì suy nghĩ "tôi đủ tốt và xứng đáng".
Cô ấy giải thích rằng điều này có thể dẫn đến những hành vi không lành mạnh, bao gồm các vấn đề lạm dụng chất kích thích, rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân.
Inoa nói: "Tự hủy hoại bản thân là một vấn đề lớn khác, cũng như việc chọn bạn bè và người yêu có những hành vi độc hại".
Khi bạn đang cư xử tệ với chính mình, bạn có thể coi những hành vi có hại hoặc tự hủy hoại bản thân này là chính đáng vì bạn không cảm thấy rằng mình xứng đáng được hạnh phúc hoặc khỏe mạnh.
Bạn hy sinh bản thân quá nhiều
Chắc chắn rằng bạn đã nghe rất nhiều về việc chăm sóc bản thân và tầm quan trọng của việc tích hợp nó vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Thực hành điều này có thể bao gồm thói quen tập thể dục thường xuyên, dọn dẹp nhà cửa hoặc luôn luôn tự chăm sóc sức khỏe, vẻ đẹp. Tuy nhiên nếu bạn có mối quan hệ độc hại với chính mình, bạn có thể đi theo hướng khác.
Tiến sĩ Joshua Klapow, nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách Mental Drive, nói rằng, việc liên tục hy sinh nhu cầu của mình vì người khác trong khi nảy sinh sự cáu kỉnh, oán giận và kiệt quệ về thể chất có thể cho thấy mối quan hệ độc hại với bản thân.
Nếu bạn liên tục cố gắng làm cho người khác hạnh phúc trong khi bỏ bê sức khỏe tinh thần của chính mình, thì bạn sẽ không thể giữ được một nền tảng lành mạnh và ổn định trong cuộc sống của mình.
Có một câu nói: "Bạn không thể rót từ một chiếc cốc rỗng". Câu nói này thường được dùng khi có ai đó dành hết thời gian và năng lượng của mình cho người khác, mà quên mất việc chăm sóc cho bản thân mình.
Bạn có lòng tự trọng thấp
Bạn đã bao giờ nói xấu bản thân hoặc tin rằng mình là người xấu hoặc không xứng đáng chưa?
Cohen, người làm việc trong ngành cải thiện chất lượng đời sống của cá nhân và cộng đồng xã hội, nói rằng, nếu bạn nghĩ rằng bạn có khiếm khuyết, vô giá trị hoặc không xứng đáng được yêu thương nghĩa là bạn có lòng tự trọng và sự tự tin rất thấp - đó là dấu hiệu rõ ràng của mối quan hệ độc hại với bản thân.
Sự căm ghét bản thân, như Klapow gọi, chứng tỏ rằng bạn đã nuôi dưỡng lòng căm thù hoặc sự xấu hổ khiến bạn nhìn nhận bản thân theo cách tiêu cực và thậm chí có khả năng đối xử với bản thân theo cách đó.
Nếu bạn thường xuyên nhìn vào gương và tự sỉ nhục mình, coi mình là kẻ ngu ngốc hoặc kém cỏi hoặc nếu bạn cảm thấy rằng mình không xứng đáng nhận được bất kỳ lòng tốt hay lòng trắc ẩn nào thì nghĩa là bạn đang đối xử tệ bạc với chính mình.
Bạn tìm kiếm sự xác thực từ bên ngoài
Nhận được lời khen, lời khích lệ từ người thân có thể khiến bạn cảm thấy được công nhận và đánh giá cao. Một sự thăng tiến hoặc giải thưởng trong công việc cũng có thể làm tăng sự tự tin của bạn.
Klapow nói rằng nếu bạn không thể tự làm điều này mà thay vào đó thường xuyên dựa vào người khác để khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân thì bạn nhiều khả năng đang thiếu đi sự tự tin.
Nếu đây là trường hợp của bạn thì bạn cần phải thực hiện một số cách để tự yêu bản thân và loại bỏ những kiểu suy nghĩ độc hại đó.
Khi bạn nhận ra mình đang cư xử tệ với chính mình, bạn nên thực hành những điều như tự nói chuyện tích cực, thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh đồng thời nâng cao lòng tự trọng bên trong của bạn.
Nếu không thể làm điều này, Cohen nói rằng, mối quan hệ độc hại mà bạn có với chính mình có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác trong cuộc sống của bạn.
Để giải quyết những hành vi này, Inoa cũng khuyên bạn nên dựa vào những người yêu thương bạn. Nhờ họ hỗ trợ khi bạn bắt đầu hành trình chữa bệnh của mình.
Leah Cohen, người làm việc trong ngành cải thiện chất lượng đời sống của cá nhân và cộng đồng xã hội, nói: "Có một mối quan hệ độc hại với bản thân có thể ảnh hưởng xấu đến bất kỳ người tốt, khỏe mạnh nào. Vì thế những người thực sự quan tâm đến bạn sẽ cố gắng giúp bạn".
Để tìm ra những công cụ và kỹ năng đối phó mà bạn có thể cần để bắt đầu cải thiện mối quan hệ với chính mình, Cohen khuyên bạn nên thử trị liệu. Dù bạn đi theo con đường nào, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên nhẹ nhàng với chính mình.
Như Cohen nói: "Thực hành lòng trắc ẩn và trau dồi khả năng tự nhận thức tích cực có thể giúp bạn thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực chi phối mối quan hệ của bạn với chính mình".