Làm gì khi công việc khiến bạn trầm cảm nhưng không thể từ bỏ?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Phải làm sao khi bạn cảm thấy bế tắc trong công việc nhưng vì tiền, vì không còn lựa chọn khác nên bạn không thể xin thôi việc.

Có rất nhiều lý do khiến một người cảm thấy bế tắc trong công việc và sự bế tắc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mọi người. Có những người trầm cảm vì công việc và có những người lại kiệt sức. Vậy sự khác biệt giữa hai vấn đề đó là gì?

Tiến sĩ khoa học thần kinh Philip Brandner tới từ Hà Lan cho biết, trầm cảm và kiệt sức là khác nhau. Người trầm cảm và người kiệt sức đều thiếu năng lượng và mất ngủ nhưng trầm cảm được coi là một rối loạn tâm trạng lớn hơn.

Triệu chứng của người trầm cảm là luôn chán nản mỗi ngày, thờ ơ với mọi việc, giảm cân hoặc tăng cân đáng kể, chậm lại trong chuyển động và suy nghĩ, mệt mỏi và mất năng lượng, thường có cảm giác vô dụng và tội lỗi, khó tập trung.

Tiến sĩ Philip Brandner chia sẻ, trầm cảm liên quan đến công việc đôi khi có thể là kết quả của sự không phù hợp giữa một người và công việc của họ còn kiệt sức thường là kết quả của tình trạng căng thẳng mãn tính dẫn đến kiệt sức và thiếu kết nối với công việc.

Công việc gây stress nhưng nhiều người vẫn không thể bỏ việc vì những lý do phổ biến như: Người đó cần tiền, phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của người khác, cần có bảo hiểm y tế hoặc không có lựa chọn nào để thay thế cho công việc hiện tại.

Làm gì khi công việc khiến bạn trầm cảm nhưng không thể từ bỏ? - 1

Khi kiệt sức vì công việc, bạn nên tìm cho mình những giải pháp cụ thể (Ảnh minh họa: iStock).

Tiến sĩ Philip Brandner gợi ý những cách để đối phó với một công việc khiến bạn chán nản, mệt mỏi:

Đừng bỏ cuộc ngay

Dù công việc tệ hại thì bạn cũng đừng "bốc đồng" mà bỏ cuộc ngay lập tức. Có thể có một lý do tạm thời khiến bạn cảm thấy chán nản. Có thể công việc căng thẳng hoặc bạn cảm thấy mất kết nối với đồng nghiệp.

Trước khi tìm kiếm công việc mới, hãy xem liệu bạn có thể nói chuyện với cấp trên và gia đình về cảm giác của mình hay không. Thảo luận về vấn đề của bạn và nhờ mọi người góp ý đưa ra những giải pháp ngắn hạn.

Tất cả chúng ta đều có những khoảng thời gian tồi tệ, điều đó là hoàn toàn bình thường. Mọi thứ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn cảm thấy chán nản trong nhiều tuần, nhiều tháng mà không có dấu hiệu thay đổi hay cải thiện.

Cải thiện môi trường làm việc của bạn

Đôi khi công việc khiến chúng ta quá tải và sự căng thẳng, áp lực đó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần.

Có thể bạn đang phải đảm nhận ngày càng nhiều công việc, hoặc một dự án mới đang mở rộng khiến bạn cảm thấy quá tải.

Dù sao, hãy tìm cách cải thiện môi trường làm việc của bạn. Có thể yêu cầu giảm khối lượng công việc hoặc thay đổi trách nhiệm, phân chia rõ ràng về công việc và đề ra ranh giới của bạn.

Tập trung vào những thứ bên ngoài công việc

Có lẽ không phải mọi người đều cảm thấy công việc thú vị. Bạn và nhiều người không cảm thấy đó là phần quan trọng nhất trong cuộc sống.

Bạn có suy nghĩ như vậy cũng không sao. Hãy cố gắng tìm ra những điều bạn yêu thích và quan tâm bên ngoài công việc. Đây có thể là một động lực, niềm vui, hạnh phúc giúp bạn được tiếp thêm năng lượng và quên đi những áp lực, mệt mỏi trong công việc.

Nghỉ ngơi nếu cần

Nếu mọi thứ tồi tệ tới mức khiến bạn kiệt sức thì có lẽ đã đến lúc bạn nên ngắt kết nối với công việc. Hãy nghỉ ngơi một thời gian ngắn nếu bạn thấy cần. 

Bạn hoàn toàn được quyền xin nghỉ phép để tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Đôi khi chúng ta đã cố gắng quá sức và khiến bản thân cạn kiệt năng lượng. Cách duy nhất để lấy lại sức khỏe cả về thể chất và tinh thần là dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn.

Thay đổi nghề nghiệp

Nếu bạn đã thử mọi cách như trên mà vẫn thất bại. Hãy chấp nhận sự thật rằng công việc hiện tại không tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Khi đó, hãy phân tích cụ thể xem công việc hiện tại của bạn có đáng để mạo hiểm và hy sinh nhiều tới vậy hay không? Nếu không, và bạn đã có một chiến lược tài chính phù hợp, thì việc tốt nhất bạn có thể làm là từ bỏ và tìm kiếm cơ hội mới ở một nơi khác.

Khi chúng ta dành rất nhiều thời gian để cố gắng sửa chữa một thứ gì đó đã bị hỏng hóc mà không sửa chữa được thì ta buộc phải từ bỏ món đồ đó. Công việc cũng vậy. Khi bạn đã thử mọi cách nhưng vẫn không thể chịu đựng được nữa nghĩa là đã đến lúc bạn cần rời đi để cải thiện và phục hồi sức khỏe của bạn. Suy cho cùng, sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất của mỗi người.

Theo Career