Người trẻ ngao ngán tiệc tất niên vì "chú không uống là không nể anh"

Lê Anh Thư

(Dân trí) - Nhiều người thường nói vui rằng: "Không sợ deadline, chỉ sợ tiệc tất niên", vì quá ngán ngẩm với các buổi tiệc tất niên của công ty mình.

Year End Party (YEP) còn được hiểu là buổi tiệc tất niên, được ngày càng nhiều tổ chức doanh nghiệp coi như một sự kiện thường niên. Đây là dịp để lãnh đạo tri ân những đóng góp của nhân viên trong suốt một năm, cũng như tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong tổ chức, công ty.

Thế nhưng, nhiều người ám ảnh bữa tiệc tất niên của công ty mình tới mức thường nói vui rằng "Không sợ deadline, chỉ sợ tiệc tất niên".

"Chú không uống là không nể anh"

Anh Tuấn Đạt (23 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Mình bị đau dạ dày, phải hạn chế đồ uống có cồn. Nhưng đi tiệc công ty khó tránh khỏi việc phải tiếp rượu khách".

Người trẻ ngao ngán tiệc tất niên vì chú không uống là không nể anh - 1
Tuấn Đạt ám ảnh việc bị ép rượu trong buổi tiệc tất niên (Ảnh: NVCC).

Theo Đạt chia sẻ, biết mình không thể uống nhiều rượu, anh luôn ăn nhẹ, uống thuốc trước khi nhập tiệc. Khi cảm thấy không thể cố thêm, Đạt chủ động xin phép không uống nữa. "Nhưng nhiều người vẫn cố rót đầy chén, không quên bồi thêm: "Chú không uống là không nể anh", anh nói.

Anh bộc bạch: "Mình thực sự ám ảnh với việc bị ép rượu trong mỗi dịp tất niên. Cuối năm, chúng ta thường có tâm lý được "bung, xõa" sau một năm làm việc vất vả. 

Thế nhưng, uống một ly là người uống rượu, uống 2 ly là ly uống ly, uống 3 ly là ly uống người. Việc ép rượu khiến đối phương trở nên khó xử, hơn hết là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sự an toàn của mỗi người".

Ám ảnh tập văn nghệ, múa hát

"Tốn thời gian, mệt mỏi" là những gì chị Hoàng Thủy (35 tuổi, Hà Nội) nói về việc tập văn nghệ, múa hát cho bữa tiệc tất niên của cơ quan. 

Chia sẻ với PV Dân trí, chị nói: "Tổ chức văn nghệ cũng có cái hay, đó là phát hiện ra tài lẻ của anh em trong cơ quan. Tuy nhiên, việc tổ chức tập văn nghệ, múa hát phải xây dựng trên tinh thần tự nguyện chứ không phải cưỡng ép.

Người trẻ ngao ngán tiệc tất niên vì chú không uống là không nể anh - 2
Chị Thủy khẳng định tổ chức tập văn nghệ không xấu, nhưng phải trên tinh thần tự nguyện (Ảnh: NVCC).

Mình đã có gia đình và con nhỏ. Đi làm xong về đón con, cơm nước đã tất bật rồi. Nghĩ đến cảnh chồng con ở nhà đợi dài cổ, mẹ vẫn phải ở chỗ làm nhảy nhót, múa hát mà sốt ruột".

Minh Trang (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình từng tham gia đội văn nghệ của công ty. Ngoài tập văn nghệ còn phải in ấn, tổng duyệt. Tới ngày diễn còn không được ngồi ăn uống thoải mái". 

Với Trang, tiệc tất niên là dịp mọi người cùng nhau ăn uống, trò chuyện để gắn kết hơn. Vì vậy, những năm tiếp theo cô từ chối tham gia tập văn nghệ cho tiệc tất niên của công ty mình. 

Người trẻ ngao ngán tiệc tất niên vì chú không uống là không nể anh - 3
Minh Trang đã từng tham gia diễn văn nghệ trong tiệc tất niên của công ty (Ảnh: NVCC).

Ví tiền "bay" theo dress code

Hà Linh (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, công ty cô thường tổ chức tiệc tất niên với quy mô khá lớn. Cùng với đó, buổi tiệc cũng có yêu cầu về trang phục riêng. Tất cả thành phần tham dự buổi tiệc đều phải tuân theo dress code (quy tắc ăn mặc). 

Người trẻ ngao ngán tiệc tất niên vì chú không uống là không nể anh - 4

Hà Linh tốn không ít tiền để theo dress code của mỗi buổi tiệc (Ảnh: NVCC).

Cô chia sẻ: "Mỗi lần sẽ có yêu cầu màu sắc, kiểu dáng trang phục khác nhau. Vì vậy, mình vẫn phải đi mua đồ mới, làm móng, tóc và thuê trang điểm sao cho phù hợp. Mỗi lần như vậy "ngốn" không ít chi phí của mình. Nhưng muốn đẹp phải chấp nhận thôi".

"Năm hết Tết đến, mình cũng phải chi khá nhiều khoản như sắm Tết cho gia đình, mua quà biếu sếp, chuẩn bị tiền mừng tuổi các em, các cháu trong nhà… Những chi phí ngày thường tưởng như không đáng bao nhiêu ấy, giờ lại khiến mình phải trăn trở, tìm cách cân đối sao cho hợp lý", Linh bộc bạch.