Người trẻ Hàn Quốc bị ép buộc phải tham gia các cuộc ăn nhậu tập thể

Nhật Chung

(Dân trí) - Theo The Korea Herald, "hoesik" là cách gọi của văn hóa ăn nhậu sau giờ làm hoặc đi chơi vào cuối tuần ở Hàn Quốc. Các buổi giao lưu này được xem là nét đặc trưng trong văn hóa công sở tại xứ kim chi.

Tháng 4/2022, Hàn Quốc đã gỡ bỏ mọi biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 và lệnh giới nghiêm đối với các nhà hàng. Điều này đánh dấu sự trở lại của "hoesik" - một khía cạnh lâu đời của văn hóa công sở tại quốc gia này.

Theo The Korea Herald, "hoesik" là cách gọi của văn hóa ăn nhậu sau giờ làm hoặc đi chơi vào cuối tuần ở Hàn Quốc. Các buổi giao lưu này được xem là nét đặc trưng trong văn hóa công sở tại xứ kim chi. Thực tế cho thấy, hoesik đang gây ra bất đồng quan điểm khá gay gắt giữa các thế hệ.

Những bữa tiệc khó từ chối

Giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang Kwang Yeong Shin cho biết: "Trước đây, hoesik được coi là một hoạt động thúc đẩy sự đoàn kết tập thể. Ngày nay, những người lao động trẻ coi hoesik là công việc ngoài giờ".

Với nhiều người thuộc thế hệ MZ (sự kết hợp giữa thế hệ Millennial và Gen Z), các buổi tụ tập có xu hướng "củng cố một nền văn hóa độc đoán và ngày càng nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi không muốn tham gia nữa" - theo Yoon Duk Hwan, nhà nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, đồng tác giả của "Xu hướng Hàn Quốc 2019" (2019 Korean Trends).

Người trẻ Hàn Quốc bị ép buộc phải tham gia các cuộc ăn nhậu tập thể - 1
Phần lớn nhân viên trẻ tại xứ sở kim chi coi các cuộc nhậu sau giờ làm là "công việc ngoài giờ". (Ảnh: Getty Images)

Eric Seo (30 tuổi, giám đốc công ty khởi nghiệp) chia sẻ rằng, anh may mắn không phải trải nghiệm văn hóa hoesik. "Phần lớn chúng tôi còn trẻ và không cần phải tuân theo văn hóa truyền thống. Việc ra ngoài ăn tối là điều bình thường và ta hoàn toàn có thể từ chối", anh nói.

"Văn hóa công sở đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 21, bộc lộ sự cá nhân hóa đáng kể trong thế hệ trẻ", giáo sư Kwang Yeong Shin cho biết.

Tuy nhiên, bạn bè của Seo - những người đang làm việc tại công ty - vẫn duy trì văn hóa hoesik. Họ chưa dám từ chối lời mời đi ăn sau giờ làm của cấp trên.

"Nếu không đi ăn cùng sếp và đồng nghiệp, họ sẽ bị coi là "không phù hợp" với văn hóa công ty. Điều đó có thể khiến họ lạc lõng và bị bỏ rơi ở nơi làm việc", Seo nói thêm.

Người trẻ Hàn Quốc bị ép buộc phải tham gia các cuộc ăn nhậu tập thể - 2
Văn hóa hoesik không được giới trẻ Hàn Quốc hưởng ứng mạnh mẽ. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù người lao động trẻ có cái nhìn tiêu cực đối với hoesik, Suh Yong Gu, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết: "Nhiều nhân sự cấp cao vẫn tin rằng những cuộc tụ họp là cần thiết để xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp".

"Hoesik không chỉ là những giờ say xỉn vô bổ mà còn là một cách để giúp giao tiếp và củng cố tinh thần đồng đội", Chae (40 tuổi) nói.

Người Hàn Quốc đã buộc phải xem xét vai trò của văn hóa hoesik khi đại dịch xảy ra. Tháng 7/2021, chính quyền Hàn Quốc đã ban hành lệnh hạn chế cấp độ 4 ở thủ đô Seoul và các khu lân cận để hạn chế sự bùng phát của biến chủng Delta. Các cuộc tụ tập sau 18h chỉ có hai người, quán bar đóng cửa và ít nhất 30% nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà.

Đối với nhiều người ưa chuộng làm việc tại nhà, văn hóa nơi làm việc theo hướng đại dịch là một trong số ít tác dụng phụ tích cực của Covid-19. Trước dịch, nhiều người phải làm thêm giờ với 52 giờ/tuần mà vẫn bị yêu cầu đi chơi sau giờ làm.

Theo cuộc khảo sát vào tháng 4 của trang web tìm kiếm việc làm Incruit, 65,6% và 71,2% người ở độ tuổi 20-30 chọn không uống rượu vào bữa ăn. Ngược lại, 68,7% người trên 50 tuổi thích ăn tối kèm đồ uống có cồn và 31,3% không ủng hộ.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo hướng dẫn được Bộ Lao động và Việc làm công bố năm 2018, về mặt pháp lý, hoesik không phải phần bắt buộc của công việc. Do đó, người lao động không được trả lương làm thêm giờ dù bị sếp ép tham gia.

Mặc dù mục đích chính là thúc đẩy sự gắn kết trong nội bộ các công ty, văn hóa này tiềm ẩn không ít rủi ro.

Người trẻ Hàn Quốc bị ép buộc phải tham gia các cuộc ăn nhậu tập thể - 3
Từ lâu, văn hóa hoesik đã được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống của các nhân viên văn phòng Hàn Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Tháng 5/2021, một người đàn ông gặp tai nạn và tử vong khi lái xe trong tình trạng say rượu. Trước đó, anh tham gia tiệc nhậu với sếp. Tòa án Seoul nhận định đây nên được coi là tai nạn lao động theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn lao động.

"Nạn nhân mới đảm nhận công việc này 70 ngày nên không thể từ chối đi nhậu với cấp trên. Rất khó để nói tai nạn này không liên quan đến hoesik", Tòa án Seoul cho hay.

Tháng trước, Tòa án Seoul cũng phán quyết cái chết của một nhân viên văn phòng sau khi ăn tối với đối tác của công ty là tai nạn nghề nghiệp.

"Ngay cả khi công ty không bắt buộc, nhân viên cũng phải có mặt ở đó để giữ mối quan hệ tốt với các đối tác", tòa khẳng định.

"Hoesik" cũng có thể tạo tiền đề cho những sự việc đáng tiếc liên quan đến quấy rối tình dục.

Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, quấy rối tình dục xảy ra nhiều nhất tại các bữa nhậu vào năm 2015 và 2018.

Cuộc khảo sát gần đây chỉ ra tỷ lệ người lao động từng bị quấy rối tình dục giảm mạnh, từ 8,1% năm 2018 xuống 4,8% năm 2021. Kết quả này được cho là do văn hóa hoesik không diễn ra thường xuyên trong đại dịch.

Người trẻ Hàn Quốc bị ép buộc phải tham gia các cuộc ăn nhậu tập thể - 4
Văn hóa hoseik tiềm ẩn không ít mối nguy hiểm. (Ảnh: iStock)

Các tiền lệ pháp lý cho thấy hành vi ép uống rượu có thể coi là quấy rối tình dục. Năm 2008, Tòa án Tối cao kết luận một người đàn ông phạm tội quấy rối tình dục vì ép các nhân viên nữ ở CLB golf làm hành động này với mình. Anh ta đã bị phạt 3 triệu won.

Tuần trước, Tòa án quận Incheon ra phán quyết đối với cựu hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hàn Quốc với cáo buộc quấy rối cấp dưới và ép cô uống rượu giao bôi với đồng nghiệp nam.

Theo Tòa án, "với tư cách là hiệu trưởng, lẽ ra bị cáo phải nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục. Thay vào đó, ông ta lại lạm dụng chức vụ để quấy rối nhân viên". Tòa cho rằng việc sa thải cựu hiệu trưởng là chính đáng.

Theo www.insider.com