DNews

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để "đu" thần tượng?

PV

(Dân trí) - "Cày view", mua thẻ bo góc... luôn được cho là việc cần làm của người hâm mộ thần tượng Hàn Quốc chân chính.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để "đu" thần tượng?

Hâm mộ thần tượng là văn hóa khá phổ biến trong giới trẻ. Hiện nay, fan Kpop (cộng đồng những người đam mê văn hóa - giải trí Hàn Quốc) có nhiều cách để thể hiện tình cảm của mình với ngôi sao yêu thích.

"Cày view" cho video âm nhạc

Đối với người hâm mộ Kpop, "cày view" (tăng lượt xem) không còn là thuật ngữ xa lạ. Giờ đây, lượt xem MV (video âm nhạc) được xem như bằng chứng cho độ phổ biến và danh tiếng của thần tượng.

Mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, người hâm mộ lại lập thành nhiều nhóm để cùng nhau cày view cho idol (thần tượng) của mình. Các fan sẽ mở nhiều thiết bị, trình duyệt với mong muốn tăng lượt xem cho MV một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Xem MV cũng là cách để những người hâm mộ nhỏ tuổi hay chưa tự chủ tài chính thể hiện tình yêu với thần tượng. Bên cạnh đó, lượt xem video âm nhạc cũng là yếu tố giúp idol có cơ hội nhận giải thưởng tại các chương trình âm nhạc và lễ trao giải cuối năm.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 1

"DDU-DU DDU-DU" của Blackpink là MV thu hút 2 tỷ lượt xem tính tới thời điểm hiện tại, chỉ đứng sau "Gangnam Style" của "ông hoàng YouTube" PSY tại Kpop (Ảnh: @blackpink).

Mua các món đồ liên quan đến thần tượng

Trong cộng đồng fan Kpop, các món vật phẩm liên quan đến thần tượng được mở bán dưới nhiều thể loại khác nhau, từ album, lightstick (gậy cổ vũ), gấu bông, áo phông hay thậm chí là nước hoa...

Trong đó, album âm nhạc là một trong những vật phẩm được fan Kpop mua nhiều nhất vào mỗi đợt thần tượng comeback (quay trở lại với sản phẩm mới nhất). Nhiều người hâm mộ không ngần ngại chi hàng chục triệu đồng để mua album của thần tượng.

Càng mua nhiều album, fan càng có cơ hội trúng tấm vé tham dự sự kiện fansign (buổi ký tặng album) - nơi người hâm mộ có thể trực tiếp tương tác với thần tượng của mình.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 2

Để có thể tương tác và nói chuyện trực tiếp với idol, nhiều người hâm mộ không ngần ngại "xuống tay" hàng chục triệu đồng để mua album (Ảnh: NVCC).

Trào lưu sưu tầm "thẻ bo góc"

"Thẻ bo góc" hay photocard là cách cộng đồng người hâm mộ Kpop hay dùng để gọi những tấm thẻ in ảnh thần tượng của mình. Đây là sản phẩm thường được đi kèm trong mỗi cuốn album hay một số ấn phẩm khác của idol.

Với những tấm thẻ bo góc, độ hiếm và độ "đẹp" là yếu tố quyết định giá tiền. Nhiều fan yêu thích sưu tầm, chi vài triệu đồng để săn lùng một tấm thẻ bo góc là điều khá bình thường.

"Đối với tôi, photocard không chỉ để ngắm và trưng bày, nhất là với những tấm có độ hiếm cao, chúng còn là một khoản đầu tư", Bùi Mỹ Linh (SN 2001) chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 3

Trong cộng đồng người hâm mộ Kpop, giá của những chiếc "thẻ bo góc" có thể lên tới hàng triệu đồng, tùy thuộc vào độ hiếm (Ảnh: NVCC).

Tham gia hoạt động giao lưu trong fandom

Đối với fan Kpop, việc giao lưu trong fandom (cộng đồng những người hâm mộ) thường được tổ chức thông qua các buổi gặp mặt, nhất là vào dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày ra mắt của thần tượng.

Tại những buổi gặp mặt như vậy, fan sẽ cùng nhau trò chuyện, chụp ảnh, chơi trò chơi để nhận thưởng và biểu diễn các tiết mục cover (tái hiện lại vũ đạo hoặc bài hát) của idol.

Đây là hoạt động giúp gắn kết của cộng đồng fan Kpop, tạo ra không gian thân thiện và sôi nổi. Các fan có cơ hội chia sẻ tình yêu, sự ủng hộ đối với thần tượng của mình, cùng nhau trải nghiệm những khoảnh khắc đáng nhớ.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 4

Hoạt động giao lưu của fandom được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau, với mục đích tăng sự gắn kết giữa cộng đồng người hâm mộ (Ảnh: NVCC).

Đón thần tượng ở sân bay, khách sạn

Đón thần tượng tại sân bay có thể coi là văn hóa của cộng đồng người hâm mộ Kpop. Mỗi khi thần tượng có chuyến lưu diễn tới Việt Nam, những hoạt động chào mừng sẽ được nhiều fandom tổ chức, vừa để thể hiện sự chào đón, vừa giúp người hâm mộ được nhìn idol ở khoảng cách gần.

Tại đây, nhóm fan sẽ đến từ sớm, chuẩn bị banner tự thiết kế (tấm biểu ngữ) ghi dòng chữ "Chào mừng đến Việt Nam"... để phát cho những người hâm mộ khác và chờ đợi idol với tâm trạng háo hức.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 5

Đón thần tượng ở sân bay là cách thể hiện tình cảm và sự chào đón của người hâm mộ (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh sân bay, khách sạn là nơi fan dễ dàng gặp được thần tượng nhất.

Với mong muốn được nhìn thấy trực tiếp idol ở vị trí gần, nhiều người không ngại dành thời gian, di chuyển đến khách sạn thần tượng ở và đợi đến khi họ xuất hiện theo lịch trình đã có sẵn.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 6

Không đông đúc như sân bay, khách sạn cũng là địa điểm quen thuộc cho những người hâm mộ muốn gặp trực tiếp thần tượng của mình (Ảnh: NVCC).

Tham gia các buổi lưu diễn của thần tượng

Đi xem concert (buổi biểu diễn) của thần tượng là ước mơ của hầu hết người hâm mộ. Để được ngắm idol "bằng xương bằng thịt" cũng như xem biểu diễn trực tiếp, nhiều fan không ngại chi tiền và thời gian để tham gia các buổi lưu diễn này.

"Tôi có thể tự chủ tài chính, sắp xếp thời gian của mình để đi concert. Điều này không gây ảnh hưởng tới bất kỳ ai và những hoạt động khác của cuộc sống", Nguyễn Mai Trinh (SN 2001, từng sang Thái Lan xem concert của nhóm ENHYPEN) chia sẻ.

Ngoài mua vé hàng chục triệu đồng, fan Kpop còn làm gì để đu thần tượng? - 7

Đi xem concert thần tượng là ước mơ của nhiều người hâm mộ Kpop (Ảnh: NVCC).

Mai Trinh cho biết thêm, trong 10 năm tiếp xúc với Kpop, việc "đu" thần tượng mang lại nhiều giá trị tinh thần từ âm nhạc, giúp cô có nhiều động lực để học tập và làm việc hơn.

Không chỉ vậy, Kpop còn đem đến cho nữ sinh SN 2001 nhiều người bạn mới, giúp cô mở rộng mạng lưới xã hội và tìm thấy sự đồng cảm từ những người có cùng sở thích.

Có thể nói, hâm mộ Kpop không chỉ là nghe nhạc, mua album hay những thú vui "phù phiếm", nhiều fandom đã đứng lên đại diện cho những hoạt động quyên góp ý nghĩa.

"Tôi nghĩ rằng, miễn là không vi phạm pháp luật, mọi sở thích cá nhân đều xứng đáng được tôn trọng", Trinh nói.