"Nghiện" điện thoại quá mức, học sinh Trung Quốc sẽ đánh mất tương lai?

PV

(Dân trí) - Không có sự giám sát của bố mẹ, hàng triệu học sinh nông thôn Trung Quốc đang rơi vào tình trạng mất tập trung vì sử dụng điện thoại di động quá nhiều.

Tại Trung Quốc, khoảng 6 triệu học sinh nông thôn hiện nay "bị bỏ lại" vì hầu hết phụ huynh đều đi làm xa quê.

Đắm chìm trong "vực thẳm" công nghệ

Li Xiaofeng sinh ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 2018, bố mẹ Li gửi anh về quê sống một mình.

Những ngày cuối tuần, Li tìm thấy niềm vui trong các video ngắn và trò chơi điện tử trên di động. Điện thoại là kết nối duy nhất của anh với thế giới bên ngoài.

Nhưng trường luôn cắt điện ký túc xá lúc 11h đêm, Li đã lén mang điện thoại và chỉ chơi khi mọi người đi ngủ.

Nghiện điện thoại quá mức, học sinh Trung Quốc sẽ đánh mất tương lai? - 1
Trẻ em mải mê chơi điện thoại di động ở Trung Quốc (Ảnh: VCG).

Li cho hay: "Những giây phút hạnh phúc nhất khi ở nội trú là chơi điện tử và xem các đoạn video ngắn".

Li thường thức đến 2-3h sáng và chỉ dậy vài giờ sau đó theo báo thức cố định của trường. Hầu hết hoạt động ban ngày bị ảnh hưởng vì anh luôn ngủ trong các tiết học.

Năm 2020, chàng trai Trung Quốc bị tịch thu điện thoại khi đang sử dụng trong khuôn viên trường. Bố mẹ anh biết chuyện nhưng không trách phạt, chỉ phàn nàn.

Sau đó, Li được mua đồng hồ thông minh để giữ liên lạc. Điều đó là chưa đủ với anh.

Mỗi tháng, Li được cho khoảng 3,3 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Anh đã tiết kiệm tiền mua điện thoại mới vì không thể sống thiếu nó.

"Tuy không liên lạc nhiều, tôi vẫn cần điện thoại để giải trí và "giết" thời gian. Tôi không biết sẽ làm gì nếu không có điện thoại", Li nói.

Khi còn ở Bắc Kinh, Li dành toàn bộ thời gian để khám phá lĩnh vực kỹ thuật số. Không chỉ vậy, nhiều lần, anh lén mang và sử dụng điện thoại ở trường nên bị đuổi học.

Vì thế, gia đình đã đăng ký cho nam sinh học tại một trường tư thục. Nhưng kết quả học tập của anh kém đến mức trường quyết định trả hồ sơ.

Ảnh hưởng của việc "nghiện công nghệ"

Theo Sixth Tone, Fan Yan và chồng làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc), còn 3 người con trai ở Giang Tô. Vợ chồng cô không thể dạy kèm nên đã gửi các con đến trường tư thục tốt nhất, dù học phí khá đắt.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng lên, Fan mua điện thoại thông minh cho người con lớn để học trực tuyến. Trái với sự mong đợi, thành tích con cô từ hạng 300-400 lên thứ 800 (xếp hạng thấp ở Trung Quốc). Từ khi có điện thoại, con luôn chơi điện tử nên đã trượt kỳ thi trung khảo.

Con trai thứ hai của Fan (13 tuổi) cũng có điện thoại di động để phục vụ cho việc học trực tuyến. Giống như anh trai, người con này cũng hay thức khuya để chơi điện tử.

Fan tâm sự, cô không thể ngừng sử dụng điện thoại ngay cả khi đang cho con út ăn.

Cô lo lắng: "Làm thế nào để các con có thể sử dụng điện thoại một cách hợp lý?".

Cuộc khảo sát của Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) cho biết, việc "nghiện" điện thoại di động có thể ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh.

Tại một trường trung học cơ sở, 30% học sinh có thị lực kém. Còn ở một trường khác, khoảng 2/3 học sinh phải đeo kính.

Ngoài ra, giáo viên quan sát thấy học sinh thiếu tập trung trên lớp. Các em luôn chờ đợi đến cuối tuần để có thể dùng điện thoại di động.

Thực trạng đáng báo động

Năm 2018, chính quyền Trung Quốc cấm học sinh cấp 1 và cấp 2 sử dụng thiết bị điện tử trong trường để ngăn chặn tình trạng "nghiện" điện thoại di động.

Đến năm 2021, quốc gia này giới hạn trẻ vị thành niên chỉ được chơi điện tử trực tuyến một tiếng cuối tuần. Theo báo cáo, một năm sau đó, Trung Quốc ghi nhận có ít hơn 40 triệu trẻ vị thành niên tham gia trực tuyến.

Theo các nhà nghiên cứu, hơn 40% học sinh sử dụng điện thoại và nửa số đó dùng của ông bà. Khoảng 21,3% phụ huynh lo sợ việc con mình "nghiện" điện thoại sẽ ảnh hưởng đến tương lai.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc dạy học trực tuyến đã khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu ở Đại học New York Thượng Hải nhận thấy, tác động của điện thoại lan rộng đối với học sinh toàn quốc.

Nghiện điện thoại quá mức, học sinh Trung Quốc sẽ đánh mất tương lai? - 2

Một nữ sinh đặt điện thoại dưới ngăn bàn học để chơi điện tử (Ảnh: VCG).

He Ran hiện công tác tại một tổ chức phi chính phủ, chuyên theo dõi cuộc sống của những đứa trẻ "bị bỏ rơi".

Cô chia sẻ với Sixth Tone, nhiều phụ huynh như bố mẹ của Li chưa nhận thức được sự nguy hiểm mà điện thoại di động gây ra. "Họ tin rằng, trẻ em có thể học được nhiều điều từ các video trên mạng", cô nói.

He Ran cho biết, những người lao động thường không nói chuyện với con họ. Dựa trên sự quan sát, cô nhận thấy, nhiều đứa trẻ thiếu vắng bố mẹ sẽ bị phụ thuộc vào điện thoại di động.

Góc nhìn khác về việc sử dụng điện thoại

Trong 20 năm qua, hàng nghìn thanh thiếu niên Trung Quốc đã bị gán mác "nghiện mạng xã hội" và bị đưa vào các trung tâm phục hồi chức năng.

Trao đổi với Sixth Tone, Tang - một giáo viên ở Trung tâm Phục hồi chức năng Quande - cho biết, trẻ em "nghiện" bất kỳ thiết bị nào đều có vấn đề cơ bản giống nhau.

"Tất cả được phân loại là nghiện mạng xã hội, dù sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính. Đó là một loại bệnh tâm thần", Tang nói.

Trung tâm hiện có 30 học viên theo học chương trình phục hồi chức năng. Hầu hết là học sinh cấp 2 và số ít là học sinh tiểu học.

Anh tiết lộ: "Lượng học sinh đã thấp hơn đáng kể so với những năm trước".

Theo Li Angran - trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, điều quan trọng nhất là hướng dẫn trẻ em cách sử dụng thiết bị công nghệ và mạng xã hội đúng cách.

"Ở các thành phố lớn, trẻ em sử dụng thiết bị điện tử không chỉ để chơi điện tử hay xem video. Chúng dùng cho các mục đích khác, ví dụ như học lập trình", Li nói.

Hiện nay, tại Trung Quốc, các trường học chỉ thực hiện quy định nhà nước về việc học sinh không được mang điện thoại di động, theo nghiên cứu thực tế của Đại học Vũ Hán.

Trà My