Nghị lực phi thường chống lại ung thư của cô CEO trẻ
(Dân trí) - "Mọi việc đều cần có kỹ thuật, không ai tự dưng có thể làm được điều gì đó thuần thục, kể cả việc duy trì năng lượng tích cực", Minh Phương - nữ CEO trẻ đang mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4 chia sẻ.
Nguyễn Minh Phương (tên thân mật Phương Milo), một cô gái nhỏ nhắn tràn đầy năng lượng với nụ cười luôn nở trên môi. Minh Phương đã tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền 3 năm trước và hiện tại đã tự thành lập và điều hành một startup chuyên về lĩnh vực Marketing
Tự nhận thấy bản thân là một người yêu học, thích học nên Minh Phương thường xuyên tham gia những câu lạc bộ, đội nhóm,... cũng như tích lũy cho mình vốn kiến thức sâu rộng ngay từ khi còn là sinh viên. Không những thế cô còn được mọi người yêu mến đánh giá là người vui vẻ, hòa đồng, luôn tràn đầy năng lượng
Ác mộng ập đến
Đầu tháng 12/ 2020, sau chuyến du lịch Phú Quốc, Minh Phương bị đau bụng và đi khám tại bệnh viện, sau đó được chẩn đoán là ung thư đại tràng giai đoạn 4 di căn lên gan. Tưởng chừng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp khi lúc ấy Phương vừa mới nhận được kết quả báo đỗ chương trình Thạc sĩ tại Pháp, tương lai rộng mở thì tờ giấy báo bệnh đã khiến cả bầu trời của Minh Phương như sụp đổ.
Cô gái ấy đã khóc vì sợ hãi: Ai nhắc đến ung thư mà chẳng sợ, đặc biệt với một người còn quá trẻ, còn quá nhiều điều đang chờ ở phía trước.
"Mình nghĩ quẩn, hay giờ bỏ hết mấy cái truyền này, ra cửa sổ nhảy phát xuống là xong, mình không đau, bố mẹ cũng khỏi khổ, hay là có con dao mình cắt xừ nó coi như xong?" - Minh Phương chia sẻ. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến chuỗi ngày đau đớn của cô gái mắc bệnh K bắt đầu.
Bông hướng dương luôn hướng về phía mặt trời
Lấy lại bình tĩnh, Phương nghĩ: "Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi, chuyện gì đến cũng sẽ đến thôi. Chỉ cần mỗi ngày mình tốt hơn ngày hôm qua thì đã là một thành công rồi". Đều tích cực ấy đã được cô viết trên trang blog của riêng mình như là một hồi ký chia sẻ về quá trình chiến đấu với bệnh tật của bản thân.
Hiện tại "Hồi ký" đã đi đến Hồi thứ 19 "Truyền hóa chất đợt 11" và Minh Phương đã trải qua 2 lần phẫu thuật gian nan, đau đớn. Đọc những dòng "Hồi ký" này, người đọc luôn cảm nhận được những điều tích cực mà cô gái nhỏ ấy đem lại bởi những câu chuyện đời thường, giản dị nhưng cũng đủ thốt lên hai chữ "khâm phục" với nghị lực dẻo dai, phi thường của cô gái bé nhỏ.
25 tuổi mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, Minh Phương chấp nhận sống chung với nó. Minh Phương tìm tòi, đọc nhiều sách hơn để có nhiều kiến thức về căn bệnh này, làm cách nào để chữa bệnh một cách khoa học nhất.
Quả thật không hề né tránh nó, cô luôn đón nhận bằng một thái độ tích cực. "Nếu có hai cốc nước bằng nhau được để trong hai điều kiện giống nhau, cốc nước được lấp đầy bởi những lời yêu thương sẽ có màu sắc tuyệt đẹp; còn nếu chỉ nhận những lời tiêu cực, cốc nước sẽ chuyển sang sắc màu tối tăm thay vì đổ vào bằng thái độ tiêu cực mình lựa chọn cách đổ nước với thái độ tích cực, đón nhận mọi điều như một cách dĩ nhiên".
Minh Phương đã trải qua hai lần phẫu thuật cắt bỏ nhiều bộ phận và cũng phải mang bên mình túi "hậu môn nhân tạo", mọi người sẽ nghĩ điều đó sẽ cản trở cuộc sống bình thường và khiến Phương tự ti. Song, với cô gái ấy lại suy nghĩ khác: "Ban đầu mình cũng khóc, cũng buồn nhưng mình nghĩ khoa học giờ phát triển nên sẽ có cách cho mình thôi. Còn hậu môn nhân tạo mình thật ngạc nhiên khi khoa học hiện nay thật phát triển và có những thứ thật thần kỳ. Đối với mình chuyện gì cũng có cách giải quyết cả".
Những đợt truyền hóa chất Minh Phương phải di chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội và trong tình hình dịch bệnh phức tạp nên càng khó khăn hơn rất nhiều. Nếu như trước kia cô có cả bố và mẹ đi cùng thì hiện tại Minh Phương chỉ có thể đi cùng với bố.
"Nói là đi cùng với bố nhưng mọi việc trong viện của mình gần như mình phải tự làm hết vì dịch Covid nên bệnh viện họ làm chặt lắm ít khi cho người nhà vào cùng. Mình ở viện còn bố sẽ ở nhà trọ bên ngoài bệnh viện", Phương chia sẻ.
Khi được hỏi về kỉ niệm mà bản thân thấy khó quên nhất, Phương kể: "Chắc là đợt truyền hóa chất khi mình từ Hà Nội về mình phải cách ly tập trung, vì có những người bệnh lý nền sẽ được ở chung với nhau và mình được xếp ở cùng một anh. Nhưng anh ấy do uống quá nhiều rượu, bị loét dây thanh quản rồi ảnh hưởng đến thần kinh nên 3 ngày ở đấy mình gần như mất ngủ vì anh ấy nói to, quát vợ nhiều. Sau khi về nhà cả nhà mình phải cách ly thêm 14 ngày nữa. Ôi! Sao mà nó gian nan thế".
Chưa dừng lại ở đó, ước mơ đi du học Pháp cũng phải gác lại khi Phương phát hiện mình bị bệnh "Nếu không ốm mình sẽ đi du học Thạc sĩ ở Pháp. Nhưng không sao mình có thể học những lớp học ngắn hạn với người nước ngoài chỉ có điều mình không có bằng Thạc sĩ thôi", Phương kể với thái độ rất lạc quan.
Điều trị ung thư là trận chiến lâu dài và tốn kém với những bệnh nhân. Khi tìm hiểu rất nhiều sách, Phương đọc nhiều về y học hiện đại cả ở Việt Nam và nước ngoài, cô cố gắng tự mình kết hợp với bác sĩ để có thể điều trị cho chính mình một cách khoa học nhất.
Hiện tại, cứ 10 ngày, Phương lại truyền hóa chất một lần, kiểm tra những chỉ số và theo chia sẻ thì những chỉ số ấy đang ở mức độ ổn định, khả quan. Mỗi lần truyền hóa chất như vậy số tiền bỏ ra không hề nhỏ nhưng nhờ có thu nhập ổn định từ công ty của mình nên phần lớn chi phí chữa bệnh đều do Minh Phương góp cùng với bố mẹ và một phần do có Bảo hiểm y tế chi trả nên đã đỡ gánh nặng khá nhiều.
Người thành công không phải là một người kiếm nhiều tiền
Cô viết trên blog "Hồi mình còn cộng tác ở VTV7, có những ngày mình đi từ sáng sớm để đến Đài dựng rồi 12h15 ăn vội cái bánh mì để 12h30 kịp lên trường. Hồi đó năm nhất, mình học chiều rồi học xong lại chạy vội lên Đài về muộn 1- 2h sáng mới đi ngủ với mình là bình thường".
Nhưng rồi khi bị bệnh, cô hiểu và chia sẻ với các bạn trẻ khác về triết lý sống khỏe: Người trẻ chỉ có một vốn quý là sức khỏe, đừng ưu tiên công việc, sự nghiệp rồi sử dụng vốn quý ấy một cách "vô tội vạ".
Giờ đây, Phương chọn cách sống chậm hơn, coi thời gian ở nhà nghỉ ngơi này là cơ hội để mình có thể tự nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận cuộc sống mà trước đây bản thân không có đủ thời gian để nhận ra. Ví dụ như thay vì lựa chọn công việc thì Phương chọn cách ở bên gia đình nhiều hơn, học cách yêu thương, chăm sóc bản thân và mọi người xung quanh.
Phương không còn là một cô gái "tham công tiếc việc" như trước nữa mà biết cách cân bằng giữa công việc và chăm sóc sức khỏe. Đối với cô bây giờ công việc không phải là tất cả, sức khỏe mới là yếu tố quyết định thành công của một con người.
Minh Phương là một nữ chiến binh mạnh mẽ, kiên cường truyền cảm hứng cho rất nhiều người đặc biệt là đối với những người còn đang tiêu cực, mất niềm tin vào cuộc sống ngoài kia. Chúng ta tin rằng cô gái nhỏ ấy sẽ chiến thắng căn bệnh của chính mình và tỏa sáng như một bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời.