Nghe nhạc chuông, biết tôi là ai!

Ngoài việc muốn nghe những nốt nhạc yêu thích của mình, chọn nhạc chuông cũng là một kiểu khẳng định cá tính của các bạn trẻ qua điện thoại di động.

Cùng với công nghệ tích hợp trong điện thoại ngày càng được cải tiến, đảm bảo chất lượng tốt nhất và giá cả lại không quá cao, điện thoại di động đã trở thành một trong những đồ điện tử phổ biến nhất. Bởi thế, việc sở hữu một chiếc điện thoại di động không còn là điều gì quá xa xỉ đối với giới trẻ hiện nay.

Cũng từ đó, chủ nhân của các máy điện thoại đều muốn trang bị cho mình một bản nhạc chuông độc đáo, để phân biệt máy mình với máy người khác hay “style” (phong cách) của mình với “style” của người khác.

Nguyên (SV ĐH KTQD), cài nhạc chuông là một giai điệu trong bài hát “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn nói: “Tôi là một fan của nhạc Trịnh nên tôi muốn chuông điện thoại của mình là một bài hát của ông. Đấy cũng là một cách để mọi người biết sở thích của tôi và nhất là tiếng chuông điện thoại của tôi sẽ không bị lẫn với tiếng chuông điện thoại chán ngắt được cài đặt sẵn trong máy điện thoại”.

Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà kinh doanh trong nước đã không bỏ qua “mỏ vàng” trong lĩnh vực nhạc chuông và ngày càng tạo ra những kiểu nhạc chuông độc đáo.

Trên hệ thống mạng tin nhắn 986 liên tục xuất hiện những bản nhạc chuông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế” trẻ. Từ bản “Ngộ Không hái trộm đào” vui nhộn, đến những bản nhạc lãng mạn và mới nhất “ăn theo” các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như  “Chuyện tình Havard”;  “Ngôi nhà hạnh phúc”; và  kể cả “Crazy Frog” - một nhạc chuông đang “hot” nhất ở Anh cũng đã thấy xuất hiện trên một vài trang web của Việt Nam như: www.xteen.com.vn, www.thegioisms.com, hoặc www.986.com.vn...

Cá tính nhưng không phải là kì quái!

Tuy nhiên trong giới trẻ, nhiều người đã nghĩ rằng, để khẳng định cá tính là làm mọi cách để khác người. Vì thế, họ đã tìm đến những cửa hàng điện thoại để “download” cho “chú dế” của mình những âm thanh kì quái.

Đó là những nhạc chuông kiểu có khi rất ma quái và rùng rợn giữa đêm tối, vang lên ở đâu đó tiếng khóc đám ma, tiếng gọi hồn, tiếng tế lễ: “Con lạy bà, bà ở trên ngàn… Bà xá lầm xá lú xá mê…”.

Hoặc để làm trố mắt bất kì ai  khi nghe tiếng nhạc chuông điện thoại của mình, họ đã sử dụng những câu nói, những câu hát xuyên tạc làm hỏng đi cái được gọi là hay, là độc đáo của nhạc chuông như “Anh ơi, có điện thoại của “con già” nè”; “Nếu anh không nghe điện em sẽ bóp chết anh…”.

Với những tiếng nhạc chuông như vậy, họ chỉ làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu và tất nhiên là không còn thấy cái sự cá tính đó là đáng yêu nữa.  

Theo Nguyễn Tú
Tiền Phong