Muôn kiểu lý do trốn tránh deadline "khó đỡ" của người trẻ
(Dân trí) - Trong công việc hay học tập, hai chữ "deadline" một hồi chuông thông báo về việc bạn cần phải hoàn thành công việc còn đang dang dở.
Hễ có deadline là đau ốm
Giữa một thời đại mà những người trẻ bị bệnh lười ăn sâu vào máu và căn bệnh này thì không ai có thể chữa được. Deadline không còn là cái hẹn cuối cùng mà còn là lúc để mọi loại bệnh được phát huy tác dụng.
Bình thường không sao nhưng hễ có deadline là "các cơn đau sẽ kéo đến". Bạn Ngọc Anh, một nhân viên văn phòng chia sẻ: "Nhiều khi lười, mình cũng hay lấy lý do bị ốm, nhưng cũng không biết làm thế nào cả, nếu không làm vậy thì sếp mắng nên thôi dù muốn hay không mình vẫn phải ốm.
Có những lúc mình biết là phải hoàn thành cho xong không sẽ chậm deadline nhưng thôi chậm được lúc nào hay lúc đấy".
Deadline luôn khiến những chúng ta đau đầu. Và cũng chính nhờ những cái hạn cuối cùng mà não bộ luôn "nhảy số" ra những lý do khiến sếp phải ngán ngẩm đồng ý dù muốn hay không.
Tự hack Facebook để tránh bị sếp gọi tên
"Không ngại trễ deadline, chỉ cần có lý do hợp lý", những câu nói thế này không còn gì xa lạ với những bạn trẻ đã lỡ không hoàn thành công việc đúng hạn. Vừa muốn không bị sếp mắng, vừa muốn bản thân có thêm thời gian để hoàn thành cho xong công việc thì chỉ có cách ngồi nghĩ lý do.
Bạn L.H.L một sinh viên năm thứ 2, vừa bận học vừa bận làm nên việc làm đúng thời hạn tại chỗ làm thêm là điều ít xảy ra.
"Ở chỗ làm, em và sếp thường dùng Zalo để trao đổi công việc nhưng chắc sếp biết em hay trốn tránh trả lời tin nhắn ở Zalo với lý do "hết giờ làm nên em tắt thông báo" nên có một hôm, bỗng em nhận được tin nhắn ở messenger em cũng hoang mang lắm vì còn chưa làm xong công việc mà hôm đấy lại còn là thứ 7.
Em quyết định làm liều luôn, em đăng hẳn cái status to đùng kèm dòng chữ "em bị hack mất nick mọi người đừng nhắn hay trả lời tin nhắn của em để tránh bị lừa ạ", sau 5 phút em đã thực sự không bị deadline gọi tên", L ngại ngùng chia sẻ.
L cũng chia sẻ thêm: "Mặc dù không bị dí deadline nữa nhưng em cũng thấy khá có lỗi, từ đó trở về sau em cũng không còn dám lừa dối sếp nữa. Nên mong mọi người cũng đừng nên trì hoãn việc của mình giống như em, hãy có trách nhiệm với công việc của mình đang làm".
Trong bất cứ ngành nghề nào việc phải đối mặt với deadline đều là nỗi ám ảnh. Chính vì vậy, việc đối phó và lấy lý do để chậm deadline luôn là chủ đề quen thuộc.
Deadline không bằng sở thích
Có một số người luôn coi sở thích của bản thân là trên hết. Nhiều khi còn mặc kệ cả công việc để chạy theo sở thích. Đó là câu chuyện của bạn Trần Hoàng, sinh viên trường Đại học Thủy Lợi.
"Đối với em deadline đôi khi không quan trọng bằng việc em được đi đá bóng. Sếp mắng cũng được, em không muốn bỏ những buổi đá bóng của đội. Cũng có nhiều lần em đã thật thà với sếp nơi em đang làm là em phải đi đá giải nên chưa hoàn thành được. Nhiều lần như thế nên sau này, công việc của em đã ảnh hưởng rất nhiều", Hoàng chia sẻ.
"Chậm deadline ít thì được, chậm nhiều quá thì bị đuổi"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bạn Chu Bích sinh viên năm thứ 3 trường Học viện Tòa án nói: "Em từng dùng mọi lý do để chậm deadline. Lúc thì em bị ốm, lúc thì nhà có việc bận, chỉ cần nó hợp lý thì chắc chắn em sẽ dùng cho bằng được. Vì áp dụng nhiều quá nên em đã bị cho nghỉ việc ở chỗ làm thêm đầu tiên vì bản thân đã trốn tránh quá nhiều lần".
"Đỉnh điểm của câu chuyện chậm deadline của em là cách đây 3 tháng, em không thể làm hết việc đúng tiến độ nên em đã giả vờ bị ngã xe và đau tay. Nhưng cuối cùng lời nói dối cũng bị phát hiện và em đã không còn được đi làm nữa.
Sau chuyện đó, em nghĩ mình nên cân bằng lại mọi việc tránh để những chuyện như vậy xảy ra ảnh hưởng đến mình và cả những người khác", Bích bộc bạch.
Có những lời nói dối vì không được ai kiểm chứng nên nó cũng hoàn toàn được chấp nhận. Việc chậm deadline là có thể thông cảm tùy theo hoàn cảnh, nhưng đôi khi nếu lạm dụng điều đó để trì hoãn khi mình có đủ khả năng hoàn thành công việc đúng thời hạn thì nó sẽ trở thành một thói quen không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến công việc.