Giới trẻ dùng điện thoại trong bữa ăn để "trốn tránh cô đơn"

Nhật Khoa

(Dân trí) - Ngày nay, "vừa ăn vừa bấm điện thoại" đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc biệt là với các bạn trẻ thường phải ăn một mình giữa những ngày deadline bao vây.

Sự phát triển của thời đại số đã dần cuốn con người vào vòng xoay của các thiết bị điện tử, điển hình là nhiều người luôn ở trạng thái "cần phải xem" một thứ gì đó để giải trí trong các bữa ăn trong ngày. Chuyện người ta luôn dùng bữa cùng với chiếc điện thoại, hay cả laptop đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện nay.

Để minh họa mức độ "phủ sóng" của hiện tượng này, dịch vụ giảm cân Nutrisystem đã tiến hành khảo sát hơn 2,000 cá nhân tại Mỹ. Kết quả chỉ ra rằng có hơn một nửa số người trả lời rằng họ luôn đem theo điện thoại trong hầu hết các bữa ăn, trong khi 29% trong số đó tự nhận bản thân đã "như hình với bóng" với việc ngồi trước màn hình điện tử trong mỗi bữa ăn.

Thực tế, chẳng ai trách khi chúng ta vừa ăn vừa thư giãn đầu óc bằng một bộ phim, hay xem vài thứ hay ho, vui vẻ trên mạng xã hội cả. Thế nhưng, sự hạn chế thói quen cá nhân này là rất cần thiết khi hàng loạt nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo về tác hại mà nó có thể đem lại.

Một trong số đó là khảo sát của Đại học University of Sussex, lên tiếng về việc phân tán sự tập trung mà "vừa ăn vừa xem'' gây ra. Nhóm người tham gia được chia thành hai nhóm tách biệt và ngồi vào bàn với những lon nước ngọt calo cao thấp khác nhau. Điểm khác biệt ở đây là khi nhóm A chỉ phải tập trung vào việc uống nước, trong khi nhóm B được yêu cầu đọc một bài báo mạng tùy chọn.

Kết quả chỉ ra rằng nhóm B có khuynh hướng uống nước nhiều và "bất chấp" hơn nhóm A, đôi khi họ quên đi mất số lượng calo mà họ đã và đang nạp. Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kết luận rằng người ta sẽ dễ "không biết điểm dừng" khi ăn nếu sự chú tâm bị phân đều cho thức ăn và điện thoại, dẫn đến việc ăn nhiều hơn so với mức thông thường và dễ gây béo phì.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Marc Bubbs, chuyên gia dinh dưỡng cho nhiều vận động viên trong các kì thế vận hội Olympic, khi sự tập trung không còn dành riêng cho món ăn, người ta dễ mất kiểm soát trong việc nhai và nuốt, dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa, điển hình như đầy hơi khó tiêu, dần dần sẽ mang nhiều hệ lụy, gây hại nghiêm trọng đến dạ dày.

Thiết bị điện tử giúp chống lại những phiền muộn "không mời mà tới"

Tuy vậy, đôi khi chúng ta nên hiểu rõ từ đâu mà việc "tâm trí trong màn hình điện tử, miệng nhai nuốt thức ăn" lại hấp dẫn nhiều người đến thế. Theo giáo sư ngành tâm lý học Charles Spence, đang giảng dạy tại Đại học Oxford, có rất nhiều yếu tố khiến chuyện ăn uống đi kèm giải trí trở nên phổ biến.

Dưới góc nhìn xã hội học, ông cho rằng việc số lượng bữa cơm gia đình vơi đi dần khi người ta lớn lên mang đến cho họ nhiều tâm sự, lắng lo trong lòng. Chính vì thế, dễ hiểu khi con người, đặc biệt là các bạn trẻ đến tuổi "xa nhà", đến một vùng trời mới và tạo dựng cuộc sống độc lập, chọn vừa ăn vừa xem tivi hoặc lướt mạng xã hội như một biện pháp chạy khỏi những tiêu cực không đáng có.

Giới trẻ dùng điện thoại trong bữa ăn để trốn tránh cô đơn - 1

Bạn Nguyễn Bạch Hồng Lam, sinh viên trường Đại Học Kinh Tế TPHCM (Ảnh: NVCC).

Đó cũng là câu chuyện của bạn Nguyễn Bạch Hồng Lam, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Lam chia sẻ: "Từ khi xa nhà để học đại học, mình đã từng thử nghiệm một vài bữa ăn không có điện thoại, tivi, hay ipad.

Nhưng trong cái lặng thinh ấy, chuyện bài vở sắp tới, deadline… mọi thứ tiêu cực mình không mong cầu, ở đâu kéo tới, cuộn tròn trong suy nghĩ mình, khiến mình không muốn ăn nữa.

Những lúc như thế, mình thường tìm đến Youtube để xem chương trình yêu thích, các vlog đời sống, có khi lướt cả Instagram và TikTok. Và lạ thay, trong phút chốc mình lại ngồi ăn cơm trong sự thoải mái và ngon miệng.

Mình nghĩ chính điện thoại đã lấp đầy sự trống trải vô hình trong lòng mình, hay nói khác hơn là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ cả bữa cơm gia đình".

Giải đáp về sự ngon miệng nói trên, bà Suzzan Higgs, giáo sư môn khoa học tâm lý hành vi tại trường đại học Birmingham liên hệ đến cơ chế của sự "hài lòng" thức ăn mang lại. Bà cho rằng khi chúng ta bắt đầu dùng bữa, độ hài lòng sẽ giảm dần, trở về con số 0 khi ăn xong. Tivi hay bất cứ kênh điện tử nào sẽ giúp duy trì sự hài lòng này lâu hơn, khiến chúng ta ăn thấy ngon và thoải mái hơn.

Điện thoại đáp ứng tốt nhu cầu giải trí nhanh trong những bữa cơm một mình

Giới trẻ dùng điện thoại trong bữa ăn để trốn tránh cô đơn - 2

Bạn Phạm Nguyễn Minh Quân, sinh viên trường Đại Học Quốc Gia TPHCM (Ảnh: NVCC).

Là một người thường ăn cơm một mình trong những ngày tháng học đại học, Phạm Nguyễn Minh Quân, sinh viên Khoa Y, Trường Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: "Theo mình nghĩ, việc sử dụng các thiết bị điện tử trong bữa ăn từ lâu đã là một thói quen của nhiều người Việt. Minh chứng thực tế có thể tìm thấy khi những chiếc tivi được trang bị ở phần lớn các hàng quán ăn trong nhà, đặc biệt là các quán bình dân và vỉa hè".

Cậu bạn giải thích thêm: "Vì thế hệ chúng mình lớn lên cùng với sự phát triển và bùng nổ của kỹ thuật số nên điện thoại đã trở thành một vật dụng không thể thiếu trong những năm tháng ấu thơ. Lấy ví dụ như mình đã vừa ăn vừa xem tivi từ khi còn khoảng 4-5 tuổi để ăn nhanh, ăn dễ hơn, nên khi lớn lên mình cũng đã quen với việc đó, chỉ khác là từ tivi chuyển thành điện thoại và máy tính cá nhân".

Giới trẻ dùng điện thoại trong bữa ăn để trốn tránh cô đơn - 3

Bạn Lê Ngọc Kim Lê, sinh viên trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn - Đại Học Quốc Gia TPHCM (Ảnh: NVCC).

Tuy không cảm thấy quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử khi ăn, Lê Ngọc Kim Lê, nữ sinh viên năm hai Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cũng có những lời bộc bạch đầy cảm thông với thế hệ gen Z:

"Ngày nay, những bạn trẻ như mình dường như bận rộn hơn với guồng chạy cuộc sống nên sẽ tranh thủ giải trí trong những lúc ăn uống là để đền bù cho những khi chạy deadline "ngoài giờ hành chính".

Và dĩ nhiên, chuyện này chỉ được áp dụng mỗi khi mọi người cảm thấy trống vắng, thiếu người trò chuyện. Trong bữa cơm gia đình, khi mong cầu giải trí được giải quyết bằng việc chuyện trò, hỏi han nhau, nên chắc việc dùng đến điện thoại sẽ hiếm hoi hơn".

Từng là một người sử dụng điện thoại khá nhiều, Kim Lê còn hé lộ một ít mẹo giúp cải thiện sự tập trung trong mỗi bữa ăn: "Mình nghĩ trong trường hợp này, tinh thần và ý chí của bản thân thực sự quan trọng. Ngoài ra, trước khi ăn cơm, mình hay tắt nguồn điện thoại, máy tính hoặc sẽ dùng nhiều cho chúng hết pin. Nhờ vậy, trong lúc ăn cơm, mình có muốn lướt mạng cũng không được. Một hai ngày đầu thì khó, nhưng kiên nhẫn sẽ đạt được như ý".