Làm đẹp dịp Tết: Quảng cáo làm tóc 300 nghìn, lúc tính tiền 1,8 triệu đồng
(Dân trí) - Giá làm tóc thực tế đắt hơn gấp 6 lần giá trên quảng cáo, nhiều cô gái phải chịu cảnh "tiền mất tật mang", có người bị nhân viên "chửi khéo" khi đi làm đẹp dịp cận Tết.
Mỗi dịp Tết Nguyên Đán cận kề đồng nghĩa với việc "mùa làm đẹp" của mọi người lại đến, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhưng đằng sau những vẻ ngoài lung linh, lộng lẫy là không ít những trường hợp ngoài ý muốn diễn ra.
Quảng cáo làm tóc hết 300 nghìn, ra về thanh toán hết 1,8 triệu
Diệu Linh (Hà Nội) bắt gặp những quảng cáo về làm tóc giá rẻ trên một số nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook và TikTok. Những quảng cáo trên thường có những nội dung như trọn gói cắt, nhuộm với giá 299 nghìn đồng, một mức giá hấp dẫn đối với giới trẻ.
"Trước khi tới mình có thấy quảng cáo giá chỉ 300 nghìn đồng, đến khi vào khảo giá trên trang của họ thì có giá gốc là 900 nghìn đồng. Khi mình tới salon làm tóc thì tổng hóa đơn sau cùng lên đến 1,8 triệu đồng", Linh kể lại.
Nhân viên tại các salon làm tóc này thường tư vấn tóc khách hàng đang hư tổn nặng, phải mua thêm gói phục hồi thì mới có thể uốn, nhuộm được; hoặc phải sử dụng thêm một số dịch vụ đi kèm như sấy kiểu, uốn phồng chân tóc thì thành quả cuối cùng mới đẹp.
Linh kể tiếp, nhân viên tại salon làm tóc giải thích về mức độ chênh lệch giá giữa quảng cáo và hiện thực rằng gói 300 nghìn đồng phù hợp với tóc chưa trải qua sử dụng hóa chất còn với tóc yếu như của bạn Linh thì phải sử dụng thêm gói phục hồi trị giá 900 nghìn đồng. Đồng thời, tóc của cô cũng phải sử dụng những dòng "thuốc tốt", trị giá 1,2 triệu đồng mới có thể làm được đẹp.
Sau khi mặc cả, salon làm tóc đồng ý giảm giá cho Linh 300 nghìn đồng nhưng tổng hóa đơn sau cùng của cô vẫn lên tới 1,8 triệu đồng.
"Khi được tư vấn như vậy, mình cảm thấy không kịp từ chối vì họ vừa nói xong thì liền bảo nhân viên làm luôn cho mình. Mình nghĩ ít ai trong tình huống ấy có thể đủ "cứng" để mà bước ra khỏi tiệm mà không làm", Linh nói.
Linh cũng nói thêm, trong quá trình tư vấn, các nhân viên cũng đã nói rõ về giá cả của các gói dịch vụ nhưng chưa chờ Linh đưa ra quyết định họ đã bắt tay vào làm luôn nên cô đành nương theo.
"Nhiều bạn nữ cũng trải qua câu chuyện như mình, nghe nhân viên tư vấn gì cũng để cho họ làm hết. Mình còn là sinh viên, số tiền 1,8 triệu đồng đối với mình cũng là một con số tương đối lớn nên mình rất xót tiền và có chút hối hận vì nghe theo lời quảng cáo mà tìm tới salon này", Linh nói.
Bị cháy tóc vì nhân viên cố tình ngó lơ khách hàng
Tuy cũng trải qua tình huống giá trên quảng cáo một đằng, giá thực tế một nẻo nhưng bạn Hải Thanh (Ninh Bình) lại không đồng ý nương theo những lời tư vấn từ những nhân viên salon.
Trước khi đến làm tóc, Thanh cũng đã cẩn thận hỏi về dịch vụ của salon và được biết giá dao động từ 299 nghìn đến 599 nghìn, tùy vào loại thuốc phù hợp, cho dịch vụ uốn hoặc nhuộm, hoặc ép tóc.
Khi đến nơi, không hề hỏi về nhu cầu của khách hàng, nhân viên lập tức đưa Thanh vào xả ướt tóc ngay lập tức rồi mới bắt đầu tư vấn cho cô.
Thanh cũng cho biết thêm, thời điểm đó tóc của cô hoàn toàn khỏe mạnh do trong vòng một năm cô không hề đi làm tóc hay đi nhuộm tóc. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn lại khẳng định tóc của cô rất "nát" và phải sử dụng gói phục hồi trị giá hơn 1 triệu đồng.
Lúc này, Thanh không đồng ý thì thấy nhân viên tư vấn gọi thêm thợ chính, quản lý và 4, 5 bạn thợ cắt tóc nam khác đứng vây quanh cô để thuyết phục trong vòng nửa giờ đồng hồ. Sau khi vấp phải thái độ kiên quyết từ chối của Thanh, các nhân viên bỏ đi hết và giao cho công việc làm tóc cho một thợ mới vào nghề.
"Mình phải trả mức giá 599 nghìn đồng cho loại thuốc ép tóc dởm nhất mặc dù trên quảng cáo là 299 nghìn đồng. Từ lúc mình từ chối làm các dịch vụ đắt tiền, mình không nhận được thêm bất kỳ sự chăm sóc đáng tiền nào nữa. Nhân viên tiệm làm tóc lơ mình đi và không nói với mình câu nào", Thanh kể lại.
Mặc dù một gói làm tóc thông thường sẽ bao gồm nhiều bước như: bôi thuốc, chờ thuốc ngấm, xả tóc, gội, dưỡng tóc, sấy tóc rồi là tóc để cho vào nếp. Nhưng tại salon trên, Hải Thanh chỉ được phục vụ các bước như bôi thuốc, xả nước và sấy tóc và không được gội đầu và là tóc.
"Sau ngày hôm đó, tóc của mình bị cháy do để thuốc trên đầu quá lâu vì nhân viên ngó lơ. Họ không phải cố ý làm hỏng tóc mình mà là họ cố ý không làm tròn trách nhiệm. Tóc của mình có thể phải mất hơn một năm để có thể phục hồi", Thanh chia sẻ.
Bị nhân viên chửi khéo và bị từ chối bảo hành không lý do
Cũng rơi vào tình trạng giống Hải Thanh, chỉ sau khi đã xả ướt tóc, Ngô Lan Phương mới nhận được tư vấn từ bên salon tóc rằng tóc cô rất yếu, cần sử dụng gói đắt tiền hơn để làm.
"Kể cả tóc mình khỏe họ cũng sẽ nói là tóc mình yếu để mua gói làm tóc giá cao cấp hơn. Nhiều khi họ đã xả tóc cho mình ướt nhoẹt rồi họ mới báo giá, không lẽ mình mang đầu ướt đi về?", Phương kể lại.
Cũng có lúc, Phương từ chối sử dụng gói dịch vụ cao hơn từ bên salon làm tóc. Lúc này, các nhân viên liền lập tức tỏ thái độ và thậm chí còn "chửi khéo" với cô.
"Họ nói với mình: "Khôn như em quê anh xích hết rồi" thì cũng đủ hiểu họ ví mình với con gì đấy! Còn ở đâu lịch sự thì nhân viên cũng thờ ơ và kém nhiệt tình với khách hàng thôi", Thanh bức xúc kể lại.
Một lần khác, khi đi phun môi tại một viện thẩm mỹ, Phương cũng phải trải qua tình cảnh tiền mất, tật mang. Phun môi là dịch vụ giúp tạo màu cho môi để chị em trông tươi tắn hơn mà không cần tô son.
Tuy nhiên, do làm đẹp dịp cận Tết, Phương phải đợi chờ rất lâu vì cơ sở này quá tải.
Sau đó Phương đã mất 4 triệu cho dịch vụ này nhưng vẫn không nhận được kết quả như ý khi môi vừa không lên được màu đẹp như quảng cáo, lại vừa chịu đau đớn.
Đáng nói hơn, dịch vụ làm đẹp trên quảng cáo rằng có đi kèm với gói bảo hành. Tuy nhiên, khi cô liên hệ, bên thẩm mỹ viện liền ngay lập tức từ chối.
"Họ nói là không bảo hành cho mình song cũng không nói rõ lý do là gì", Phương kể.