Lạ lùng với sở thích ngược đời của thế hệ trẻ - không muốn lên làm sếp

PV

(Dân trí) - Đã qua thời làm việc để thăng tiến, hiện nay, nhiều người trẻ ở Hàn Quốc chỉ muốn có chức vụ ngang bằng với đồng nghiệp của mình.

Cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến JobKorea mới đây tiến hành cuộc khảo sát với 1.114 nhân viên thuộc thế hệ Millennial và thế hệ Z. Trong đó, có đến 54,8% người được hỏi không muốn được thăng tiến chức vụ.

Có nhiều yếu tố dẫn đến suy nghĩ này. Trong số đó, 43,6% nhân viên cho biết, họ cảm thấy không thoải mái khi phải gánh vác trách nhiệm nặng nề.

Ngoài ra, 20% tin rằng, việc được lên chức là không thực tế. 13,3% cho rằng, họ không thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 11,1% cảm thấy thiếu động lực để đảm nhận các vị trí cao hơn và 9,8% không có ý định gắn bó lâu dài với công ty.

Lạ lùng với sở thích ngược đời của thế hệ trẻ - không muốn lên làm sếp - 1
Nhiều nhân viên trẻ không muốn làm sếp vì không có ý định gắn bó lâu dài với công ty (Ảnh: Getty).

Đối với nguyện vọng thăng tiến cấp bậc, 50,8% người tham gia muốn làm việc ngang bằng với đồng nghiệp, trong khi 27,3% đặt mục tiêu sớm được làm sếp.

55,5% người cho biết, họ chấp nhận khối lượng công việc hiện tại. Đối với thời gian làm việc, 46,5% thỏa mãn với lịch trình của mình và những người cùng chung bộ phận.

Bên cạnh đó, 42,8% cảm thấy hơi không hài lòng với công việc của mình và 9,7% hoàn toàn không thích.

Theo Korea Bizwire, gần một nửa số người tham gia khảo sát (khoảng 47%) cho biết, họ chuẩn bị chuyển sang một công ty khác, trong đó 26,2% đang tích cực tìm kiếm công việc mới.

Theo dữ liệu về triển vọng việc làm do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) tổng hợp vào năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia - nơi người lao động làm việc quá sức nhiều nhất ở châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

Trung bình, mỗi nhân viên người Hàn dành 1.915 giờ để làm việc trong năm 2021.

Lạ lùng với sở thích ngược đời của thế hệ trẻ - không muốn lên làm sếp - 2

Tình trạng làm việc quá sức của người trẻ Hàn Quốc gây ra hệ lụy khôn lường (Ảnh: Getty).

Tình trạng làm việc quá sức gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của những người lao động trẻ tại xứ sở kim chi. Điều này sẽ dẫn đến căng thẳng, trầm cảm và có suy nghĩ muốn tự tử.

"Không như trước đây, khi việc thăng chức là tiêu chuẩn để thành công, thế hệ trẻ hiện nay có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó. Trong quá trình phấn đấu, họ muốn có đủ thời gian giải trí trong khi vẫn phát triển sự nghiệp", một nhân viên tại Saramin - nền tảng tuyển dụng - chia sẻ.

Việt Trinh