Không thể chấp nhận chuyện bạn gái từng sống thử
(Dân trí) - "Mỗi lần ở cùng nhau là tôi lại nghĩ đến cảnh em từng sống thử với người khác, điều này khiến đầu óc tôi rối tung và vô cùng mệt mỏi.
Vẫn biết giới trẻ coi chuyện này không quá nghiêm trọng nhưng những ngày qua trong lòng tôi vô cùng hỗn loạn vì điều đó".
Đó là những chia sẻ của anh Đỗ Quang Linh (29 tuổi, Cầu Giấy) khi chuẩn bị tới chuyện yêu đương sau 2 năm tìm hiểu, nhưng khi biết được quá khứ từng sống thử của bạn gái thì lại e dè và đắn đo. Không chỉ anh Linh, mà cũng rất nhiều bạn trẻ đều có suy nghĩ như vậy khi biết quá khứ đối phương từng "sống thử".
Có "hạnh phúc" và cả những "dằn vặt"
Anh Linh tâm sự: "Bạn gái hiện tại là người yêu đầu tiên, tôi đã trao cho cô ấy những cảm xúc chân thật nhất. Sau khoảng 2 năm gắn bó đi tới chuyện yêu đương, mình nhận thấy cô ấy là một người tốt, chăm chỉ, chịu khó. Rất muốn tiến tới hôn nhân, có điều tôi sốc và đau lòng khi biết được cô ấy từng có thời gian sống thử với người cũ. Trước đây, cô ấy cũng thú nhận có một mối tình sâu đậm và không còn trong trắng".
"Bạn gái đã sống thử thì chẳng khác gì đã lập gia đình rồi vì họ cùng sống với nhau, sinh hoạt với nhau như vợ chồng, chỉ khác nhau giữa một cô gái có chồng với sống thử là một tờ giấy kết hôn thôi, nó khác với quan hệ trước hôn nhân. Nếu cô gái có vài ba lần sống thử với người này, người khác thì cũng như cô ấy có tương ứng ngần ấy người chồng" - anh Linh chia sẻ quan điểm.
Cùng chung với nỗi lo lắng e dè của anh Linh, chị Nguyễn Thị Huyền (Giáo viên Tiểu học của một trường tư thục tại Hà Nội) cho hay: "Sống thử chỉ khác đã lập gia đình ở một tờ giấy đăng ký kết hôn thôi. Người lập gia đình rồi có khi họ còn có nhiều thứ để quý trọng hơn sống thử. Ai cũng nghĩ cứ sống thử, khi không hợp thì không tiến đến hôn nhân, nếu vậy cứ sống với hết người này đến người khác hay sao? Và đến khoảng 5-10 lần không hợp thì cũng cứ như vậy sao? Khác gì mình 5-10 đời vợ? Lúc đấy liệu hạnh phúc có còn được nhiều nữa hay không?"
Cũng trải qua quãng thời gian sống thử và có con trước khi tiến tới hôn nhân, chị Nguyễn Thị Huyền (Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhấn mạnh vẫn hạnh phúc với gia đình hiện tại. "Vợ chồng tôi hồi xưa yêu xa 6 năm, sống thử 1 năm, sau thời gian sống thử đã có tâm lý trong việc kết hôn nên cưới. Hơn 2 năm nay, chúng tôi chưa to tiếng với nhau lần nào và hai vợ chồng vẫn quan niệm sau này sẽ khuyên con gái nên sống thử trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, vì hôn nhân phải hòa hợp nhiều mặt, mà cái này phải sống chung mới biết được.
Khi trải qua quãng thời gian sống thử trước hôn nhân, mình cảm thấy luôn thoải mái nhất khi ở nhà của mình, lúc đó xấu tốt gì cũng lộ. Nếu không hợp nhau lúc đó chia tay thì vẫn dễ dàng hơn khi đã ràng buộc tờ giấy kết hôn và các thủ tục pháp lý rườm rà và ba mẹ họ hàng nói ra vào".
Sống thử: Lợi hay hại?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) quan điểm rằng: "Nhiều bạn trẻ cho rằng việc sống thử sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, tìm hiểu nhau kĩ hơn về tính cách, con người đến sinh lý xem thử có phù hợp với đời sống hôn nhân không để khỏi chọn nhầm người…
Tuy nhiên, phép thử này không chính xác vì việc hai người sống thử hoàn toàn khác với đời sống hôn nhân thật từ vị thế, vai trò với nhau và với xã hội. Vậy nên, lý do để tìm hiểu, kiểm định trước trong trường hợp sống thử là không ổn. Còn để hiểu rõ về tính cách của nhau thì tôi thiết nghĩ hai người cần cởi mở và dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhau thì sẽ hiệu quả hơn. Riêng việc tìm hiểu về sinh lý, cơ thể thì việc đôi bạn đến bệnh viện với y học và chuyên môn thì có lẽ sẽ hữu hiệu hơn.
Tóm lại, tôi không tán thành với ý kiến dùng cách sống thử để thử đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng nếu đây là sự kết hợp đầy trách nhiệm, trưởng thành hay nói khác đi là sống thật thì lại hoàn toàn khác".
Cũng chia sẻ về vấn đề này, bà Chu Thị Xuyến (Nguyên phó chủ tịch Hội kế hoạch hóa gia đình) bày tỏ về cái được - mất và lời khuyên không nên sống thử trước hôn nhân. Bà cho rằng, sống thử được ít, tuy nhiên mất mát rất lớn, nhất là đối với phụ nữ. Kết quả một cuộc điều tra khảo sát phục vụ cho công trình nghiên cứu của bà ở bên trung ương Đoàn thì 80% nam giới sau khi làm bạn tình có thai đã bỏ chạy. Lý do một phần họ thiếu trách nhiệm, song phần lớn là hoảng sợ.
Bạn trai bỏ chạy đẩy bạn nữ vào trạng thái khủng hoảng, nhiều người rơi vào trầm cảm, niềm tin về con người, tình yêu lý tưởng bị sụp đổ. Các bạn nữ trót sống thử rất khó tìm được người đồng cảm, chia sẻ. Nếu họ có kết hôn thì cũng nơm nớp lo sợ chồng mình phát hiện. Những chấn thương tâm thần này khó chữa hơn nhiều chấn thương về thể xác.
Về mặt sức khỏe, có người sau khi nạo hút thai để lại vô sinh, hoặc bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục và hiện nay đe dọa rất lớn là HIV/AIDS. Một cái mất nữa là những sinh viên sống thử chắc chắn không thể học tập tiến bộ, tương lai sự nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu thực sự đã sống thử thì nên cân nhắc tất cả cái được và mất rồi quyết định vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý, học tập, hạnh phúc gia đình. Nếu trường hợp bạn nữ có thai ngoài ý muốn thì phải đến các cơ sở y tế để giải quyết để tránh những hậu quả đau lòng như vô sinh.
Bà Xuyến mong rằng, cha mẹ là thầy giáo đầu tiên dạy con về giới tính. Nếu có điều kiện thì từ 10 tuổi bắt đầu giáo dục giới tính. Nếu không thì phải tập trung vào lứa tuổi 14-19, khi tâm sinh lý trẻ thay đổi nhiều nhất.
Trường hợp biết con sống thử thì cha mẹ phải bình tĩnh, không chì chiết, đẩy con xa gia đình. Hãy khuyên bảo con không nên tiếp tục sống thử, nhưng chớ nói theo kiểu áp đặt rằng phải làm cái này, không được làm cái kia. Biện pháp tốt nhất là giáo dục một cách thân thiện, chia sẻ, thấu hiểu".