Sống thử để thỏa mãn điều gì?

Văn Hiền

(Dân trí) - Cuộc sống xa gia đình, tự lập nơi đất khách quê người khiến cho nhiều bạn trẻ có xu hướng "sống thử" với người yêu để vun đắp tình cảm, chia sẻ áp lực cuộc sống.

Sống thử để thỏa mãn điều gì? - 1

Việc sống thử trước hôn nhân diễn ra rất phổ biến tuy nhiên những hệ lụy mà sống thử đem đến cũng nên được chúng ta xem xét và cân nhắc.

Hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể "sống thử trước hôn nhân" là gì? Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn.

"Sống thử trước hôn nhân" không phải là hành vi bị cấm nếu cả hai bên nam nữ còn đang độc thân, không tồn tại quan hệ hôn nhân.

"Sống thử để chứng tỏ mình trưởng thành"

Hơn 2 năm sống thử với bạn gái, Nguyễn Đình Long (sinh năm 1999, quê Quảng Ninh) chia sẻ: "Mình và bạn gái đều bằng tuổi, quyết định sống thử từ năm thứ 2 và hiện cũng đã tốt nghiệp. Mình cảm thấy sống thử chính là một dấu hiệu sự trưởng thành đã bắt đầu khi rời xa vòng tay của bố mẹ. Mình không khuyến khích các bạn sống thử khi đang là sinh viên, nhưng bản thân mình cũng chả thấy sống thử có gì là xấu. Thà sống thử công khai, còn hơn kiểu đêm hôm lén lút ở trọ nhau, rồi hôm sau lại coi như không có gì xảy ra".

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cả bố mẹ đều làm giáo viên, nên ngay từ nhỏ Trần Khánh An (sinh viên năm 3, ở Hà Nội) đã không hoàn toàn đồng tình với việc "sống thử trước hôn nhân".

Tuy nhiên, chỉ ngay sau 1 năm đầu xuống Hà Nội học và quen được bạn trai hiện tại đã khiến suy nghĩ đó thay đổi một cách "chóng mặt". Cô nàng chia sẻ: "Người ta thường nói yêu 50 chọn 10 lấy 1 mà, nên cứ sống thử để tránh việc chọn sai người. Cá nhân mình hoàn toàn thấy việc sống thử là bình thường và không có gì đáng xấu hổ. Mình đã sống thử với người yêu được hơn 1 năm, anh hơn mình 6 tuổi có công việc ổn định và suy nghĩ hoàn toàn trưởng thành".

Sống thử để thỏa mãn điều gì? - 2
Khánh An cùng người yêu rất đam mê nấu ăn, nên mỗi khi rảnh cả hai sẽ cùng vào bếp và nấu những bữa cơm thật ngon.

Theo lời kể của Khánh An, trong suốt quá trình sống thử đã khiến cho cả hai bên hiểu rõ về đối phương, về tính cách, lối sống và cả tâm sinh lý. Đồng nghĩa với đó là sự riêng tư của đôi bên sẽ không còn nữa, cả hai đều dành tất cả thời gian và tình cảm cho nhau.

"Ngoài người yêu, mình như có thêm một người mẹ thứ 2 từ khi sống thử" đó là chia sẻ của Lê Nam Thành (sinh năm 1997, Hà Nội) trên nhóm "Dăm ba câu chuyện yêu đương?" và nhận được hơn 13 nghìn lượt thích và 300 lượt chia sẻ.

Nam Thành cho hay: "Mỗi sáng 5 giờ 30 là mình đã phải dậy để đi tập thể dục, ăn sáng và chuẩn bị đi làm. Tất cả những công việc nhà từ giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, lau nhà tắm, cọ nhà vệ sinh…đều một tay mình phải làm. Ngày trước có thể tự do làm những điều mình thích, bây giờ luôn phải hỏi ý kiến của người yêu, kể cả việc xin đi uống bia cùng đồng nghiệp".

Thỏa mãn nhu cầu tình dục

Trong bất kỳ cuộc "sống thử" nào cũng không thể thiếu vắng đi nhu cầu quan hệ tình dục của giới trẻ. Tình dục là thành phần không thể thiếu của tình yêu và nó là một thứ gia vị, một chất xúc tác để tình yêu bền chặt và thăng hoa.

Tình dục phải có chỗ đứng nhất định của nó trong mỗi mối quan hệ đôi lứa. Thế nhưng một tình yêu đặt trên nền tảng chủ yếu là tình dục thì thật mong manh, và tình yêu ấy có thể tồn tại không lâu.

Nghĩa là "sống thử" để được tình dục, mục đích hướng tới chỉ vì muốn có được điều đó, thì chuyện chia tay có thể xảy ra. Và điều thiệt thòi lớn nhất vẫn chính là những phái yếu.

Khi được hỏi: "Có phải sống thử là để thỏa mãn nhu cầu tình dục không?" đã có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên hoàn toàn đồng ý với cách suy nghĩ trên.

N.T.T (Sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ) bày tỏ quan điểm: "Thời hiện đại nên mọi thứ nên thoáng hơn rất nhiều, rất nhiều người chỉ trích việc sống thử để thỏa mãn nhu cầu tình dục cho cả đôi bên quá sớm khi chưa cưới, nhưng mình không đồng tình quan điểm ấy. Bởi đã yêu nhau thật lòng, thì câu chuyện tình dục là... chuyện nhỏ. Mình không quan trọng là trước hay sau kết hôn.

Bản thân mình thường quan niệm tình dục là điều kiện để tồn tại của tình yêu trong thời gian sống thử. Khi sống thử mà không xảy ra chuyện tình dục thì mối quan hệ cần phải được xem xét lại, bởi có thể chưa tin tưởng nhau thật sự".

Sống thử để thỏa mãn điều gì? - 3

Có phải sống thử là để thỏa mãn nhu cầu tình dục không?

Tương tự, B.T.M (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Dù xảy ra "chuyện đó" trước hay sau ngày cưới, trong thời gian sống thử không phải là vấn đề đáng lưu tâm. Với mình, tình yêu và tình dục luôn song hành cùng nhau".

Nhưng là con gái, lại có suy nghĩ như thế, liệu có sợ bị đánh giá là "thoáng", cởi mở quá không? T.M. nói: "Vấn đề này là chuyện bình thường, là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Tại sao lại khắt khe và cho rằng không nên? Thay vì vậy, hãy quan tâm đến vấn đề an toàn và có trách nhiệm với hành động ấy".

Tuy nhiên vẫn có ý kiến trái chiều, không đồng tình với quan niệm "sống thử để thỏa mãn nhu cầu tình dục".

"Không thể chấp nhận "ăn cơm trước kẻng" khi đang trong quá trình tìm hiểu nhau, nhất là khi sống thử cả hai vẫn đang còn quá trẻ, chỉ có những cảm xúc bâng quơ, chưa có suy nghĩ chín chắn.

Với con gái, càng nói không với chuyện này. Bởi lẽ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như có thai ngoài ý muốn, rồi lỡ không thể đến được với nhau, sau này yêu một người con trai khác, rồi liệu họ có chấp nhận không?...", Đinh Thị Phấn (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói.

Cùng quan điểm, Đỗ Thu Hiền (Sinh viên Học viện Ngân Hàng cũng bảo: "Mình cho rằng không nên quan hệ tình dục trong thời gian sống thử. Tại sao phải vội vã và gấp gáp lao vào nhau, để xảy ra "'chuyện ấy" khi chưa thực sự có độ an toàn trong mối quan hệ? Với mình, dù có thể bị chê là "cổ lỗ sĩ", có quan niệm lạc hậu đi chăng nữa thì vẫn nói không với việc tình dục trong thời gian sống thử".