Bình Định:

Giúp thanh niên vùng cao vượt khó vươn lên làm giàu

Doãn Công

(Dân trí) - Nhờ vào những chương trình thiết thực, hành động cụ thể, những năm gần đây, huyện đoàn An Lão (Bình Định) là cầu nối tiếp sức cho nhiều thanh niên vùng cao vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Đồng hành cùng thanh niên

Anh Nguyễn Văn Diện (33 tuổi, ở thị trấn An Lão, huyện vùng cao An Lão, Bình Định) là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu.

Giúp thanh niên vùng cao vượt khó vươn lên làm giàu - 1

Huyện đoàn An Lão hỗ trợ anh Nguyễn Văn Diện (Ảnh: Huyện đoàn An Lão).

Năm 2019, qua tìm hiểu sách báo, xem trên truyền hình, nhận thấy nhiều mô hình nuôi gà thương phẩm có tiềm năng phát triển.

Nghĩ là làm, anh Diện mạnh dạn đầu tư chuồng trại và mua 100 con gà giống nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, do chưa trang bị kiến thức đầy đủ, kinh nghiệm chưa có, nên đàn gà bị bệnh chết gần hết.

Nắm bắt được những khó khăn của anh Diện, Huyện đoàn An Lão đã giới thiệu anh tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình nuôi gà thương phẩm trong và ngoài huyện. Cùng với đó, Huyện đoàn đã tạo điều kiện để anh Diện được tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ tiền mua lại con giống, thức ăn...

Nhờ vậy, anh Diện xây dựng chuồng trại bài bản hơn và nuôi hơn 1.000 con gà trên đệm lót sinh học. Anh Diện nuôi gà theo kiểu gối đầu, một đợt anh nuôi 500 con, khoảng một tháng sau anh nuôi tiếp 500 con.

Giúp thanh niên vùng cao vượt khó vươn lên làm giàu - 2

Anh Diện trở thành tấm gương thanh niên vượt khó ở huyện vùng cao An Lão nhờ vào mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học (Ảnh: Huyện đoàn An Lão).

Nếu chăm sóc tốt, gà ít dịch bệnh thì chỉ hơn 3 tháng là xuất bán. Mỗi đợt bán 500 con gà thương phẩm, bình quân cho thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu đồng/năm.

Theo anh Diện, ưu điểm của mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học là gà ít dịch bệnh, con gà khỏe mạnh sẽ lớn nhanh hơn.

Bên cạnh đó, giúp giảm công dọn dẹp thường xuyên do phân gà tự phân hủy, ít mùi hôi. Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, các chất lót đệm được thu gom, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng.

"Nhờ được tổ chức Đoàn quan tâm, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tổ chức các lớp tập huấn rồi giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, tôi càng có thêm động lực, quyết tâm làm giàu.

Hiện nay, tôi đang đầu tư mở rộng chuồng trại, liên kết chăn nuôi với bạn hàng để hướng tới lập nghiệp bền vững hơn", anh Diện chia sẻ.

Xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết, giải quyết đầu ra sản phẩm

Theo anh Đinh Văn Nghin, Bí thư Huyện đoàn An Lão, bằng những hành động cụ thể, thiết thực của tổ chức Đoàn cấp trên, cũng như sự tiếp sức của tổ chức Đoàn cơ sở, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn huyện An Lão ngày càng phát triển hiệu quả.

Giúp thanh niên vùng cao vượt khó vươn lên làm giàu - 3

Mô hình nuôi chồn hương giúp gia đình chị Phạm Văn Kiều Diễm thu nhập gần 200 triệu đồng/năm (Ảnh: Huyện đoàn An Lão).

Không chỉ vượt khó, thoát nghèo, nhiều đoàn viên thanh niên đã trở thành những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế.

Điển hình là hộ chị Phạm Văn Kiều Diễm (xã An Hòa) thành công với mô hình nuôi chồn hương, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; hay anh Nguyễn Mạnh Cường (28 tuổi, ở xã An Tân) khởi nghiệp thành công từ nghề chạm khắc gỗ, thu nhập đạt gần 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…

Trong giai đoạn năm 2017-2022, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm; có 94 thanh niên đi xuất khẩu lao động; 9/10 đoàn xã, thị trấn có nguồn ủy thác, có 22 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 982 hộ vay, tổng dư nợ hơn 50 tỷ đồng.

Đồng thời, đã có 6 dự án phát triển kinh tế của thanh niên được vay gần 800 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn.

"Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục đổi mới các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ đoàn viên thanh niên, trọng tâm là tổ chức dạy nghề; hướng dẫn, tư vấn giúp thanh niên nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất.

Cùng với đó, những mô hình hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững", anh Nghin cho hay.

Anh Nghin cũng cho biết thêm, theo định hướng của UBND huyện, về lâu dài phải xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho mặt hàng nông sản, sản phẩm của nông dân cũng như đoàn viên thanh niên.