Giới trẻ khủng hoảng vì bạo lực ngôn ngữ gây "sát thương" hơn cả đòn roi
(Dân trí) - Chúng ta đều từng trải qua cảm giác tổn thương vì lời nói của người khác. Ranh giới giữa việc nhận xét để nhìn nhận lỗi sai và bạo lực ngôn ngữ mỏng như một sợi chỉ…
Body shaming, chế nhạo, cười cợt… đều là hành động bạo lực ngôn ngữ. Đôi khi trong cuộc sống, một số người xem sự chế nhạo ấy là trò đùa vui. Vậy nhưng, một câu chuyện sẽ không được coi là đùa khi nhân vật chính cảm thấy ức chế và phát sinh cảm xúc tiêu cực.
Điều đáng sợ của bạo lực ngôn ngữ là người ta "chết dần chết mòn" từ trong tâm thức. Khi hành động ấy kéo dài, cảm xúc "bùng nổ" dẫn đến những cái kết đáng tiếc.
Nguyễn Hoàng Phương Linh (sinh năm 1999, sinh viên ĐH Thương mại) kể rằng cô từng bị bạo lực ngôn ngữ khi học cấp 3 và trong quá trình làm người mẫu ảnh thời sinh viên. Đối với Linh, một người không thể hiện cảm xúc ra bên ngoài nét mặt khác với việc họ cảm thấy tổn thương sâu sắc từ bên trong.
Bẵng đi một thời gian dài, Linh để nỗi buồn bị đánh giá tiêu cực ấy sang một bên, cố gắng hoàn thiện bản thân. Lên đại học, cô bén duyên với công việc người mẫu ảnh.
"Mình ý thức được vẻ đẹp hình thể với người mẫu ảnh rất quan trọng. Nhưng có đôi lần mình mất kiểm soát cân nặng, thân hình hơi mũm mĩm chút. Lúc đi làm thì có người đùa cợt "dạo này béo quá", rồi "khiếp, tăng cân kinh quá"... Cảm xúc của mình khi ấy là chạnh lòng, tủi thân".
Những lời nói tưởng chừng "đùa bình thường" nhưng hóa ra đôi lúc lại khiến người nghe cảm thấy bị tổn thương, không được tôn trọng. Bản thân Phương Linh cho rằng, nhiều người vẫn không biết lời nói đùa và bạo lực ngôn ngữ có ranh giới cực mỏng. Chỉ cần sơ sẩy một chút là từ nói đùa biến thành nỗi buồn của đối phương. Đừng đùa kiểu bạo lực lời nói, vì bạn vui cười không có nghĩa là người nghe cũng cảm thấy thoải mái.
Lê Hồng Phúc (người mẫu ảnh, TPHCM) vẫn cảm thấy hoảng hốt khi nhớ lại quãng thời gian bị phán xét, mạt sát trên mạng xã hội. Với anh, mạt sát là con dao cắt đứt hy vọng của một người khi họ đang rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Lê Phúc thẳng thắn bày tỏ: "Có thể khi người ta nói ra người ta lại không nghĩ đến và không đặt mình ở vị trí của người nghe cảm nhận. Mình từng phải chịu những lời nói tổn thương, mạt sát từ người xa lạ. Họ không biết gì về mình và cũng không nhìn nhận đúng sai câu chuyện đang diễn ra mà chỉ biết chỉ trích để thỏa mãn bản tính "anh hùng bàn phím". Thời điểm đó tâm lý của mình ảnh hưởng rất nhiều. Là một nạn nhân của bạo lực ngôn ngữ nên mình hiểu rằng, thứ bạo lực này còn đau đớn, tàn nhẫn hơn cả đòn roi".
Trước đó, ngày còn học cấp 2 rất nhiều lần Phúc đứng trước gương bất lực bật khóc vì những lời miệt thị, chê bai ngoại hình. Anh nhớ lại: "Ngày đó da mình đen, mặt dậy thì lên mụn rồi ngoại hình cũng không có gì nổi bật cả. Có người nói là "quá xấu để làm người mẫu", nhưng chính những lời nói đó đã khiến mình hoàn thiện bản thân, theo đuổi được ước mơ trở thành người mẫu ảnh.
Và hiện giờ, song song với công việc người mẫu ảnh mình cũng mở các khóa dạy catwalk và kỹ năng người mẫu cho các bạn trẻ. Mình hy vọng rằng ai cũng đều đặc biệt và nên cảm thấy tự hào với bản thân. Dù có thay đổi để tốt hơn hay thế nào đi nữa thì cũng nên vì chính mình trước chứ không phải để làm hài lòng những người làm tổn thương mình".
Đình Đức (sinh năm 2003, ĐH Hòa Bình) cảm thấy ngột ngạt vì câu nói này của bố và sự so sánh hơn thua với hình tượng "con nhà người ta". Mỗi lần bố đưa anh lên "bàn cân" để so sánh, Đức buồn và suy nghĩ rất nhiều.
Đình Đức kể: "Mình chia sẻ câu chuyện này với mong muốn bố sẽ hiểu và thông cảm cho mình thôi. Ở nhà mình có một số bạn không học cấp 3 mà đi làm kiếm tiền luôn. Thế nên đôi khi bố mình so sánh việc mình chưa làm ra tiền và bạn bè đi làm từ sớm. Hay lúc kết quả học không như ý muốn, bố cũng lại đưa hình ảnh "con nhà người ta".
Mình biết rằng bố chỉ nói lúc đấy và luôn ủng hộ chuyện học của mình nhưng ngôn ngữ, câu từ mà bố dùng lại vô tình khiến mình tổn thương. Suốt một thời gian mình luôn nghĩ bản thân vô dụng, "không làm gì nên hồn".
Vô hình trung lại có một áp lực đè nén khiến mình rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Cũng may là bây giờ mình đã vượt qua được cảm giác đó và tự tin hơn vào bản thân. Mình chỉ hy vọng rằng mỗi ông bố bà mẹ hãy hiểu cho con cái, đừng mang con mình ra để so sánh với "con nhà người ta". Vì bản thân con cái cũng luôn muốn nỗ lực đạt được kết quả tốt nhất".
Chị Nguyễn Hiểu Linh (Diễn giả, giảng viên trung tâm Kỹ năng sống SVN) cho rằng, bạo lực ngôn ngữ nghe qua tưởng là vấn đề mới nhưng nó không hề mới chút nào. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.
Thứ nhất, từ phía bố mẹ muốn dạy con cái nhưng không khéo léo trong việc truyền tải thông điệp, nội dung nên vô tình để con trẻ nghĩ sai sự việc, dẫn đến những tổn thương không đáng có.
Thứ hai, bản thân người dùng bạo lực ngôn ngữ đã từng bị đối xử không công bằng nên có tâm lý muốn người khác cũng rơi vào cảnh đó. Đây có thể là một dạng ám ảnh tâm lý.
Thứ ba, tâm lý ghen tị, hơn thua muốn lấy người khác ra làm trò đùa cười cợt để mua vui của các "anh hùng bàn phím" mà không ý thức được hậu quả của hành động này để lại.
Thứ tư, cách giáo dục con trẻ chưa được sát sao, không để ý tới cách các bạn dùng ngôn từ để có sự giáo dục, định hướng kịp thời.
Ngày nay khi công nghệ mạng mọi thứ phát triển hơn, người ta vô tình trở thành kẻ sát nhân ẩn mình sau màn hình và làm tổn thương người khác. Không cần thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà họ chỉ cần dùng ngôn ngữ để lăng mạ tổn thương ai đó. Và vết thương nỗi đau mà ngôn từ kém duyên ấy mang lại thì đau hơn cả đòn roi.
Dù ngôn ngữ vô tình hay cố ý mà thành bạo lực làm tổn thương người khác thì đều đáng phê phán. Mỗi người cần cân nhắc khi sử dụng ngôn từ cả ngoài đời và trên mạng. Bởi cách giao tiếp của bạn sẽ phản ánh chính con người bạn và đôi khi mang tới hiệu quả vun vén mối quan hệ hoặc có thể là để lại hậu quả đáng tiếc với người khác.