Giới trẻ bất bình vì các tệ nạn 18+ trên mạng xã hội: Cần giới hạn độ tuổi
(Dân trí) - Các thông tin mang tính dung tục, phản cảm tràn lan trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực tới tâm sinh lý của giới trẻ và thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây.
Hàng loạt các nội dung độc hại xuất hiện trên mạng xã hội
Các nội dung phản cảm, đồi trụy tràn lan trên các hội, nhóm Facebook từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Gần đây, các hội, nhóm mang danh trẻ vị thành niên nhưng đăng tải các nội dung độc hại, chuyên nhắm vào các vấn đề nhạy cảm như quan hệ tình dục, gây xích mích, bôi nhọ hình ảnh khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thậm chí độ tuổi sử dụng thành thạo các nền tảng này ngày càng trẻ hóa. Việc bắt gặp một bạn học sinh cấp 1, 2 có điện thoại thông minh là khá phổ biến. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, học sinh - sinh viên online càng nhiều, với lí do chính đáng là học trực tuyến.
Bên cạnh giúp các bạn trẻ tiếp thu những thông tin hữu ích, duy trì việc học không bị gián đoạn, điện thoại thông minh và mạng xã hội còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Khi các nội dung không được kiểm soát, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện hình ảnh, video khiêu dâm 18+, nội dung bạo lực, lừa đảo...
Suy nghĩ về vấn đề này của giới trẻ như thế nào? Phóng viên Báo Dân trí ghi nhận những quan điểm của người trẻ về vấn đề này.
Các bạn trẻ sẽ bị dụ dỗ và vấy bẩn nếu thực trạng này tiếp tục diễn ra
Bạn Minh Tùng, sinh viên năm thứ 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Mình cảm thấy việc nhiều hội, nhóm mang danh vị thành niên có nội dung 18+ phát tán trên mạng xã hội là một vấn đề rất quan ngại. Bởi những nội dung "người lớn" độc hại đó sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới người xem đặc biệt là trẻ em sẽ khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc, không phân biệt đúng sai, tệ hơn là bị dụ dỗ và vấy bẩn, học theo chửi bới, lăng mạ người khác".
"Nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này có thể kể đến như để thỏa mãn nhu cầu của người lập nhóm, "câu" tương tác, lượt xem để trục lợi, kiếm tiền, quảng cáo,… Tuy nhiên việc đội lốt trẻ vị thành niên này có thể đang ngụy trang, khiến người lớn không quan tâm và bỏ qua nó. Từ đó, họ có thể thoải mái đăng những nội dung họ muốn bao gồm những nội dung bậy bạ, gây xích mích, chửi bới lẫn nhau và hình thành nên một nhóm độc hại", Minh Tùng nói thêm.
Những nội dung độc hại mang tính chất khiêu dâm, dụ dỗ trẻ vị thành niên đang được lan truyền một cách chóng mặt gây tổn hại rất lớn tới sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Không chỉ vậy, quá chìm đắm vào thế giới ảo của mạng xã hội, các bạn trẻ sẽ dễ mắc một số bệnh về mắt, lười vận động dẫn đến tinh thần uể oải. Hơn nữa, việc học sẽ bị lơ là, kết quả giảm sút đáng kể.
Bạn Quỳnh Trang, sinh viên năm thứ 3, Đại học FPT Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: "Có thể thấy, một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc và cảm thấy có hứng thú với nội dung phản cảm đó. Đặc biệt là tuổi vị thành niên - tuổi "tập lớn" chưa hiểu rõ được các mặt vấn đề, chưa xác định được đâu là văn minh, đâu là phản cảm. Hơn nữa, đây cũng là trách nhiệm trong giáo dục của gia đình và nhà trường khi chưa thật sự sát sao, chỉ bảo để hình thành nên lối sống lành mạnh, trang bị cách bảo vệ bản thân cho một bộ phận người trẻ".
Tự do ngôn luận là có quyền bôi nhọ, lăng mạ người khác?
Bên cạnh những bài đăng với nội dung đồi trụy thì thực trạng bôi nhọ danh dự của người nổi tiếng của một bộ phận giới trẻ cũng là một điều đáng lưu tâm.
Quỳnh Trang bộc bạch: "Một bộ phận cộng đồng mạng ở Việt Nam cư xử rất thiếu lịch sự, họ thường hùa theo số đông bôi nhọ, xúc phạm người nổi tiếng mặc kệ đúng sai. Họ dùng những lời lẽ thô tục tấn công tinh thần người khác ở mức độ kinh khủng. Không chỉ người nổi tiếng, họ có thể sử dụng lời nói để hạ bệ, làm nhục bất cứ ai. Điều này cũng một phần do lối sống, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ còn nông cạn, chủ quan. Sự ganh ghét khiến họ mang tự do ngôn luận đi khắp nơi để ném đá bất cứ người nào họ muốn".
Đồng tình với Quỳnh Trang, bạn Ngọc Quỳnh, sinh viên năm 2, trường Đại học Thương mại chia sẻ thêm: "Thực trạng bôi nhọ hình ảnh, danh dự người nổi tiếng đang tràn lan trên mạng xã hội với nội dung thô thiển. Chẳng biết mục đích cuối cùng cho những trận chiến "bàn phím online" này là gì nhưng với mình, hành động này đang phản ánh nhận thức cũng như lối sống của mỗi người".
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là bảo vệ tương lai của chúng
Ngọc Quỳnh đề xuất một số biện pháp: "Mình cảm thấy các nền tảng mạng xã hội cần có những chính sách thắt chặt hơn trong việc tạo lập tài khoản của người dùng như giới hạn độ tuổi, yêu cầu các thủ tục xác minh, xét duyệt tài khoản mới. Ngoài ra cần xóa bỏ những nhóm độc hại và có phương án xử lý với những tài khoản cố tình đăng video phản cảm.
Với người dùng mạng xã hội, mọi người nên thực hiện hành động báo cáo để gỡ bỏ các nội dung độc hại đó. Ngoài ra, gia đình và nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với nhau để giáo dục và cung cấp cho người trẻ kiến thức cũng như kỹ năng sống để các em phát triển lành mạnh".
Thạc sĩ tâm lý - Giảng viên kỹ năng mềm Cao Thị Thùy Trang chia sẻ: "Để giải quyết các vấn đề trên không gian mạng, các bạn trẻ cần trang bị kiến thức và kỹ năng thường xuyên. Nhà trường có thể lồng ghép các nội dung kỹ năng sử dụng mạng xã hội vào các giờ học để các em biết cách khai thác hiệu quả mạng xã hội và tránh những tình huống xấu.
Về phía gia đình, bố mẹ và người thân cũng nên cập nhật tình hình các nhóm, trào lưu nguy hại trên mạng xã hội để bảo vệ con em mình. Bố mẹ nên thường xuyên quan tâm, động viên các em trong học tập, chia sẻ và trò chuyện cùng các em nhiều hơn, đặc biệt trong lứa tuổi "học làm người lớn" dễ bị lôi kéo".
Những tác động từ gia đình và nhà trường là vô cùng cần thiết cho các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là chính bản thân các em.
Chị Thùy Trang hướng dẫn: "Các bạn trẻ nên biết cách chọn lọc thông tin phù hợp, kiểm tra thông tin kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Hãy kết bạn với những người bạn tốt để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nếu các em nhận thấy được việc đang bị kẻ xấu chú ý, hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị, thầy cô… hay bất kì người lớn nào các em tin tưởng, có kiến thức, kinh nghiệm sống tốt.
Đừng âm thầm tìm hiểu vì tò mò, bởi đôi khi đó là cạm bẫy đầy nguy hiểm. Nếu các em có mong muốn tìm hiểu những kiến thức về tình dục, sức khỏe hoặc các vấn đề khác, các em có thể tìm kiếm các kênh chính thống và uy tín, nếu không hãy nhờ tới bố mẹ hoặc thầy cô".