Gen Z thấy bất bình, tổn thương khi bị cha mẹ lục tin nhắn riêng tư

Diệu An

(Dân trí) - "Phụ huynh xâm phạm không gian riêng tư, biến con cái mình thành đối tượng chịu sự công kích công khai là tự cho thấy cách giáo dục sai lầm".

Gần đây, cộng đồng mạng nổi lên tranh cãi xung quanh chuyện một người mẹ nổi tiếng lên mạng xã hội kể về việc phát hiện nội dung nhạy cảm trong máy điện thoại của con. Vì tức giận, người mẹ đã đập điện thoại và chia sẻ câu chuyện lên mạng để cảnh báo các ông bố bà mẹ khác.

Trước sự việc trên, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự bất bình về việc bố mẹ đem chuyện thầm kín của mình kể cho nhiều người nghe.

Giới trẻ bất bình khi bố mẹ tự ý kiểm tra điện thoại của con

T.D.M (Nghệ An) cho biết, cậu từng bị bố mẹ xem tin nhắn trên một số diễn đàn khi còn là học sinh lớp 8. Khi đó, cậu trò chuyện cùng một số bạn mới quen qua mạng khi chơi game. Mặc dù biết hành động lén xem tin nhắn bắt nguồn từ sự lo lắng của bố mẹ, nhưng cậu vẫn giận họ vì đã tự ý đăng nhập, xem mọi thứ ở trên trang cá nhân của cậu. Không những thế, những tin nhắn riêng tư đó còn được bố mẹ kể cho bạn bè, thầy cô của D.M nghe, khiến cậu cảm thấy xấu hổ.

Gen Z thấy bất bình, tổn thương khi bị cha mẹ lục tin nhắn riêng tư - 1

Như Ngọc chưa bị bố mẹ kể xấu trên mạng xã hội và cảm thấy không gian riêng tư của bản thân vẫn được đảm bảo (Ảnh: NVCC).

Bạn Như Ngọc (Hà Nội) cho rằng nếu ở trong hoàn cảnh bố mẹ lén xem điện thoại của mình, cô sẽ cảm thấy buồn và bất lực, bởi theo cô, điện thoại là đồ dùng riêng tư. Bố mẹ Ngọc mặc dù chưa từng lục điện thoại của con nhưng đã từng cắt mạng để hạn chế cô giao tiếp với bạn bè trên mạng.

T.V.A (Hà Nội) nghĩ rằng hầu như bạn trẻ nào cũng đã từng ít nhất một lần bị bố mẹ "nói xấu" với bạn bè; thường gặp nhất là những câu như "ở nhà nó lười lắm", "học hành chán lắm"… T.V.A cũng có một vài lần bị bố mẹ chê và kể cho bạn bè nghe về thói xấu của cô.

"Mình không muốn trở thành đề tài của một cuộc trò chuyện vắng mặt nào và tùy trường hợp mà mình có những phản ứng khác nhau. Nếu bị bố mẹ trêu vui thì không sao. Hạnh phúc thay, bố mẹ mình ít khi đem chuyện trong nhà ra để bàn luận với người ngoài", T.V.A nói.

Quỳnh Trang thẳng thắn chia sẻ: "Ngày trước, có duy nhất một lần mẹ đọc được tin nhắn của mình do mình đăng nhập tài khoản mạng xã hội trên máy của mẹ và quên đăng xuất. Mẹ đã thẳng thắn nói chuyện và khuyên bảo mình chứ không nói gì nặng lời cả. Ngoài ra, bố mẹ mình cũng chưa từng "kể xấu con" trên mạng xã hội. Mình cảm thấy may mắn khi có bố mẹ khá tâm lý".

Trang cho biết, cũng đã có lúc bố mẹ than phiền về cô với bạn bè nhưng cô hiểu áp lực của người làm cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái là rất lớn. Chia sẻ cũng là một trong những cách tìm ra giải pháp cho các vấn đề của họ, hay nhiều khi cha mẹ chỉ mong được tâm sự và nhận được sự đồng cảm từ những người hiểu mình. Tuy nhiên, Quỳnh Trang không ủng hộ việc cha mẹ luôn luôn đem chuyện của con cái, gia đình kể với người ngoài, thay vì thẳng thắn giải quyết với nhau.

Bạn Huyền Trang (Hải Phòng) và Quỳnh Anh (Hà Nội) cũng có bố mẹ rất tôn trọng quyền riêng tư của con. Dù điện thoại không cài mật khẩu nhưng bố mẹ cũng không xem và để con có không gian riêng.

Huyền Trang vui vẻ nói thêm: "Trong những cuộc nói chuyện phiếm với họ hàng thân thiết, bố mẹ cũng từng than phiền về sự lười biếng của mình. Mặc dù mình cũng khá xấu hổ nhưng lời bố mẹ nói đúng quá, mình không cãi được".

Gen Z thấy bất bình, tổn thương khi bị cha mẹ lục tin nhắn riêng tư - 2

Huyền Trang luôn được bố mẹ tôn trọng quyền riêng tư (Ảnh: NVCC).

Phương Thanh (Thái Bình) chia sẻ rằng bố mẹ cô khá nghiêm nhưng vẫn đảm bảo cho con có không gian riêng. Từ khi được sử dụng điện thoại, bố mẹ cô luôn nhắc nhở và có yêu cầu rõ ràng cho mục đích sử dụng điện thoại. Thanh cũng thoải mái đồng thuận với những yêu cầu đó.

Thông tin cá nhân của con cần được tôn trọng

Bạn T.V.A cũng bộc bạch: "Mình không đồng tình với hành động kiểm tra điện thoại hay tài khoản cá nhân của con khi chưa có sự đồng ý. Điều đó đã vi phạm sự riêng tư. Hơn nữa, nhiều trường hợp ngoài ý muốn không thể đổ lỗi hết cho việc trẻ em thời nay tiếp xúc sớm với Internet. Đó là nhu cầu và cũng là quyền riêng tư của mỗi người. Thay vào đó, bố mẹ cần giáo dục, định hướng cho con cái cách sử dụng điện thoại an toàn".

Quỳnh Trang không ủng hộ việc lục lọi và đem những thông tin cá nhân của con cái lan truyền ra ngoài, dù mục đích là gì. "Phụ huynh xâm phạm không gian riêng tư, biến con cái mình thành đối tượng chịu sự mạt sát, công kích công khai là tự cho thấy cách giáo dục sai lầm. Hành động đó vừa không giải quyết được vấn đề, vừa làm tổn thương con sâu sắc".

Gen Z thấy bất bình, tổn thương khi bị cha mẹ lục tin nhắn riêng tư - 3

Quỳnh Trang không muốn những đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương bởi hành động tự ý xem thông tin cá nhân của chúng (Ảnh: NVCC).

"Kiểm tra điện thoại của con không phải việc làm xấu, bởi trên mạng có quá nhiều nội dung mà chúng ta không thể kiểm soát và dễ gây ảnh hưởng xấu tới con cái. Tuy nhiên, phụ huynh nên có sự hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về mục đích, thời gian sử dụng để hạn chế tác động tiêu cực", Phương Thanh bày tỏ quan điểm.

Bạn Khánh Linh (Hải Phòng) chia sẻ: "Người lớn nên có trách nghiệm giáo dục, hướng dẫn cho con trẻ về những hành vi nên và không nên. Nhất là trong thời đại 4.0, việc trẻ em tiếp xúc với các văn hóa phẩm chứa nội dung nhạy cảm lại càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Để rút ngắn khoảng cách, phụ huynh nên trang bị cho con cái những kiến thức cần thiết và chia sẻ với con nhiều hơn".

Quỳnh Anh cũng nghĩ rằng sự va vấp hay những hành động có phần "liều lĩnh" đầu đời của con cái là chuyện thường thấy. Phần lớn, thiếu niên đều chịu sự kiểm soát của bố mẹ và không hề muốn bất kỳ ai can thiệp vào vấn đề của mình khi ở độ đang tập lớn. Chính vì thế, vai trò của bố mẹ là ở bên hướng dẫn, hỗ trợ thay vì sử dụng thông tin của con cái để bàn tán, khiến con cảm thấy bị tổn thương.

Có thể nói, đa phần thanh thiếu niên đều không thích việc bị bố mẹ hay bất cứ ai sử dụng điện thoại, máy tính - nơi chứa những thông tin cá nhân của bản thân mà chưa có sự cho phép. Có những chuyện mà mỗi người không muốn chia sẻ hoặc chưa sẵn sàng để chia sẻ và họ mong muốn giữ cho riêng mình. Chính vì thế, cha mẹ và con cái đều cần có sự sẻ chia lẫn nhau để thấu hiểu và cảm thông hơn.