Gen Z sẵn sàng chi vài chục triệu đồng mỗi tháng để... bớt cô đơn

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Hơn 1/3 người trẻ Mỹ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Họ buộc phải chi tiền cho các sự kiện, hoạt động xã hội để tìm kiếm kết nối và bạn bè.

Theo khảo sát của trường giáo dục sau Đại học Harvard, hơn 1/3 người Mỹ (18-25 tuổi) cho biết, họ thường xuyên cảm thấy cô đơn, gần như mọi lúc. Bác sĩ Vivek Murthy (Mỹ) gọi đây là "đại dịch cô đơn" và cho rằng, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng.

Lynette Ban chuyển từ New York đến Austin (Mỹ) trong thời kỳ đại dịch Covid-19 để tiết kiệm tiền. Nhưng bây giờ, sau 3 năm làm việc từ xa, cô phải chịu một khoản chi phí mới là chi phí tình bạn.

Khoản tiền đó bao gồm phí thành viên hàng năm trị giá 2.500 USD (khoảng 60 triệu đồng) cho câu lạc bộ xã hội Soho House và phí hàng năm 500 USD (hơn 12 triệu đồng) cho chương trình tập luyện thể dục.

Đó là chưa kể đến số tiền cô chi cho những bữa trưa và bữa tối cùng bạn ở nhà hàng. Lynette Ban ước tính, cô chi ít nhất 500 USD (hơn 12 triệu đồng) mỗi tháng cho các hoạt động nhằm kết bạn và duy trì kết nối.

Gen Z sẵn sàng chi vài chục triệu đồng mỗi tháng để... bớt cô đơn - 1

Lynette Ban (phải) tham gia lớp học làm mỳ ống để quên đi nỗi cô đơn (Ảnh: Lynette Ban).

Nhiều thanh niên, đặc biệt là những người không thể kết bạn nơi làm việc, đang cố gắng chống lại sự cô đơn bằng cách tham gia các hoạt động xã hội để gặp gỡ những người mới.

Mỗi tháng, William Cabell (24 tuổi, kỹ sư phần mềm) chi 70 USD (1,7 triệu đồng) cho thẻ thành viên tại phòng tập leo núi và 161 USD (3,9 triệu đồng) tại phòng tập võ thuật. Mục tiêu chính của Cabell khi tham gia 2 phòng tập không phải rèn luyện sức khỏe mà là giao lưu, kết bạn.

"Những loại hoạt động này giúp quá trình kết bạn dễ dàng hơn, bởi chúng có xu hướng gắn kết, tương tác nhiều. Bạn buộc phải trò chuyện, cùng luyện tập với những người ở đó để làm quen và dần xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn", Cabell nói.

Số lượng thành viên thế hệ Z (những người sinh năm 1997-2012) của thương hiệu thể hình Orangetheory Fitness đã tăng 200% trong khoảng từ năm 2019 đến nay.

Kelly Lohr - giám đốc tiếp thị của Orangetheory Fitness - cho biết: "Việc mong muốn có thể kết nối với nhiều người để kết bạn là yếu tố lớn đang thúc đẩy sự tăng trưởng thành viên của chúng tôi với thế hệ này".

Gen Z sẵn sàng chi vài chục triệu đồng mỗi tháng để... bớt cô đơn - 2

Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, Gen Z Mỹ đến phòng tập để kết bạn (Ảnh: Orangetheory Fitness).

Soho House - một câu lạc bộ có mục đích hoạt động là quy tụ những người có cùng tư duy sáng tạo gặp gỡ, thư giãn, vui vẻ và phát triển - cho biết, Gen Z là nhóm có lượng người tham gia tăng vọt, bất chấp chi phí đóng góp cao.

Tư cách thành viên tại địa điểm New York (Mỹ) của Soho House có giá khoảng 1.300 USD (31,6 triệu đồng) mỗi năm đối với những người dưới 27 tuổi. Để có tư cách thành viên của tất cả địa điểm, người tham gia cần chi tới 3.575 USD (gần 87 triệu đồng).

Các xưởng nghệ thuật cũng chứng kiến sự gia tăng vượt trội số lượng người tham dự là Gen Z. Rebecca Schweiger - người sáng lập The Art Studio NY - cho rằng, Gen Z đang tham gia các lớp học nghệ thuật để tìm kiếm tình bạn, bên cạnh sự thỏa mãn cá nhân.

Gen Z sẵn sàng chi vài chục triệu đồng mỗi tháng để... bớt cô đơn - 3

Các lớp học nghệ thuật cũng trở thành nơi Gen Z tìm kiếm bạn bè (Ảnh: The Art Studio NY).

Schweiger cho hay: "Việc kết bạn, giao lưu với nhau ở các lớp học nghệ thuật khá phổ biến. Đầu tiên, các bạn làm quen, giúp đỡ nhau trong môi trường lớp học rồi sau đó trở nên thân thiết hơn, trở thành bạn bè ngoài đời".

Cho rằng việc chi tiêu cho các trải nghiệm tại phòng tập, xưởng nghệ thuật... là xứng đáng nhưng Gen Z cũng lo lắng về sự bất ổn tài chính khi tình hình kinh tế không mấy khả quan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm