Sử dụng AI làm luận văn, sinh viên có nguy cơ bị thu bằng
(Dân trí) - Nhằm xử lý mối lo ngại ngày càng tăng về gian lận học thuật, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang đề xuất thu hồi bằng tốt nghiệp của sinh viên nếu họ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo.
Theo dự thảo luật đang được cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc xem xét, sinh viên có thể bị tước mất bằng nếu sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) làm luận văn.
Dự thảo này được đưa ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ đạo văn và việc sử dụng AI trong môi trường học thuật.
Theo truyền thông nhà nước, dự thảo luật cũng cho phép thu hồi bằng cấp của sinh viên nếu chúng được cấp thông qua hối lộ hoặc giả mạo danh tính.
Loạt phần mềm trí tuệ nhân tạo "mọc lên"
Mối lo ngại về việc sinh viên sử dụng công nghệ để gian lận ngày càng gia tăng kể từ khi ChatGPT (phần mềm chat tự động) nổi lên dẫn đầu thị trường vào cuối năm ngoái.
ChatGPT và các ứng dụng tương tự đã bùng nổ phổ biến tại Trung Quốc, kể cả trong giới sinh viên. Trên mạng, những bài đăng chia sẻ mẹo sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ công việc học tập, từ nghiên cứu đến làm luận văn, ngày càng phổ biến.
Một cuộc tìm kiếm nhanh trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, có nhiều bài đăng hướng dẫn sử dụng các công cụ AI để viết luận văn. Thậm chí, một số bài đăng chào mời người dùng với khả năng hoàn thành luận văn cử nhân trong 3 ngày nhờ sự trợ giúp của ChatGPT.
Các phương tiện truyền thông cũng hướng dẫn cách học sinh sử dụng công nghệ này để viết bài hoặc làm bài tập ở trường.
Shangguan News - cơ quan truyền thông có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc - đưa tin vào tháng 3 rằng, nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc đã phát hiện ra khoảng 40% sinh viên đại học ở Thượng Hải (Trung Quốc) sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc nghiên cứu.
Khó khăn trong việc ngăn chặn học sinh, sinh viên lạm dụng AI
Để ngăn chặn việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều trường đại học và tạp chí học thuật trên khắp thế giới đã đưa ra các quy tắc, hướng dẫn sử dụng AI.
Ví dụ, Đại học Tế Nam (Trung Quốc) cho biết, môn triết học và khoa học xã hội không chấp nhận các bài luận văn được sao chép một phần hoặc hoàn toàn bởi bất kỳ mô hình trí tuệ nhân tạo nào.
Các tác giả sẽ cần giải thích việc sử dụng những công cụ trí tuệ nhân tạo trong bài luận văn của họ.
Đại học Hong Kong (Trung Quốc) áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với các công cụ AI vào đầu năm nay. Tuy nhiên hiện tại, trường đại học này cho phép giáo viên sử dụng công cụ AI làm trợ giảng.
Ngoài ra, Đại học Hong Kong cũng cung cấp cho sinh viên quyền truy cập miễn phí vào ChatGPT, nhưng có giới hạn nghiêm ngặt về số lần sử dụng mỗi tháng.
Giáo sư thực hành Chu Yongmei cho biết: "Đối với luật đề cập đến công nghệ mới, điều quan trọng là phải tiến hành tham vấn với các bên liên quan để hiểu cách nó đang được sử dụng, nhất là những ưu và nhược điểm của việc sử dụng công nghệ đó cho việc học tập của sinh viên".
Giáo sư Chu cho biết, cuộc tham vấn sẽ giúp hiểu rõ hơn về tác động rộng rãi đối với học sinh, giáo viên, người quản lý trường học và cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, xác định các cách để tận dụng tác động tích cực của công nghệ này, giảm thiểu nguy cơ bị lạm dụng.
"Luật chỉ có hiệu lực nếu nó được thi hành. Nếu không có định nghĩa hoặc cách rõ ràng để phát hiện việc sử dụng AI trong thi cử, luật sẽ không có tác dụng như mong muốn", bà nói thêm.
Vào tháng 4, cơ quan truyền thông nhà nước People's Daily, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cùng viện nghiên cứu AI ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) ra mắt AIGC-X - máy dò nội dung AI đầu tiên ở Trung Quốc.
Các nhà phát triển khẳng định, công cụ này có thể phân biệt văn bản do con người tạo ra và văn bản do trí tuệ nhân tạo tạo ra với độ chính xác trên 90%.