Gen Z ở Mỹ: Hưởng thụ trước, làm việc sau

Đức Chung

(Dân trí) - Ở Mỹ, nhiều sinh viên hoặc người trẻ mới tốt nghiệp đang có những kỳ nghỉ dài. Thậm chí một số còn sẵn sàng chi trả cho những chuyến đi đắt đỏ hơn so với khả năng tài chính.

Gen Z ở Mỹ: Hưởng thụ trước, làm việc sau - 1

Nhiều Gen Z tự nhủ: Tại sao phải đi làm trong khi bạn có thể rong chơi? (Ảnh: Getty Images).

Cameon Wade cảm thấy đại dịch đã cướp đi tuổi 20 của cô. Vì vậy, sau khi đăng ký vào lớp điện ảnh của Viện phim Prague (CH Séc), cô đã đi du lịch khắp châu Âu vào mùa hè này. Ban đầu, Wade chỉ định đến Prague để học, nhưng cuối cùng cô lại rong ruổi ở 7 thành phố châu Âu trong 3 tuần để bù cho quãng thời gian ở nhà do đại dịch.

Theo khảo sát hồi tháng 4 của Bankrate, 72% Gen Z trong độ tuổi 18-25 cho biết sẽ đi hưởng thụ - tỷ lệ cao hơn các nhóm tuổi khác.

Dù vậy, lựa chọn nghỉ ngơi, rong chơi dài ngày không phải là một quyết định dễ dàng. Ở Mỹ, người trẻ trong độ tuổi 18-24 có mức thu nhập thấp hơn so với các thế hệ lớn tuổi hơn, theo một nghiên cứu mới đây của JPMorgan Chase Institute.

Tuy vậy, ngay cả khi đi nghỉ, nhiều bạn trẻ vẫn có thể kiếm tiền. Trên TikTok, hàng nghìn bạn trẻ đã đăng tải video về chuyến du lịch của họ với câu khẩu hiệu "Tôi sẽ kiếm tiền sau". Hầu hết nội dung của video là về phong cảnh đẹp hay bữa tối hấp dẫn, đồng thời mô tả sự tốn kém của những chuyến du lịch.

Hồi tháng 6, Wade đã đăng tải video lên kênh TikTok của mình với dòng chú thích: "Tôi sẽ kiếm lại tiền, nhưng sẽ không lãng phí tuổi 20 chỉ để đi dạo Paris về đêm nữa". Đoạn video đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem.

Cô cho biết đã tự chi trả mọi chi phí bằng thu nhập từ 4 tập thơ của mình và thù lao từ một công việc bán thời gian. Cô cũng tận dụng các chương trình giảm giá cho sinh viên ở các bảo tàng, sống ở những khu nhà trọ ít tiền, chọn bữa ăn giá rẻ và sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí.

Theo Cassie Holmes - giáo sư của Trường Quản lý Anderson tại UCLA - cho biết, nhiều nghiên cứu đã khẳng định sự trải nghiệm du lịch sẽ mang đến tâm lý hài lòng lớn hơn và hạnh phúc lâu dài hơn so với việc sở hữu nhiều của cải vật chất.

Holmes giải thích rằng khi già đi, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng việc có những trải nghiệm sẽ làm chúng ta vui vẻ hơn. Đại dịch chỉ đơn thuần giúp người trẻ nhận ra điều này sớm hơn.

Isabelle Lieblein (22 tuổi) dự định sẽ du học ở Đức vào năm 2020, nhưng đại dịch đã trì hoãn kế hoạch đó. Cô nói: "Trước Covid, tôi đã không đi du lịch để tiết kiệm tiền đến Đức. Nhưng rồi kế hoạch của tôi lại không thể được thực hiện. Điều này thực sự đã thay đổi cách nhìn của tôi về du lịch".

Lieblein tiếp tục làm việc trong suốt thời gian đại dịch để tiết kiệm tiền và tham dự một kỳ học ở Đức sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Cô đã đi đến 19 quốc gia trong thời gian du học và chi trả toàn bộ chuyến đi bằng tiền tiết kiệm.

Trong suốt hành trình du ngoạn ở châu Âu, Lieblein đã phỏng vấn xin việc ở một số nơi để có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cô bắt đầu làm việc ở vị trí kỹ sư kiểm định chất lượng toàn thời gian vào tháng 2. Trên TikTok, cô cũng chia sẻ một nội dung khuyến khích người trẻ nên đầu tư cho những chuyến du lịch, sau khi cô đã kiếm lại được số tiền đã chi trả.

Cô chia sẻ thêm: "Tôi muốn tận dụng cơ hội được đi du lịch, dù điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải ăn mì gói cho đến khi nhận được khoản lương đầu tiên. Nhưng nhìn chung, đi du lịch là điều tôi cảm thấy rất có giá trị".

Theo www.wsj.com