"Đua" điện thoại xịn, đồ hiệu: Nhu cầu bình thường hay tiêu xài hoang phí?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Trên mạng xã hội những ngày gần đây xuất hiện câu chuyện "sống thật chất, thể hiện đẳng cấp thông qua việc sử dụng các món đồ đắt đỏ dù vẫn nương nhờ sự chu cấp từ gia đình".

Theo đó, nhiều bạn trẻ chưa có địa vị xã hội, thậm chí chưa có công ăn việc làm, hàng tháng vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ mà lúc nào cũng tâm niệm phải sống sao cho thật chất. "Không được cúi đầu vì nếu cúi đầu thì vương miện sẽ rơi. Làm gì có vương miện đâu mà cứ sợ rơi"!? 

Liên quan đến câu chuyện trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện và ghi nhận ý kiến của một số bạn trẻ.

Đừng nhìn lệch lạc rằng "giá trị của mình được đánh giá bằng những đồ dùng đắt đỏ"

Nguyễn Đức Lam Thảo (sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, đa số những bạn trẻ sống theo xu hướng "đừng để vương miện rơi dù thực chất chả có chiếc vương miện nào tồn tại" đổ tại tâm lý FOMO (FOMO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Fear of Missing Out, đây được coi là một nỗi sợ hay là một hội chứng sợ bị vụt mất, bỏ lỡ cơ hội).

Bản thân Lam Thảo thì có cách nhìn nhận khác: "Với mình, câu chuyện lối sống này là bởi thiếu sự tự tin vào bản thân nên mới cần thể hiện vị thế của mình với mọi người thông qua vật chất. Mình có biết một vài trường hợp bạn trẻ đua đòi thể hiện, mua những món đồ ngoài khả năng chi trả của bản thân và gia đình, chẳng hạn như điện thoại xịn, xe sang, đồ hàng hiệu…

Những trường hợp còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình thì hành vi đua đòi này là vô tâm, vô trách nhiệm với gia đình. Mình cảm thấy khá hãnh diện vì có thể tự lập về mặt tài chính, mình cũng không cảm thấy rằng sử dụng đồ đắt tiền thì sẽ nâng mình lên. Mình chỉ mua những món đồ cần thiết, bản thân yêu thích và nằm trong khả năng chi trả của bản thân".

Đua điện thoại xịn, đồ hiệu: Nhu cầu bình thường hay tiêu xài hoang phí? - 1

Ba mẹ không thế bên cạnh, lo lắng cho mình mãi được

Phan Trung Đức (cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội) đề cao tầm quan trọng của việc tự nhận thức, biết quý trọng những gì đang có ở hiện tại. Câu chuyện nhận thức mà chàng trai 9X muốn nhắc đến chính là: Mỗi người cần nhận thức được rằng bản thân phải không ngừng cố gắng trong những tháng năm còn trẻ, còn sức khỏe, còn nhiệt huyết.

Tuổi trẻ chính là quãng thời gian tốt nhất để học hỏi và khám phá. Hơn nữa, nếu không dám đương đầu khó khăn, chấp nhận đánh đổi ở hiện tại thì tương lai sẽ chẳng bao giờ gặt được thứ "quả ngọt" mình mong muốn. Nhưng đừng cứ lao đầu mải miết chỉ để kiếm tiền. Quan trọng hơn hết, hãy hiểu rằng, ba mẹ không thế bên cạnh, lo lắng cho mình mãi được. Nếu mình không thể chăm sóc chu toàn cho ba mẹ, thì chí ít hãy để họ không cần lo về mình nữa.

Đua điện thoại xịn, đồ hiệu: Nhu cầu bình thường hay tiêu xài hoang phí? - 2

Trung Đức cũng kể về câu chuyện thực tế: "Mình có một người bạn, nhà không gọi là quá giàu nhưng cũng có của ăn của để, bố mẹ vô cùng chiều con cái. Thế là nó cứ mãi vô tư, chẳng phải lo nghĩ gì từ khi bé xíu cho tới lúc học xong đại học. Ra trường gần 1 năm nhưng vẫn chưa có định hướng gì, làm việc gì cũng chưa đến 2 tháng là bỏ với lý do "chán rồi", "khó quá", "vất vả quá"...  hết tiền thì lại xin bố mẹ. Ấy vậy nhưng điện thoại mới ra là mua ngay không cần suy nghĩ. 

Mình cũng có một bạn khác, nhà còn khá giả hơn cả người bạn kể trên. Nhưng trông nó lúc nào cũng tất bật, vì kiêm nhiệm nhiều việc quá. Đi làm thêm từ đại học rồi tranh thủ học thêm. Thế rồi dần dần đi lên từ việc không có kinh nghiệm cho đến có định hướng rõ ràng. Sau 1 năm ra trường, bạn ấy đã lên chức, tự tích góp mua những món đồ giá trị. Bạn ấy từng nói với mình: "Tiền của người khác, dù cho có là bố mẹ, thì khi tiêu cũng phải dè chừng đủ thứ. Chỉ có tiền mình làm ra thì mình mới thoải mái được.

Bây giờ cậu ấm cô chiêu không còn quá xa lạ, thời đại bây giờ bố mẹ cũng có điều kiện lo cho con cái hơn thế hệ trước rất nhiều. Hai câu chuyện, một xuất phát điểm thế nhưng kết quả, cho đến hiện tại lại hoàn toàn khác nhau. Bởi vì nhận thức của mỗi người mà thôi".

Đề cao cái tôi cá nhân, lấy vật chất làm mục tiêu kiếm tiền

Trong quan điểm của Phạm Tiến Dũng (ĐH Công đoàn), việc chạy theo công nghệ,  khẳng định đẳng cấp ở một khía cạnh nào đó cũng là động lực để bạn trẻ có mục tiêu phấn đấu, kiếm tiền. 

"Nếu nhìn vào câu chuyện trên để đánh giá thì mình thấy nó khá phiến diện vì đang đánh đồng 2 vấn đề không thật sự có liên quan mật thiết với nhau. Đồng ý rằng, một số bạn sống quá phụ thuộc, không học được cách tự lập nhưng vẫn muốn thể hiện bản thân với những món đồ đắt đỏ. Nhưng suy cho cùng đó cũng là sự lựa chọn cách sống của họ và gia đình có thể đáp ứng được số tiền chi tiêu ấy nên người khác đừng nên nhìn vào đấy để đánh giá điều gì cả. 

Đua điện thoại xịn, đồ hiệu: Nhu cầu bình thường hay tiêu xài hoang phí? - 3

Hầu như các bạn trẻ thì vẫn chưa thể độc lập về kinh tế cũng như việc xin chu cấp từ gia đình ở độ tuổi đang đi học cũng là điều bình thường chứ không phải một vấn đề gì quá đáng cần phải lên án cả. "Không được cúi đầu vì nếu cúi đầu thì vương miện sẽ rơi" đó là một quan điểm sống mà giới trẻ vẫn hay hướng đến. Đó như một mục tiêu, một lời nói động viên trong chính cuộc sống của giới trẻ trước những sóng gió đầu đời. 

Cá nhân mình thì mình hiểu câu nói đó như "Bạn chính là vị vua, nữ hoàng trong chính cuộc đời mình, chỉ có bạn mới có thể quyết định được cuộc đời mình và nếu bạn bỏ cuộc cũng sẽ chẳng có ai giúp được bạn". Cho nên ở một góc độ nào đó thì câu nói đó đã ảnh hưởng tích cực đến rất nhiều bạn trẻ, nên là chúng ta hãy cứ thoải mái với quan điểm đó và đừng đánh đồng mọi thứ một cách quá tiêu cực. Nhiều bạn đề cao cái tôi cá nhân, lấy vật chất làm mục tiêu kiếm tiền". 

Độc giả có cách nhìn nhận như thế nào về câu chuyện trên, xin hãy để lại bình luận ở phía dưới!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm