"Đồng nghiệp đua nhau nghỉ việc, tôi "gánh" cả công ty trên vai"
(Dân trí) - "Suốt 18 tháng qua, nhiều ngày tôi làm việc từ lúc 4 giờ sáng và làm việc đến sau nửa đêm vì đồng nghiệp ra đi, công việc ngập mặt. Tôi cảm thấy mình "gánh" cả công ty trên vai", cô gái chia sẻ.
Cô gái tên là Rose, 29 tuổi, sống và làm việc tại London, Anh, chia sẻ: "Tôi bắt đầu làm việc lúc 4 giờ sáng ít nhất hai lần một tuần và làm việc đến sau nửa đêm trong suốt 18 tháng qua. Tôi cảm thấy mình "gánh" cả công ty trên vai vì đồng nghiệp đua nhau nghỉ việc".
Ba năm qua, số người bỏ việc tăng vọt. Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến làn sóng người nghỉ phép và hàng loạt công ty dư thừa nhân sự. Tuy nhiên, không phải chỉ những người bỏ việc (do bị ép buộc hoặc do lựa chọn) là những người duy nhất cảm thấy áp lực - những người như Rose, người bị "bỏ lại", cũng có cảm giác tương tự.
Ở lại nơi làm việc với số lượng nhân viên ngày càng giảm là một trải nghiệm gây mất phương hướng. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của bạn, bạn có thể cảm thấy như bị bỏ lại phía sau khi những người khác tiến lên, hoặc nó có thể gợi lên cảm giác buồn bã và thậm chí tội lỗi khi bạn vẫn còn ở lại trong khi những người khác đã ra đi.
Lý tưởng nhất là số lượng nhân viên của một công ty phải đủ để xử lý khối lượng công việc nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra.
Đối với Rose, người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, một phần lớn nhân viên trong nhóm của cô ấy đã được cho nghỉ phép và sau đó trở nên dư thừa trong quá trình xảy ra đại dịch. Tuy nhiên khối lượng công việc của những nhân viên còn lại thực sự tăng lên rất nhiều.
Mariel, 28 tuổi, từng làm việc cho một công ty bán lẻ ở Anh. Do đại dịch Covid-19, một số lượng lớn nhân viên trong công ty nhảy việc và ở công ty, cô ấy phải nhận công việc từ dịch vụ khách hàng, tiếp thị, quảng cáo...
"Tôi không thể hoàn thành công việc của mình vào buổi sáng. Sự căng thẳng trong công việc được kết hợp với nỗi buồn về việc mất đồng nghiệp. Chúng tôi trước đây từng là một nhóm gắn bó chặt chẽ nên việc chứng kiến mọi người bị sa thải hoặc tự nghỉ việc đều khiến tôi rất buồn", Mariel tâm sự.
Nhà tâm lý học kinh doanh David Lurie nói rằng, khi đồng nghiệp rời bỏ công việc, người ở lại sẽ ảnh hưởng tâm lý khá nhiều.
"Ví dụ, nếu đồng nghiệp của bạn rời đi để kiếm công việc tốt hơn, bạn có thể nghĩ rằng bạn không đủ tài năng nên không được săn đón như họ hoặc thiếu tự tin để tìm một công việc mới".
Số lượng nhân viên sụt giảm cũng ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của bạn. Nếu quản lý cấp cao không hỗ trợ bạn đúng cách hoặc thuê thêm nhân viên hoặc trả lương thỏa đáng hơn cho người ở lại thì không có gì ngạc nhiên khi nó sẽ có tác động đến tâm lý của người đang cố gắng gồng mình làm việc.
Rose nói rằng, sau thời gian "gánh" cả công ty trên vai, cô đã có thêm hàng loạt kỹ năng mới và tất cả đều cần thiết. Tuy nhiên, cô không được thăng chức hay tăng lương đáng kể. "Tôi tin rằng nếu những điều này được điều chỉnh một cách hợp lý thì những nỗ lực của tôi có vẻ đáng giá hơn", Rose chia sẻ.
Việc bạn ở lại công ty hay ra đi hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn muốn ở lại và tận dụng mọi cơ hội mở ra thì Kim Sprague, huấn luyện viên lãnh đạo, người hỗ trợ những cá nhân muốn phát triển và hoàn thiện các kỹ năng lãnh đạo quản lý, cho biết:
"Hãy chủ động trò chuyện với người quản lý của bạn. Hãy chia sẻ về những công việc bổ sung mà bạn có thể đảm nhận và bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn cần hỗ trợ thêm hoặc thỏa thuận để loại bỏ các trách nhiệm khác".
Huấn luyện viên cuộc sống Franziska Cecchetti-Pretsch, cho biết, việc thiết lập các ranh giới cũng vô cùng quan trọng.
"Bạn càng nhận nhiều công việc làm thêm, bạn càng đưa ra thông điệp rằng bạn không sao cả. Vì vậy, hãy nói rõ ràng về ranh giới của bạn. Điều này có thể rất khó khăn nhưng hãy thực hành nó nhiều càng tốt và duy trì các ranh giới của bạn một cách nghiêm túc.
Hãy chỉ ra cho người quản lý của bạn thấy rằng nếu bạn ngày càng làm việc quá sức và kiệt sức, điều đó có nghĩa là chất lượng công việc sẽ kém hơn và bạn cũng có thể phải nghỉ ốm".
Nhà tâm lý học kinh doanh David Lurie cho biết, cho dù bạn quyết định ở lại hay ra đi, đừng đưa ra quyết định chỉ dựa trên người khác.
David nói: "Nghỉ việc có phải là lựa chọn đúng đắn đối với bạn hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn nhưng hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Nếu đằng nào thì bạn cũng phải rời đi, hãy ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu".
Bạn có thể tận dụng thời điểm nhân sự biến động để làm lợi thế cho mình. Ví dụ, hãy cố gắng xây dựng chiến lược hợp lý với trong cuộc đàm phán của bạn và sếp.
Kim Sprague, huấn luyện viên lãnh đạo, chia sẻ: "Nếu bạn được yêu cầu nhận một khối lượng công việc đáng kể nhưng không được tăng lương hoặc thăng chức ngay lập tức thì hãy thương lượng để được thay đổi chức danh. Điều này sẽ nâng cao CV và hồ sơ của bạn".
Về cơ bản, bạn nên xem xét cụ thể mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì và sự thay đổi trong hoàn cảnh làm việc thể hiện điều gì đối với những mục tiêu đó. Thay đổi có thể là mối đe dọa hoặc cơ hội, tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó. Khi bạn nhìn thấy cơ hội, hãy nhanh chóng hành động.
Dù bạn ở lại công ty hay ra đi, hãy luôn xác định đúng phương hướng và đảm bảo rằng bước đi tiếp theo của bạn là xứng đáng, không chỉ đối với sự nghiệp mà còn đối với sức khỏe tinh thần của bạn.
Hãy theo đuổi, tìm kiếm những gì phù hợp với bạn và cuộc sống của bạn, chứ không phải là chỉ làm những gì mọi người mong đợi ở bạn.