Dịch vụ "tâm sự cùng người lạ" nở rộ tại Hồng Kông

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Dịch vụ "tâm sự" cùng những người đàn ông xa lạ đã xuất hiện tại Hồng Kông. Nhiều người sẵn sang bỏ tiền để thuê người lạ đi chơi, trò chuyện, tâm sự, hát karaoke hay đơn giản là lắng nghe.

Cho thuê chính mình

Fio (27 tuổi), làm tư vấn thực phẩm và đồ uống, đã thành lập một trang Facebook vào đầu năm nay để cho thuê chính mình.

Dịch vụ tâm sự cùng người lạ nở rộ tại Hồng Kông - 1

Fio tự cho thuê chính mình (Ảnh: Jonathan Wong/SCMP).

Fio đã nhận được tin nhắn từ 3 vị khách hàng. Một người là nhân viên văn phòng yêu cầu anh đưa cô đi làm hằng ngày sau khi cô chia tay bạn trai. Một người là sinh viên thể thao, muốn Fio quan sát buổi tập của mình ở trường đại học. Vị khách còn lại là một bà nội trợ cần người nhận xét về những món ăn mới mà cô định nấu cho lễ kỷ niệm ngày cưới.

"Tôi thực sự thích nghe những câu chuyện mà mọi người kể về mình", anh nói và nhớ lại quãng thời gian làm bartender ở Nhật Bản và Hồng Kông. "Tôi muốn liên lạc với nhiều kiểu người khác nhau để biết họ đang nghĩ gì".

Dịch vụ tâm sự cùng người lạ nở rộ tại Hồng Kông - 2

Dịch vụ cho thuê người tâm sự trở nên phổ biến tại Hồng Kông trong thời gian gần đây (Ảnh: K. Y. Cheng/SCMP).

Sky Lip (45 tuổi), một nhiếp ảnh gia tự do đã hai lần kết hôn, bắt đầu mở dịch vụ cho thuê bản thân cùng lúc với Fio. Trên Facebook, anh tự gọi mình là "Hong Kong Ossan Rental", ý chỉ một người đàn ông trung niên.

Lip chia sẻ: "Trong những thời điểm khó khăn, tôi nhận ra rằng mọi người cần sự động viên lẫn nhau để vượt qua và làm cho cuộc sống suôn sẻ hơn".

Ông bố 4 con từng vật lộn để cứu vãn cuộc hôn nhân thứ hai. Anh chia sẻ về khó khăn tài chính và nỗi đau buồn sau khi mẹ mình qua đời.

Ba người phụ nữ gặp rắc rối với chồng hoặc bạn trai của họ đã tìm đến Lip để trút bầu tâm sự và tìm kiếm lời khuyên.

"Tôi đã nói với họ rằng tôi không phải là cố vấn chuyên nghiệp, hãy cùng nhau dùng bữa và trò chuyện", anh kể.

Anh tin rằng mình có một câu chuyện cá nhân mạnh mẽ để chia sẻ về cách anh hàn gắn mối quan hệ tan vỡ với người vợ thứ hai, đồng thời nói thêm rằng con cái là chìa khóa để hòa giải.

"Tôi thực sự không muốn thấy các cặp vợ chồng ly thân, đặc biệt là khi họ có con", anh nói.

Dịch vụ cho thuê đàn ông ở Nhật đã xuất hiện từ vài năm nay và trở thành đề tài của các bộ phim truyền hình. Những người đàn ông trong độ tuổi 30-50 tự cho thuê bản thân với mức giá 90 USD (hơn 2 triệu đồng)/phiên hoặc 10 USD (khoảng 230.000 đồng)/tiếng.

Một người đàn ông Nhật Bản chia sẻ với tờ South China Morning Post của Trung Quốc rằng từ năm 2018 đến nay, anh đã có khoảng 4.000 khách hàng cả nam và nữ, nhận được hơn 10.000 yêu cầu.

Dịch vụ tâm sự cùng người lạ nở rộ tại Hồng Kông - 3

Lip tự cho thuê bản thân sau hai cuộc hôn nhân thất bại (Ảnh: May Tse/SCMP).

Tìm đến người lạ để giãi bày tâm sự

Fio và Lip được cho là những người đầu tiên cung cấp dịch vụ kỳ lạ này ở Hồng Kông. Trong khi đó, những người trẻ hơn như Ryszard Yeung, Joseph Lui và Olivia Arakawa, tất cả đều ở độ tuổi 20, tin rằng lĩnh vực này rất có tiềm năng để kinh doanh.

Họ lập một cổng thông tin trực tuyến có tên là Puddy để kết nối những người đàn ông cho thuê với khách hàng tại Hồng Kông. Puddy, một cách chơi chữ của từ "pui bun" trong tiếng Quảng Đông có nghĩa là "đi cùng".

"Chúng tôi nhận thấy rằng ở Hồng Kông thực sự có nhiều người cần bạn đồng hành và một đôi tai biết lắng nghe. Họ sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ này. Có thị trường và nhà cung cấp, tại sao chúng ta không kết nối họ với nhau", Yeung (24 tuổi) cho biết.

Yeung cũng cho rằng, ngày nay, những tương tác vật lý đang bị bỏ quên, ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết, vì mọi người giao tiếp chủ yếu qua điện thoại thông minh.

"Ở bên cạnh một con người thật không phải là thứ mà mạng xã hội có thể cung cấp. Và đó mới là thứ thiết yếu trong các tương tác giữa con người với nhau", anh nói.

Cổng thông tin, đã được ra mắt vào tháng trước, liệt kê hồ sơ và chi tiết liên hệ của những người sẵn sàng cho thuê. Tính đến tuần này, khoảng 30 người đã đăng ký cung cấp dịch vụ, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 20 và 30. Chỉ có một số ít là phụ nữ.

"Chúng tôi muốn làm Puddy trở nên chuyên nghiệp", Yeung nói, nhấn mạnh rằng đây không phải là một nền tảng hẹn hò. "Tôi thực sự đánh giá cao những người biết cách lắng nghe và cổ vũ người khác, đó là một kỹ năng ấn tượng".

Yeung hy vọng sẽ có khoảng 300 người đàn ông cho thuê được đăng ký vào giữa năm tới. Những người đăng ký sẽ được khuyến khích tính phí ít nhất 30 HKD (gần 90.000 đồng) mỗi phiên và trả cho nền tảng 15% phí trung gian.

Dịch vụ tâm sự cùng người lạ nở rộ tại Hồng Kông - 4
Trong số những người đã đăng ký có huấn luyện viên sức khỏe và diễn viên hài kịch Kinder Lam (39 tuổi). Kinder Lam nói rằng anh hy vọng được chia sẻ những câu chuyện cười của mình và khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc.

"Đôi khi bạn muốn nói chuyện với ai đó về điều gì đó nhưng lại lo lắng rằng họ có thể kể với người khác, vì vậy có thể an toàn hơn khi trút bầu tâm sự với người lạ", anh nói.

Steven (27 tuổi), nhân viên bán hàng, cho biết anh có thể cân nhắc thuê một người lạ để cùng đi bộ đường dài hoặc hát karaoke nếu có đủ khả năng chi trả tiền thuê và có những sự lựa chọn chất lượng.

Mặc dù anh có những người bạn thân nhưng không phải lúc nào họ cũng có mặt và có một số vấn đề anh không muốn chia sẻ với họ.

"Ít nhất những người được thuê sẽ không kể câu chuyện của bạn với ai khác", anh chia sẻ.

Fio không nhận được nhiều yêu cầu hơn sau 3 khách hàng đầu tiên của mình. Anh không ngạc nhiên vì biết rằng người Hồng Kông thường khá thận trọng khi để người lạ đến quá gần.

Fio đã không tính chi phí cho 3 vị khách đầu tiên ấy. Anh dự tính sẽ thu 200 HKD (gần 600.000 đồng) sau 3 giờ đầu tiên nhưng thời gian thực tế lại không vượt quá mốc dự định.

"Tôi không quá đặt nặng vấn đề tiền nong. Tôi coi đây là công việc tôi làm vì sở thích thuần túy", Fio tâm sự. Anh chàng tự xem mình là người đàn ông cô độc và việc tự cho thuê chính mình cũng mang lại lợi ích cho anh.

"Trong quá trình tiếp xúc với từng khách hàng, chúng tôi đã cho và nhận. Hơn nữa, trái tim cũng được an ủi", anh kể thêm.

Phó giáo sư Katrien Jacobs, khoa nghiên cứu văn hóa và tôn giáo của Đại học Trung Quốc, không ngạc nhiên khi dịch vụ thuê người lạ lại trở nên phổ biến tại Hồng Kông.

"Tôi nghĩ điều đó có nghĩa là mọi người đang cô đơn và cần tình bạn. Họ đang phải trải qua thời kỳ khó khăn về mặt tình cảm, nhưng có đủ phương tiện vật chất để đặt các dịch vụ chuyên biệt", Phó giáo sư nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm