Cuộc gặp đầu tiên: Làm gì để gây ấn tượng tốt nhất?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Những người biết cách gây ấn tượng trong buổi đầu gặp gỡ sẽ có những kỹ năng rất đơn giản để ghi điểm trong mắt người đối diện.

Celeste Headlee, nhà báo, người dẫn chương trình phát thanh, diễn giả và tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy tại Mỹ như Làm thế nào để có cuộc trò chuyện giá trịLàm thế nào để thoát khỏi làm việc quá sức, đã đưa ra những lời khuyên thú vị cho tất cả những bạn trẻ muốn gây ấn tượng mạnh trong các cuộc gặp đầu tiên.

Theo Celeste Headlee, việc để lại dấu ấn là rất quan trọng, cho dù đó là trong buổi hẹn hò hay ngày đầu đi làm, buổi đầu đi phỏng vấn.

Ngay cả khi bạn cảm thấy lo lắng và không thật sự tự tin thì vẫn có nhiều cách để bạn tạo ấn tượng tốt về bản thân mình với người đối diện. Ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và khả năng lắng nghe của chúng ta đều ảnh hưởng đến cách người khác suy nghĩ, đánh giá về chúng ta.

Dưới đây là bốn điều mà những người biết tạo ấn tượng tốt ngay từ ban đầu sẽ không bao giờ làm, ngay cả khi họ có cảm giác lo lắng:

Họ không bao giờ chỉ tập trung vào bản thân

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của một số người khi tham dự buổi gặp đầu tiên đó là vội vàng nói về bản thân.

Nhiều người có suy nghĩ rằng: "Tôi tham dự buổi gặp đầu tiên này là để gây ấn tượng với người khác, vì vậy tôi cần nói/viết ra những thông tin về thành tích, sở thích và kinh nghiệm của mình".

Sự thật thì điều này có thể phản tác dụng khi bạn nói quá nhiều và người đối diện không thể ghi nhớ hết các thông tin về bạn. Cách giao tiếp tốt nhất là nên chú ý lắng nghe những gì đối phương đang nói và tương tác với họ, thay vì tập trung mọi sự chú ý vào bản thân mình.

Họ không bao giờ cố tỏ ra hài hước không hợp với ngữ cảnh

Cuộc gặp đầu tiên: Làm gì để gây ấn tượng tốt nhất? - 1

Tỏ ra hài hước đúng hoàn cảnh sẽ giúp bạn ghi điểm trong các cuộc gặp gỡ (Ảnh minh họa: Proggio).

Nếu bạn không thực sự quen thân với một ai đó, bạn sẽ không thể đoán được liệu trò đùa hoặc cách nói đùa của mình có khiến người đó vui vẻ và thật sự mang lại tiếng cười hay bạn sẽ bị thất bại.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên cố tỏ ra hài hước. Hài hước có thể là một công cụ tuyệt vời để giảm bớt không khí căng thẳng hoặc thoát khỏi sự khó xử. Điều quan trọng là bạn phải sử dụng sự hài hước tích cực, không phải sự hài hước tiêu cực.

Hài hước tích cực:

Nâng nhau lên.

Cười vui vẻ với người khác.

Nhẹ nhàng tạo ra một không gian an toàn, thoải mái và dễ chịu.

Hài hước và tỏ ra là người hiền lành và khiêm tốn.

Kể những câu chuyện hài hước có khả năng kết nối người nghe với bản thân bạn và những người khác.

Hài hước tiêu cực:

Hạ thấp người khác.

Cười khi người khác gặp bất lợi.

Làm nhục hoặc chế giễu một người khác.

Hài hước theo khuôn mẫu sáo rỗng.

Nói đùa theo kiểu phòng thủ hoặc cạnh tranh.

Nếu bạn lỡ nói điều gì đó mà người khác không thấy buồn cười, hãy thừa nhận sai lầm bằng cách nói đơn giản: "Tôi xin lỗi, tôi đoán rằng trò đùa đó đã không thật sự tốt đẹp".

Họ không bao giờ xây dựng quan hệ mà không có sự chuẩn bị

Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu bạn biết mình sắp gặp một người quan trọng, chẳng hạn như giám đốc điều hành cấp cao hoặc sếp mới.

Nếu bạn sắp tham dự một sự kiện mà bạn có thể xem trước danh sách người tham dự, hãy xác định cho bản thân một số ít những người bạn muốn gặp. Chuẩn bị thông tin vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc nói chuyện nhỏ và cá nhân hóa các tương tác.

Sau đó, đưa ra những câu hỏi thể hiện bạn đã tìm hiểu về họ hoặc điều gì đó đã kết nối bạn và dẫn dắt câu hỏi đó. Ví dụ, khi trò chuyện, bạn có thể đặt một câu hỏi cụ thể về lĩnh vực chuyên môn của người kia hoặc nói cho họ biết bạn là người hâm mộ cuốn sách họ đã viết.

Họ không bao giờ đặt tiêu chí "mọi thứ phải hoàn hảo 100%"

Trong các tương tác xã hội, nhiều người ít có thói quen nhìn vào khía cạnh tiềm năng, tích cực và thay vào đó, luôn bị ám ảnh bởi tất cả những điều xấu có thể xảy ra.

Gặp gỡ sếp hay đi hẹn hò lần đầu tiên có thể hơi bỡ ngỡ và bạn có thể mắc sai lầm. Tuy nhiên nếu bạn không đặt áp lực và mong đợi một cuộc gặp hoàn hảo "điểm 10" thì bạn sẽ ít có khả năng suy nghĩ quá mức và vấp ngã chính vì "lời ăn tiếng nói" của mình.

Hãy luôn giữ một cái nhìn thực tế và suy nghĩ tích cực. Nếu bạn cảm thấy vui vẻ, những người khác sẽ có nhiều khả năng tiếp thu năng lượng tích cực của bạn và cảm nhận được sự nhiệt tình, vui tươi, lạc quan của bạn.