Bị từ chối do đến muộn, sinh viên mắng nhà tuyển dụng "hãm"
(Dân trí) - "Kỳ tính như chị *** nó ưa. Phải có lúc thế này thế kia chứ đâu phải muốn ai làm theo ý mình cũng được đâu. Hãm". Một nam sinh đã đáp trả nhà tuyển dụng như vậy.
Câu chuyện do chị K., chủ của một doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công quy mô nhỏ ở Hà Nội, chia sẻ. Công ty chị thường xuyên tuyển nhân viên làm việc part-time (công việc bán thời gian); hầu hết là sinh viên.
Sáng 8/10 vừa qua, chị K. hẹn phỏng vấn tuyển dụng với một số ứng viên, trong đó có một nam sinh tên N.
Trước ngày phỏng vấn, chị đã trao đổi rõ với các ứng viên về thời gian, địa điểm, cũng như các giấy tờ cần mang theo. Tuy nhiên, N. đến muộn so với giờ hẹn, nên chị K. báo cho nam sinh này biết rằng buổi phỏng vấn bị hủy.
Cụ thể, 3 phút trước giờ phỏng vấn, nam sinh này mới nhắn tin cho biết đang bắt đầu di chuyển tới điểm hẹn. Nhà tuyển dụng dứt khoát trả lời: "Thôi em không cần tới phỏng vấn nữa nhé. Không có ai chờ đợi ứng viên đâu em".
Khoảng một giờ sau, nam sinh mới có mặt tại địa điểm phỏng vấn tuyển dụng, và khi biết mình đã bị từ chối phỏng vấn, cậu liền gửi một loạt tin nhắn mắng chửi nhà tuyển dụng: "Kỳ tính như chị *** nó ưa. Sinh ra trên đời này ấy, không bố con thằng nào làm hài lòng nhau được đâu. Phải có lúc thế này lúc thế kia chứ đâu phải muốn ai làm theo ý mình cũng được đâu. Hãm".
Nhận được tin nhắn như vậy của ứng viên xin việc, chị K. cảm thấy "sốc". Chị cho biết bản thân đi lên từ nhân viên thời vụ cho tới làm chủ, đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhưng chị chưa từng gặp trường hợp nào như thế này.
"Khi tuyển sinh viên làm việc part-time, mình gặp rất nhiều tình huống oái oăm, tưởng đã quen nhưng hóa ra là không có giới hạn về độ oái oăm", chị K. tâm sự.
Đây không phải lần đầu tiên chị K., dù thuộc thế hệ 9x, thấy "dở khóc dở cười" khi tuyển dụng sinh viên.
Chị cho biết, trong mỗi đợt tuyển dụng, chị phỏng vấn 10-15 bạn trẻ nhưng thường chỉ tuyển được 1-2 người. "Đặc thù doanh nghiệp của mình là xưởng thủ công nên không yêu cầu trình độ cao mà chỉ cần nhân viên có hai tính cách: chăm chỉ và trung thực, nhưng dường như bấy nhiêu là quá nhiều", chị K. than thở.
Chị K. kể đã từng gặp trường hợp một nam sinh xin lùi lịch hẹn phỏng vấn vì có việc gấp. Ngày hôm sau tới phỏng vấn bù, nam sinh này đưa cả bạn gái tới ngồi cùng để xong việc còn đi chơi. Hay như trường hợp một nữ sinh ứng tuyển công việc thủ công nhưng hai bàn tay gắn đầy móng tay dài như thái hậu trong phim cổ trang.
Chưa kể, có trường hợp nhân viên xin nghỉ phép với lí do là gãy chân nhưng vẫn vô tư lên mạng đăng hình ảnh đi chơi tung tăng. Trường hợp khác ngày hẹn phỏng vấn tuyển dụng không tới, nhưng một tháng sau lại gọi điện thoại giục chị K. cho đi làm…
Chị K tâm sự: "Thông thường, sinh viên làm thêm công việc này vì nhu cầu kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, các bạn ưu tiên nhất vẫn là việc học. Mình cũng hiểu và thường tuyển người liên tục, xoay tua và gối các ca để đảm bảo tiến độ công việc.
Tuy vậy, do không xác định tư tưởng làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm, nhiều bạn đi làm như đi chơi, thích thì đến làm, không thích thì tự ý nghỉ mà không báo trước; hoặc báo nghỉ do trời mưa, do bận đi chơi với bạn gái…".
Công việc làm thêm dành cho sinh viên tại doanh nghiệp của chị K. là dán các họa tiết trang trí vào cuốn sổ handmade theo yêu cầu của khách (có mẫu sẵn). Công việc khá đơn giản, không đòi hỏi tay nghề hay tư duy phức tạp.
Doanh nghiệp của chị K. trả lương theo giờ, kèm theo phần trăm hoa hồng trên từng sản phẩm. Chị cho biết, nhân viên nếu làm chăm chỉ có thể kiếm được hơn 200 ngàn đồng/ngày.
Bạn có nghĩ như thế nào về câu chuyện của nhà tuyển dụng này? Hãy chia sẻ ý kiến ở phần bình luận bên dưới!