Bằng tốt nghiệp loại Giỏi mà lương không được chục triệu đồng: Sai ở đâu?
(Dân trí) - Những năm đại học, nhiều bạn trẻ đinh ninh rằng, chỉ khi ra trường với tấm bằng xếp hạng cao thì mới có thể tìm được công việc tốt. Nhưng đời không như là mơ...
Câu hỏi "Sinh viên ra trường có mức lương bao nhiêu mới tương xứng với công sức học hành?" vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều người. Giống với nhiều bạn trẻ khác, mức lương khởi điểm của H.V - một cử nhân bằng Giỏi cũng không đạt được như kỳ vọng.
Thời sinh viên, H.V luôn nằm trong danh sách sinh viên có học lực tốt và điểm số cao. Đó cũng chính là điều khiến cô luôn cảm thấy hãnh diện. Dù theo ngành học Khoa học tự nhiên nhưng cô chưa bao giờ "chán ngán" những môn đại cương tưởng chừng khô cứng. Bởi thế, khi ai nhìn vào bảng điểm tốt nghiệp cũng đều dành cho H.V. sự ngưỡng mộ nhất định. Năm ấy, cô ra trường với tấm bằng loại Giỏi, mang theo hy vọng sẽ có công việc "quần là áo lượt" và mức lương trong mơ.
Nhưng sau một thời gian đi làm, H.V. chợt nhận ra: Những kiến thức mang tính lý thuyết ở trường không áp dụng được nhiều vào thực tế. Cô không thể gặp gỡ, thuyết phục khách hàng và "chốt" được hợp đồng nếu không có kỹ năng chuyên sâu hay kinh nghiệm làm việc. Ngày ấy, cô chỉ biết học thật kỹ những kiến thức đề cập trong sách vở, bởi H.V. cho rằng, chỉ cần bảng điểm sáng, bằng xếp hạng cao thì không lo không tìm được việc tốt. Có thể đó là suy nghĩ chủ quan dẫn đến những hối tiếc sau này của H.V.
Trong một lần gặp mặt, H.V. thở dài: "Em tốt nghiệp loại Giỏi mà không kiếm nổi chục triệu thì thật lãng phí thanh xuân. Nếu ngày ấy em không chăm chăm "lao đầu" vào học mà phân chia thời gian để có kinh nghiệm thực tế thì bây giờ cuộc sống của em có thể đã khác. Công việc văn phòng lương lẹt đẹt, người ta cũng không quan tâm quá nhiều đến bằng cấp của em. Em không biết bản thân nên tiếp tục hay nhảy việc để tìm thấy môi trường mong muốn. Nếu nhảy việc, em chưa đủ tự tin; còn ở lại thì chỉ cảm thấy ngột ngạt và mỏi mệt".
Kiến thức lý thuyết suy cho cùng là nền tảng cơ bản nhất và chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó. Nhưng nếu chỉ chú tâm học lý thuyết mà không có sự mài dũa của quá trình thực hành thì bạn trẻ dễ rơi vào "khủng hoảng hậu tốt nghiệp".
Hơn thế nữa, chúng ta cần xác định được lộ trình sự nghiệp mà bản thân mong muốn, thay vì "ôm giấc mộng lương cao" dù chưa va chạm thực tế. Có thể nhiều người chấp nhận mức lương khởi điểm không cao, nhưng bù lại ở môi trường đó, họ tìm thấy điều bản thân cần, tích lũy được những kinh nghiệm quý giá để có bước nhảy vọt về sau. Song, bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ như H.V., nửa muốn thay đổi, nửa ngại thử thách.
Các doanh nghiệp cho rằng, sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, mất thời gian làm quen công việc và đào tạo lại nên sẽ chưa thể đạt được mức thu nhập cao. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trong công việc hay học tập, thành quả chúng ta có được phản ánh sự nỗ lực của cá nhân. Nhưng nếu sinh viên chỉ chú trọng kiến thức sách vở mà không chủ động để bản thân va vấp thực tế nghề nghiệp thì liệu con đường sự nghiệp của họ sẽ dẫn về đâu?
Mỗi người có những năng lực khác nhau, nhưng nhìn chung, nếu không nỗ lực hoàn thiện bản thân và trang bị kỹ năng nghề nghiệp thì dễ nản chí, thậm chí trở thành "zombie công sở".
Bạn quan niệm như thế nào về vấn đề này? Hãy để lại ý kiến trong phần bình luận phía dưới.