Áp lực trưởng thành đè nặng giới trẻ Anh

Minh Hiếu

(Dân trí) - Khảo sát tại Vương quốc Anh cho thấy áp lực phải đạt một số "cột mốc cuộc đời" như kết hôn, sinh con và mua nhà đang tạo gánh nặng cho những người trẻ tuổi nhiều hơn so với các thế hệ trước.

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức từ thiện Relate, khoảng 77% người thuộc thế hệ Millennials (25-39 tuổi) và 83% người thuộc Gen Z (16-24 tuổi) cảm thấy áp lực khi phải đạt được các mốc quan trọng trong cuộc sống.

Trong khi đó, chỉ 66% những người trên 75 tuổi và 70% những người từ (55 đến 74 tuổi) có áp lực như vậy khi còn trẻ.

Áp lực trưởng thành đè nặng giới trẻ Anh - 1

(Ảnh: Bloomberg).

Relate, công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ các mối quan hệ ở Anh và xứ Wales, cho biết, "lo lắng về các cột mốc trong cuộc đời" là chủ đề ngày càng phổ biến trong các buổi trị liệu tâm lý.

Censuswide đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.022 người ở Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày 9 đến 11/8.

Kết quả khảo sát cho thấy áp lực sinh con của thế hệ Millennials đang tăng lên, với 35% người tham gia khảo sát cảm thấy mệt mỏi về điều này. Trong khi đó, chỉ 17% những người thuộc thế hệ Baby boomer (sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến 1964) và 13% người có độ tuổi trên 75 cảm thấy như vậy khi còn trẻ.

Đối với việc kết hôn, 27% Gen Z tham gia khảo sát cho rằng hôn nhân là quan trọng đối với họ, thấp hơn nhiều so với con số 38% của thế hệ Millennials. Khảo sát tương tự với người trung niên cho kết quả 41,9% và với những người trên 75 tuổi là 60%.

Ngoài ra, khoảng 14,9% những người thuộc thế hệ Millennials cảm thấy áp lực phải mua nhà sau kết hôn. Trong khi đó, chỉ 8,6% những người trung niên và 7,5% ở những người trên 75 tuổi cảm thấy có áp lực tương tự.

1/8 số đối tượng được hỏi cho biết thiếu tự tin vào khả năng của bản thân là lý do khiến họ cảm thấy tiêu cực khi nghĩ về các cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm cũng là nguyên do khiến thế hệ trẻ của chúng ta ngày một tiêu cực và hoang mang hơn khi nghĩ về tương lai, tự cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống.

Áp lực tài chính cũng là một lý do. Trong số những người cảm thấy áp lực, 39% cho rằng điều này đến từ bản thân họ, 22% do khuôn mẫu xã hội nói chung và 21% là do yếu tố gia đình.

Còn Gen Z cảm thấy áp lực này chủ yếu đến từ mạng xã hội và các phương tiện truyền thông (23%). 

Cuộc khảo sát còn cho thấy những người tham gia là nam, đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính luyến có xu hướng dễ cảm thấy áp lực hơn.

Kết thúc một mối quan hệ không lành mạnh, quyết định không sinh con, quyết định sống độc thân, trở thành LGBTQ+ và giải quyết các khoản vay thời sinh viên cũng nên được coi là các cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, thành công của một người.

Cố vấn về các mối quan hệ Natasha Silverman chia sẻ, cô gặp rất nhiều khách hàng ở độ tuổi 20 và 30 đang cảm thấy để đạt được những cột mốc nhất định trong cuộc sống là một "áp lực rất lớn".

Những năm đầu của tuổi 30 là thời điểm thực sự khó khăn. Mọi người thường đánh giá thấp bản thân nếu họ chưa đạt được những điều mà họ nghĩ rằng ở tuổi này "nên có".

"Trên thực tế, mỗi người lại có một thời gian biểu khác nhau cho cuộc đời mình. Không phải lúc nào mọi việc cũng phải theo một thứ tự nhất định. Thậm chí, một số người còn đi theo một con đường hoàn toàn khác.

Sự khác biệt đó là hoàn toàn bình thường và đáng được tôn trọng. Tất cả là để tạo ra một cuộc sống, một trải nghiệm và những bài học dành riêng cho bản thân bạn".

Theo Bloomberg