6 mẹo "xốc lại tinh thần" khi đối mặt với khó khăn

Huệ Anh

(Dân trí) - Áp lực dồn nén có thể khiến bạn cạn kiệt tinh thần, không còn hứng thú với công việc và cảm thấy mình không giỏi như mình nghĩ. Một khi đã có suy nghĩ như vậy, bạn có thể sẽ mất dần sự tự tin.

6 mẹo xốc lại tinh thần khi đối mặt với khó khăn - 1

Có những ngày, bạn sẽ cảm thấy bản thân như kiệt quệ về mặt tinh thần và hoài nghi với mọi thứ. Đây đều là những dấu hiệu của sự kiệt sức (Ảnh: James Sweetman).

Dũng cảm đối mặt với tình trạng này có thể giúp bạn nhận ra những điều thực sự quan trọng, từ đó đưa ra những giải pháp chắc chắn và có giá trị hơn cho vấn đề của bản thân, và thậm chí truyền cảm hứng cho người khác.

Đôi khi, lòng dũng cảm trông giống sự kiên trì thầm lặng hơn là biểu hiện quá khích hay không chút sợ hãi. Trên thực tế, sự dũng cảm nói chung - những hành động tự tin hoặc trông có vẻ hơi "lố", khác với sự dũng cảm của từng cá nhân - những hành động can đảm xuất phát từ trong ý nghĩ của người thực hiện. Tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận thử thách trước mặt và nỗi sợ liên quan đến việc thực hiện nó ra sao.

Dưới đây là 6 cách để bạn, dù là bất cứ ai, đều có thể khai phá sự can đảm của bản thân:

Coi bản thân là một người can đảm

Trước hết, nếu bạn tự cho mình là "can đảm", thì khả năng cao là bạn cũng sẽ hành động giống một người như vậy. Mẹo này có thể giúp bạn nâng cao tinh thần để bắt đầu một ngày mới tràn đầy sự tự tin.

Bên cạnh đó, bạn có thể dành thời gian để ghi lại tất cả những hành động can đảm mà mình đã thực hiện trong cuộc đời. Bạn sẽ có xu hướng suy nghĩ tích cực hơn khi nhớ lại những niềm tin và giá trị của bản thân trong quá khứ, từ đó có thể truyền cảm hứng cho những hành vi can đảm trong tương lai.

Bạn cũng có thể cân nhắc việc chia sẻ những hành động ấy với bạn bè để có thể cùng nhau tán dương những hành động dũng cảm của từng cá nhân. Sau đó, các bạn có thể nói thêm với nhau về việc những hành động ấy đã ảnh hưởng thế nào đến quá trình hình thành con người của bạn ở hiện tại và tương lai.

Không nghiêm trọng hóa "những sai lầm"

Bạn có thể chia sẻ những hành động dũng cảm của mình cùng với những người khác, nhưng hãy nhớ bạn cũng có thể tự mình nhận ra và "tự ăn mừng" chúng mỗi ngày. Một trong những cách phổ biến nhất để bạn có thể rèn luyện lòng dũng cảm là theo đuổi sự nghiệp học hỏi và phát triển bản thân. Nhiều nghiên cứu cho rằng nỗi sợ thất bại có thể ảnh hưởng tiêu cực với việc con người hình thành lòng dũng cảm, nhưng nếu việc mắc lỗi không phải là vấn đề đối với bạn, hay việc đó thậm chí còn là một công cụ học tập được bạn hoan nghênh, thì có thể nó có lợi hơn bạn nghĩ.

Một cách khác mà bạn có thể sử dụng để khắc phục nỗi sợ thất bại là thực hiện "Crumpled Reminder" (Nhắc nhở vặt). Với phương pháp này, bạn sẽ viết về sai lầm gần đây mà bạn đã mắc phải vào một tờ giấy, sau đó vò nát nó như để thể hiện cảm xúc của bạn về sai lầm ấy, rồi nghĩ tới bạn đã rút ra được điều gì từ sai lầm ấy. Quá trình này có thể giúp bạn học hỏi thêm và phát triển trong tương lai.

Thay vì lo sợ những "thất bại" không rõ ràng, hãy coi những sai lầm hàng ngày là cơ hội để học hỏi và giúp bản thân nhận ra giá trị thực sự của việc học tập, vốn là cả một quá trình thay vì từng thành tích nhất định.

Không ngừng cố gắng

Lòng dũng cảm cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Khi nỗi sợ hãi được giảm bớt, bạn sẽ kiên trì hơn trong việc học hỏi và nỗ lực hết mình bất chấp mọi trở ngại phía trước. Sức bền bỉ là một điểm mạnh, có thể được làm gương, quan sát và phát triển. 

Lấy ví dụ thực tế tại trường học, nghiên cứu cho thấy rằng tư duy phát triển của giáo viên, những người cho rằng con người có thể nỗ lực để trở nên thông minh hơn, sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển trong tư duy của học sinh. Lối tư duy linh hoạt, tích cực sẽ cải thiện cách học tập và điểm số của học sinh, nâng cao sự tự tin và niềm vui trong học tập ở các em, và thậm chí khuyến khích những hành động giúp đỡ mọi người xung quanh. Tất cả những lợi ích này đều có thể giúp các học sinh có can đảm để thực hiện nhiều việc tốt trong tương lai.

Tìm kiếm "người hùng"

Tất nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng hay sợ hãi về việc phải đứng lên và bảo vệ cái tốt, thì việc lấy cảm hứng từ những người khác, cho dù họ có ở gần hay xa, có thật hay hư cấu, sẽ là một việc vô cùng hữu ích.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mà chúng ta ngưỡng mộ có thể đại diện cho một số khía cạnh lý tưởng của chúng ta khi họ thể hiện lòng dũng cảm thông qua các hành động nhân đạo trong thời điểm khó khăn và mong muốn được làm điều tốt cho thế giới. Họ cũng có thể truyền cảm hứng để chúng ta sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, việc nhìn vào những tấm gương đi trước có thể khiến bạn cảm nhận cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn và thậm chí thôi thúc ý chí để làm điều tương tự.

Nhận ra giá trị của bản thân

Bạn có thể rất dễ nhìn ra chủ nghĩa anh hùng hay lòng dũng cảm ở người khác, nhưng đôi khi lại gặp khó khăn để thấy điều đó hiện hữu trong chính bản thân mình. Nếu vậy, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi sau:

  • Tôi coi trọng điều gì ở bản thân?
  • Tôi "đại diện" cho điều gì?
  • Điều gì là quan trọng đối với tôi?
  • Một số thành công và thành tựu của tôi là gì?

Lòng dũng cảm được các triết gia coi là một đức tính nền tảng vì nó có thể hướng con người ta tới những hành động có đạo đức hoặc giá trị khác. Trên thực tế, niềm tin, giá trị, sự chính trực, danh dự và lòng trung thành trong bạn đều ảnh hưởng đến những hành động can đảm mà bạn thực hiện. Khi thấy những quy tắc đạo đức của mình bị đe dọa, bạn sẽ thường có những hành động để duy trì niềm tin và giá trị của mình. Và niềm tin càng mạnh mẽ, bạn càng ít khả năng bị ảnh hưởng hoặc lung lay bởi những người xung quanh.   

Tham gia cộng đồng những người hành động can đảm

Cuối cùng, bạn có thể thể hiện giá trị của mình trong các cộng đồng. Sau hơn một năm bị cô lập trong các cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, môi trường và văn hóa xã hội, ta có thể thấy lòng dũng cảm ở nhiều người lại một lần nữa được bộc lộ trong các hội nhóm. Việc hoạt động theo các tổ chức xã hội có thể thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau, bản sắc xã hội, sự gắn kết, từ đó gây tầm ảnh hưởng đến những hành động can đảm.

Trong những buổi sáng mùa đông, khi bạn thực sự không muốn rời chiếc giường và đối mặt với ngày mới, hãy nhớ rằng lòng can cảm cũng có thể là một hành động rất nhỏ và cá nhân. Phía trước bạn sẽ luôn có những rủi ro và thách thức, nhưng hãy tìm kiếm điều thực sự quan trọng trong thâm tâm của bản thân. Liệu đó là tình yêu, sự học hỏi, sự tò mò, lòng trắc ẩn, hay niềm hy vọng? Làm thế nào để những giá trị ấy có thể khẳng định con người bạn và cách bạn thể hiện nó như thế nào?

Đây là những câu hỏi quan trọng có thể giúp bạn nhìn ra ý định chân thật nhất của bản thân - ngay cả trong những ngày khó khăn nhất.

Theo greatergood.berkeley.edu