Giới trẻ "áp lực" đón Tết!
(Dân trí) - Tết Nguyên Đán cận kề, trẻ con thì háo hức, mong chờ; còn những người trẻ lại đang cảm thấy khá "đau đầu" vì có nhiều thứ phải lo trong ngày Tết.
Muôn vàn mối lo đa dạng mà các bạn trẻ đang phải đối mặt như vấn đề kinh tế; công việc, chuyện học hành, tình duyên,... Hàng ngàn những câu hỏi hóc búa được đặt ra khiến họ cảm thấy vô cùng áp lực.
Những nỗi lo đang cận kề
Có lẽ, dọn dẹp nhà cửa là một trong những "áp lực nhẹ nhất" mà bạn trẻ nào cũng gặp phải. Cứ đến những ngày này hằng năm, trên mạng xã hội lại "réo tên" ngày lễ dọn nhà như để nhắc cho giới trẻ không được quên.
Nguyễn Việt Hoàng, sinh viên trường Cao Đẳng FPT chia sẻ: "Vì nhà mình bán hàng tạp hóa nên những ngày cận Tết luôn rất bận rộn và hối hả. Vậy nên phải đến ngày 29, 30 Tết mình mới có thời gian dọn dẹp lại nhà cửa. Năm nào cũng vừa phải dọn hàng, vừa phải dọn nhà khiến cho mình cảm thấy rất mệt mỏi"
Khác với Hoàng, bạn Nguyễn Thị Cát Ly, sinh viên năm 4 trường Đại học Sư phạm Hà Nội không gặp phải vấn đề trên do có anh chị phụ giúp. Tuy nhiên, Ly lại gặp phải những cơn "đau đầu nhẹ" khi ai cũng hỏi về công việc sau này. "Vì đã là sinh viên năm cuối rồi nên mình rất hay nhận được những câu hỏi kiểu như: "đã thực tập chưa?", "nay mai tính dạy ở đâu", "thi biên chế hay dạy ở trung tâm?",... Mặc dù những câu hỏi thăm đó xuất phát từ sự quan tâm của mọi người, nhưng đôi lúc cũng khiến cho mình hoang mang và lo lắng".
Đối với những bạn trẻ đã đi làm rồi thì những câu hỏi đốc thúc ngày cận Tết lại chuyển sang vấn đề tiền bạc và lập gia đình.
Bạn Nguyễn Việt Hưng (26 tuổi, nhân viên bất động sản) đã đi làm được 4 năm. Những câu hỏi quen thuộc mà Hưng luôn nhận được vào đợt cuối năm này đó là: "năm nay được thưởng Tết nhiều không?", "cho bố mẹ bao nhiêu tiền tiêu Tết?",... "Bố mẹ mình chẳng bao giờ giao "chỉ tiêu", nhưng họ hàng, hàng xóm thì đã lo giùm cho mình rồi", Hưng tâm sự.
"Có những lúc nghe thấy mọi người bàn luận về ai đó bằng tuổi mình đã có nhà cao cửa rộng, xe mới xịn sò, thưởng Tết vài chục triệu,... cũng khiến mình cảm thấy thật thất vọng về bản thân, không bằng người khác. Đặc biệt là khi Tết cận kề, những sự so sánh ấy lại ngày càng tăng thêm".
28 tuổi, bằng cấp đẹp, công việc đãi ngộ tốt, lương thưởng đều đặn nhưng chị Lê Thị Hà Thanh lại luôn bị nhắc nhở vấn đề: "Bao giờ lấy chồng?". "Cuối năm việc nhiều, hàng loạt báo cáo chất chồng như núi; thế nhưng đi đến đâu ai cũng hỏi chuyện lập gia đình. Không muốn trả lời thì bị coi là khiếm nhã, không tôn trọng họ, nhưng nếu trả lời những câu hỏi như thế cũng khiến mình chẳng thoải mái nổi. Bởi hiện tại mình có những kế hoạch riêng của mình và còn có rất nhiều thứ cần phải lo toan", chị Thanh chia sẻ.
Năm nay dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế của nhiều bạn trẻ cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Chính vì thế, chi tiêu cho dịp Tết Nguyên Đán cũng cần phải được cân nhắc sao cho hợp lý. Anh Nguyễn Quốc Việt (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng anh rất "sợ" những buổi ăn tất niên cuối năm. "Từ chỗ làm, chỗ trọ, bạn đại học, bạn cấp 3,... đều rủ nhau ăn tất niên cả. Nhiều lúc mình không muốn đi nhưng không từ chối được. Mỗi lần đi lại mất một khoản tiền nho nhỏ. Mà Tết đến có rất nhiều thứ cần phải lo toan nữa".
Chị Trần Thị Lan (27 tuổi, làm công việc tự do) cho biết: "Vì không làm việc cho công ty, doanh nghiệp nào nên mình không có tiền thưởng Tết. Các khoản sắm sửa, tiền lì xì Tết phải phụ thuộc vào những ngày "cày quốc" cuối năm này. Chính vì thế nỗi lo không đỡ đần được bố mẹ khiến cho mình cảm thấy vô cùng áp lực".
Lo lắng nhưng vẫn mong đợi Tết
Các bạn trẻ dù gặp phải nhiều áp lực nhưng vẫn kịp thời mua sắm, tân trang lại bản thân để chào đón một năm mới sắp đến.
Bạn Phan Châu Giang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Áp lực cận Tết thì ai chẳng phải đối mặt, người trẻ mà. Chính những áp lực vô hình đó đã tạo thêm cho mình những động lực mạnh mẽ để chăm chỉ làm việc hơn. Có như thế thì mới lo được cho bản thân và gia đình được ấm no, hạnh phúc".
"Mình hiểu tâm lý của nhiều bạn trẻ ngày nay. Có thể do áp lực kinh tế mà nhiều bạn trốn tránh không về nhà, một số khác sợ phải đối diện với những câu hỏi về công việc, tình duyên,... Nhưng với mình, dù một năm qua có phải trải qua khó khăn như thế nào thì chỉ cần được đón Tết cùng gia đình thì mọi nỗi lo đều được giải tỏa hết", Giang tâm sự thêm.
Đi làm xa nhà cả năm trời, dịp anh Phạm Chí Công (làm việc tại Đà Nẵng) mong đợi nhất chính là Tết để được đoàn tụ với gia đình. Anh Công cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã 2 năm tôi chưa được về quê. Năm nay may mắn đã kịp mua vé trước để có cơ hội được ở cạnh người thân dịp Tết đến xuân về. Với tôi, điều thiêng liêng và thân thuộc nhất đó là được gói bánh chưng và đi sắm Tết cùng với ba mẹ".
Quá nhiều năm bươn trải nơi đất khách quê người, anh Công hiểu rằng Tết không chỉ là dịp được quây quần bên gia đình mà còn là khoảng thời gian nhìn lại một năm cũ đã qua, xem mình đã làm được gì và chưa được làm gì. Để từ đó tự "sốc" lại tinh thần và sẵn sàng chiến đấu với những thách thức ở năm tiếp theo.
Cứ mỗi năm Tết đến, người trẻ lại than thở vì gặp quá nhiều áp lực, càng lớn càng muốn né tránh những ngày này vì những lý do chủ quan lẫn khách quan. Điều đó vô tình khiến chúng ta quên đi ý nghĩa thực sự của ngày Tết.
Tuy có quá nhiều những thứ phải lo lắng đè nặng trên vai thế nhưng năm hết Tết đến là lẽ dĩ nhiên. Thay vì tạo cho chính bản thân mình những mặc cảm hay áp lực, hãy nghĩ thoáng ra, đừng đặt nặng vấn đề tiền bạc, cá nhân hay những câu hỏi "kém duyên" khiến người đối diện cảm thấy không được thoải mái. Cùng gác bỏ lại hết những trăn trở, bỏ qua chuyện cũ để cùng gia đình chào đón một năm mới hạnh phúc và sum vầy.