6 giai đoạn phát triển sự nghiệp, bạn đang ở "nấc thang" nào?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Mỗi người có những con đường phát triển sự nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, về lý thuyết là theo thời gian, bạn sẽ ngày càng đảm nhận những nhiệm vụ lớn hơn để đạt được mục tiêu.

6 giai đoạn phát triển sự nghiệp, bạn đang ở nấc thang nào? - 1
Mỗi người sẽ có lộ trình sự nghiệp khác nhau (Ảnh: Shutterstock).

Hơn 15 năm giữ vị trí giám đốc điều hành công ty tư vấn tổ chức toàn cầu Korn Ferry, ông Gary Burnison đã giúp hàng trăm người định hướng lộ trình nghề nghiệp. Lời khuyên tốt nhất của ông là hãy tìm kiếm những công việc và cơ hội có thể giúp bạn phát triển và thể hiện năng lực, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực chính:

- Tư duy phát triển

- Khả năng đối mặt với sự mơ hồ

- Thích nghi với sự thay đổi

- Làm việc hiệu quả hơn

6 giai đoạn phát triển sự nghiệp

Mặc dù không phải con đường sự nghiệp của tất cả mọi người đều giống nhau, nhưng về cơ bản sẽ theo 6 giai đoạn sau đây.

1. Người đi theo

Thông thường, đây là giai đoạn liên quan đến công việc đầu tiên hoặc công việc thực tập của bạn sau khi tốt nghiệp đại học. Lúc này, bạn tập trung vào những công việc và nhiệm vụ mà người khác yêu cầu bạn làm. Bạn sẽ không thể trở thành người quản lý nếu như không biết làm theo người khác.

2. Cộng sự

Khi đã quen việc, bạn sẽ bắt đầu phối hợp chặt chẽ với những người khác. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, bạn sẽ phát triển thêm những kỹ năng quan trọng khác thông qua việc cộng tác với đồng nghiệp trong nhóm.

3. Người hướng dẫn

Lần đầu tiên bạn giữ vị trí trưởng nhóm, bạn cần sử dụng các kỹ năng mềm khi hướng dẫn nhóm của mình (có thể gồm vài người hoặc chỉ một người).

Mấu chốt ở đây là bạn có khả năng hướng dẫn người khác làm việc một cách hiệu quả hay không; nếu không, thì bạn sẽ phải là người thực hiện những đầu việc đó. Những công việc giúp bạn tiến bộ ở giai đoạn này bao gồm:

Lãnh đạo nhóm: Ở cấp độ này, bạn có trách nhiệm nhưng không nắm trong tay quyền lực. Các nhiệm vụ điển hình gồm lập kế hoạch dự án, thiết lập hệ thống mới, khắc phục sự cố, đàm phán với đối tác và làm việc cùng đội nhóm.

Chuyển vị trí công việc: Điều này liên quan tới việc chuyển qua một công việc với kết quả hoặc điểm mấu chốt dễ xác định hơn, quản lý quy mô lớn hơn, đòi hỏi bạn thể hiện các kỹ năng, quan điểm mới và đảm nhận những nhiệm vụ bạn chưa từng trải nghiệm trước đó.

4. Quản lý

Với giai đoạn này, bạn đã có thêm nhiều kỹ năng mới để quản lý các nhóm lớn hơn, với những mục tiêu cao hơn. Bạn sẽ yêu cầu báo cáo trực tiếp và học cách quản lý bằng cách đưa ra những mục tiêu cũng như phương pháp theo đuổi và đạt được chúng.

Chẳng hạn, bạn có thể giữ vai trò "quản lý sự thay đổi", buộc phải nỗ lực đáng kể để thay đổi hoặc thực hiện một điều có ý nghĩa như hệ thống vận hành, tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng quy trình mới, hoặc chiều hướng để phản hồi lại đối thủ cạnh tranh.

5. Người ảnh hưởng

Bây giờ mọi thứ trở nên thú vị hơn rồi! Giai đoạn này là sự chuyển đổi từ việc trực tiếp quản lý một đội nhóm sang việc tạo sự ảnh hưởng đến mọi người.

Sức ảnh hưởng là kỹ năng lãnh đạo quan trọng mà bạn cần phát triển để làm việc tốt với mọi người trong tổ chức, đặc biệt là với những người không cần phải báo cáo với bạn.

Trên thực tế, bạn có thể gây ảnh hưởng đến những người ở các bộ phận khác, cùng cấp bậc hoặc thậm chí là hơn.

6. Nhà lãnh đạo

Trong giai đoạn sau cùng này, bạn dành nhiều thời gian để trao quyền và truyền cảm hứng cho những người khác. Thay vì nói thẳng rằng họ phải làm gì, bạn sẽ chỉ cho họ cách tư duy trước vấn đề.

Ưu tiên lớn nhất của bạn chính là thúc đẩy mọi người để họ có thể thực hiện những gì họ suy nghĩ.

Hành trình của các lựa chọn

Hành trình này không hẳn là những nấc thang, tuần tự từ công việc này chuyển sang công việc khác. Thay vào đó, bạn sẽ trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, có thể thời gian cho công việc này nhiều hơn công việc khác.

Chẳng hạn, ở một giai đoạn nào đó, bạn có thể có một hoặc hai công việc; thậm chí là nhiều công việc trong một giai đoạn khác. Có thể bạn sẽ trải qua cả 6 giai đoạn hoặc dừng lại ở một số điểm trung gian. Điều này tùy thuộc vào chính bản thân bạn.

Tuy nhiên, hiểu được những giai đoạn phát triển này có thể giúp bạn nhìn nhận những gì bạn đã trải qua, hiện tại đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu và sau cùng bạn thực sự muốn dừng chân tại nơi nào.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm