Những lời khuyên về sự nghiệp từ các chuyên gia tâm lý

Huệ Anh

(Dân trí) - Đây là những gì bạn nên bỏ lại cùng năm 2021 đã qua, theo các chuyên gia tâm lý.

Những lời khuyên về sự nghiệp từ các chuyên gia tâm lý - 1

Năng suất không hẳn là mục tiêu trong cuộc sống duy nhất của bạn (Ảnh: The Ladders).

Có thể bạn đã quyết định đi làm trở lại, hay từ bỏ một công việc nào đó, hoặc ước rằng mình đã có thể làm vậy. Bất kể điều gì bạn trải qua trong công việc của mình trong năm nay, các nhà trị liệu đều có thể thấu hiểu.   

Dưới đây là những lời khuyên tốt nhất từ các nhà trị liệu để giúp bạn có một khởi đầu thuận buồm xuôi gió trong sự nghiệp năm 2022 (*).

Nếu cảm thấy quá tải, làm điều gì đó vẫn tốt hơn là không làm gì cả.

"Một trong những vấn đề mà rất nhiều khách hàng của tôi gặp phải là sự thôi thúc được "tắt nguồn", khi họ cảm thấy quá tải trong công việc.

Phương pháp lảng tránh là khi ta tránh những tác nhân gây ra sự căng thẳng để tạm thời cải thiện tâm trạng. Tức là, nếu bạn thấy áp lực vì đang có quá nhiều việc phải hoàn thành nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu, thì bạn thường sẽ thấy bớt căng thẳng hơn khi không phải làm bất cứ việc gì trong một lát.

Tư vấn cho các khách hàng của mình khi họ cảm thấy quá tải trong công việc, tôi khuyên "nên làm điều gì đó thay vì không làm gì", dù chỉ là một điều nhỏ thôi cũng được. Đây là một cách để loại bỏ bớt đi các nhiệm vụ trong danh sách việc cần làm của bạn và ngăn trạng thái căng thẳng trở nên tồi tệ hơn vào ngày mai.

Bạn nên tự hỏi bản thân: Hôm nay mình thực sự có đủ năng lượng để làm gì?. Hãy thành thật với bản thân về khả năng và tốc độ làm việc của mình.

Công việc nào sẽ mang lại lợi ích cho bạn nhiều nhất? Điều gì khi hoàn thành sẽ làm giảm căng thẳng của bạn nhiều nhất? Nếu có thể, hãy bắt đầu từ việc tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này".

- Shannon Garcia, nhà trị liệu tâm lý tại công ty tư vấn nghề nghiệp States of Wellness Counseling ở bang Illinois và Wisconsin (Mỹ)

Luôn chọn bản thân

"Lựa chọn chính mình. Ta cũng đã biết được có rất ít công ty quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của nhân viên của họ. Chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều người phải thầm lặng hy sinh ở phía sau vì lợi ích chung, và điều đó đã khiến ta phải thức tỉnh. Nhiều người trong số chúng ta đã phải làm việc cật lực, đánh đổi cả gia đình, sự hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của bản thân để làm hài lòng một người sếp không có chút lòng tin hay sự quan tâm nào đối với chúng ta.

Vì vậy, lời khuyên mà tôi muốn dành cho bạn vào năm mới là hãy luôn chọn bản thân. Hãy theo đuổi hạnh phúc của chính mình, đi theo hướng đi phù hợp và mục tiêu bạn có cho cuộc đời mình. Nếu bạn chưa biết những mục tiêu đó là gì, hãy dành chút thời gian để tìm ra chúng. Đã đến lúc để bạn thoát khỏi vòng quay và đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu.

Lời khuyên tiếp theo là hãy biết cách nghỉ ngơi. Bạn không phải thánh thần, nên cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đừng dành thời gian rảnh rỗi đó để ngủ! Hãy gắng tìm ra một sở thích, luyện tập và trở nên thực sự giỏi về nó mà không vì lý do gì khác ngoài việc bạn yêu thích nó.

Thêm nữa, đừng quá tin câu nói "bạn nên kiếm tiền từ mọi việc bạn làm". Năng suất không hẳn là mục tiêu trong cuộc sống duy nhất của bạn. Bạn không nhất thiết phải kiếm tiền bằng sự đánh đổi niềm vui của bản thân. Hãy giữ một số thứ cho riêng mình, vì bạn xứng đáng và cần nó".

- Tanisha M. Ranger , nhà tâm lý học lâm sàng được cấp bằng tại Las Vegas (Mỹ)

Bạn không cần phải làm việc quá cật lực để cho phép bản thân nghỉ ngơi.

"Chúng ta đang sống trong một xã hội đánh giá cao sự năng suất, lịch trình bận rộn và những người làm việc cật lực mỗi ngày. Tuy nhiên, đặt ra ranh giới rõ ràng giữa cuộc sống và công việc là một việc rất quan trọng bạn nên làm để có thể chăm sóc bản thân tốt hơn.

Hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi. Dành ra một ngày nghỉ, sử dụng số ngày nghỉ ốm cho phép và để bản thân nói "không" với những việc mà bạn không đủ khả năng về thể chất hoặc tinh thần để làm. Bạn không cần phải làm việc quá cật lực để cho phép bản thân được nghỉ ngơi".

- Katheryn Perez , chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình tại Burbank, California (Mỹ)

Tập trung vào hiện tại

"Nếu bạn đang gặp khó khăn trong khoảng thời gian này thì cũng khá dễ hiểu, vì chúng ta đều đang phải trải qua một chấn thương tâm lý vì đại dịch.

Bằng một cách nào đó, hãy vượt qua nó từng ngày hoặc từng giờ một. Chúng ta mãi mãi không thể đoán trước được mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Vì vậy, hãy quay về thực tại và tập trung vào nó hết sức có thể. Đừng lo lắng cho cả một năm, chỉ cần tập trung vào thời điểm hay khoảnh khắc này là được".

- Elizabeth Cohen , chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Thành phố New York (Mỹ)

Hãy tự hỏi bản thân: Mình muốn điều gì?

"Hãy tìm ra điều bạn thực sự muốn và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Nếu tình trạng hỗn loạn trong hai năm vừa qua có mang lại cho ai bất kỳ lợi ích nào, thì đó là do họ đã nhận ra khả năng linh hoạt và thích ứng của công việc họ đang làm.

'Bạn thực sự mong muốn điều gì?' hay 'Sâu thẳm bên trong, bạn đam mê gì?' Đây là câu hỏi quan trọng nhất và cũng khó trả lời nhất với mỗi người. Liệu đó là tiền bạc, sự linh hoạt, giá trị mà công việc đem lại, sự sáng tạo, những người đồng nghiệp tuyệt vời, vị trí, sự hợp tác hay thứ gì hoàn toàn khác? Bạn có thể sẽ mất chút thời gian để tự tìm ra câu trả lời, dù là trò chuyện với người thân hay tìm đến với bác sĩ trị liệu, nhưng nó rất đáng để bạn nỗ lực.

Một khi đã phát hiện ra sở thích và niềm đam mê của bản thân, hãy xem liệu công việc hoặc con đường hiện tại có giúp bạn tiến tới mục tiêu của mình hay không hay bạn cần phải thay đổi hướng đi.

Nếu bạn cảm thấy công việc đã bòn rút tâm khí của bạn trong nhiều năm qua, thì bây giờ có thể là thời điểm thích hợp để bạn thay đổi, và bước đầu tiên chính là thấu hiểu bản thân".

- Ryan Howes, nhà tâm lý học tại Pasadena, bang California (Mỹ), tác giả của "Tạp chí Sức khỏe Tâm thần dành cho Nam giới" 

Lập danh sách cho những việc cần làm

"Thiết lập một hệ thống cho những công việc cần phải hoàn thành có thể giúp ích cho bạn. Bản thân tôi rất thích lên danh sách những việc cần làm trong một ngày, một tuần và dài hơn. Bạn có thể cảm thấy bị quá tải do có quá nhiều công việc trong danh sách của mình, vì vậy việc chia nhỏ nó ra theo cách này sẽ giúp bạn cảm thấy chúng dễ quản lý hơn nhiều."

- Rebecca Leslie , nhà tâm lý học tại Atlanta (Mỹ)

Phát triển thói quen nhất quán

"Nhiều khách hàng của tôi đang làm việc từ xa và họ bắt đầu cảm thấy áp lực từ sếp của họ khi phải quay lại làm việc trực tiếp. Có vẻ như những người sếp này đã thiết lập các ngày tùy ý để nhân viên của họ trở lại văn phòng mà không quan tâm đến sức khỏe tinh thần hay thể chất của nhân viên. Không những thế, những ngày này còn liên tục có sự thay đổi.

Tôi khuyên khách hàng của mình nên tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát và đang làm để bảo vệ bản thân và những người khác. Với tất cả những gì mà họ không thể chắc chắn, tôi khuyến khích xây dựng các thói quen nhất quán để họ có thể cố gắng trong suốt cả ngày, chẳng hạn như quyết định bạn muốn bắt đầu buổi sáng như thế nào, tìm ra điều đã khiến bạn phải làm việc cật lực trong ngày hôm ấy, và vạch ra cách để bạn có thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc."

- Adjoa Osei, nhà tâm lý học lâm sàng tại Thành phố New York (Mỹ)

Nếu chưa rõ, hãy trao đổi trực tiếp

"Nếu có gì chưa rõ, hãy nói chuyện trực tiếp. Có rất nhiều người đã chuyển sang làm việc tại nhà hay từ xa; vì vậy, giao tiếp kỹ thuật số thay thế tương tác trực tiếp có thể dẫn đến nhiều trường hợp thông tin bị truyền đạt sai lệch hơn trước.

Nếu email hoặc tin nhắn văn bản của ai đó có vẻ quá ngắn gọn, thì thay vì cho rằng họ đang khó chịu với bạn, hãy làm rõ chúng bằng cách đặt tiếp câu hỏi và ưu tiên các phương pháp giao tiếp gặp mặt càng trực tiếp càng tốt.

Đừng cố né tránh sự xung đột! Xung đột đúng là có thể rất đáng sợ, đặc biệt là ở nơi làm việc, nhưng tìm hiểu rõ vấn đề sẽ tốt hơn nhiều so với việc dành năng lượng cảm xúc để cố gắng đoán xem có vấn đề gì không. Thay vì xem xung đột là điều đáng sợ cần phải tránh, hãy coi đó là một cơ hội để học hỏi và thấu hiểu lẫn nhau".

- Therese Mascardo, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp bằng và Giám đốc điều hành của Exploring Therapy tại Lisbon (Bồ Đào Nha) và Santa Monica, bang California (Mỹ)

Không phải ai cũng là nhà ngoại cảm

"Khi bạn đang cố gắng nỗ lực hết mình, bạn phải nói cụ thể về động lực bạn đang mong đợi từ những người thân yêu của mình.

Không phải ai cũng có thể thấu hiểu suy nghĩ của bạn và sự ủng hộ từ mỗi người là khác nhau. Bạn có muốn ai đó thách thức bạn trong thời gian này không? Bạn thích tình yêu trắc trở hay muốn tiếp tục được trấn an? Bạn muốn ai đó nhắc nhở bạn sống thực tế lên hay mong họ chỉ cần đến bên an ủi bạn khi mọi thứ không diễn ra theo những gì bạn nghĩ?

Hãy chuẩn bị cho sự thành công bằng cách nói rõ những gì bạn cần. Cảm thấy được ủng hộ dù có bất kỳ điều gì xảy ra có thể tiếp thêm cho bạn sức mạnh, đặc biệt là khi bạn đang đối mặt với những cung đường trắc trở.

- Anita A. Chlipala, chuyên gia trị liệu hôn nhân gia đình được cấp phép tại Chicago (Mỹ)

(*) Tất cả các câu trả lời đã được chỉnh sửa về độ dài.

Theo www.huffpost.com